Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 484/BXD-VLXD
V/v: Thực hiện Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2013

 

Kính gửi: UBND tỉnh Bình Thuận

Bộ Xây dựng nhận được công văn số 4987/UBND-ĐTQH ngày 24/12/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc “xem xét cho phép chậm thời gian thực hiện lộ trình sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến sau:

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 v/v Phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố, phổ biến, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trên phạm vi cả nước. Đồng thời Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành soát xét và xây dựng mới tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu cho khối xây sử dụng VLXKN nhẹ; xây dựng định mức kinh tế cho khối xây khi sử dụng VLXKN. Các Bộ ngành, địa phương đã rà soát, ban hành các Thông tư hướng dẫn, các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các dự án phát triển VLXKN và quy định việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Như vậy về hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN cho tới nay cơ bản đã hoàn thiện.

Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có 13 nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, 17 nhà máy sản xuất bê tông bọt, khoảng 1000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu và một số chủng loại vật liệu không nung khác (tổng công suất thiết kế đạt gần 5,4 tỷ viên QTC). Các nhà máy sản xuất ra sản phẩm có chất lượng ổn định, như vậy chúng ta bước đầu đã làm chủ được công nghệ sản xuất VLXKN. Giá trị đầu tư cho dây chuyền sản xuất VLXKN loại xi măng cốt liệu không cao, thời gian đầu tư cho một dây chuyền sản xuất cũng không dài, nên trong thời gian vừa qua tốc độ đầu tư sản xuất gạch xi măng cốt liệu tăng nhanh, đến hết năm 2012 mục tiêu công suất đầu tư VLXKN đã đạt và vượt mục tiêu của Chương trình 567.

Bình Thuận là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ gạch xây tương đối lớn, có nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXKN phong phú (đá mạt, cát sông, cát mỏ…), rất thuận lợi cho việc phát triển VLXKN. Với các yếu tố trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các ban ngành liên quan của tỉnh tích cực vận động khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN, tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, sản lượng VLXKN sản xuất của tỉnh chưa đạt được yêu cầu về khối lượng, Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh lộ trình thực hiện Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 (gọi tắt là Thông tư số 09) tại địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:

1. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước (theo quy định hiện hành), bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình:

+ Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014.

+ Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

2. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

3. Các quy định khác thực hiện như Thông tư số 09.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng về việc Thực hiện Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Lưu VT, VLXD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trần Nam