Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4893/BTC-QLCS
V/v: Quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2010

 

Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước khi bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Về việc này, sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp tại Công văn số 872/BTP-PLHSHC ngày 01/4/2010, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Theo quy định tại khoản 1 điều 36 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định tịch thu, người ra quyết định tịch thu phải chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm để bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 điều 61 của Pháp lệnh; cụ thể là:

“1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì người quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện để bán đấu giá.”

- Theo quy định tại khoản 1 điều 25 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì: “1. Hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó.

Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.”

- Theo Thông tư số 225/2009/TT-BTC

Căn cứ các quy định nêu trên, việc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh (hoặc Hội đồng bán đấu giá cấp huyện) thực hiện bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; do đó, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh (hoặc Hội đồng bán đấu giá cấp huyện) là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, đồng thời là đơn vị được mua hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước theo quy định tại khoản 2 điều 2 và khoản 4 điều 5 Thông tư số 225/2009/TT-BTC.

Bộ Tài chính trả lời để Sở Tài chính tỉnh Quảng trị được biết, tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế, TCT;
- Lưu: VT, QLCS.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Chí