BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4896/LĐTBXH-TTr | Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2009 |
Kính gửi: | - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Căn cứ chương trình công tác năm 2010 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung công tác thanh tra của ngành năm 2010 như sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG
Năm 2010 là năm cả nước và ngành có nhiều ngày lễ lớn và là mốc thời gian quan trọng của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 tạo bản lề cho kế hoạch 5 năm tiếp theo 2011 – 2015. Vì vậy, công tác thanh tra của ngành năm 2010 cần bám sát yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, để đạt được các mục tiêu:
- Hoàn thành các đề án, chương trình, chiến lược và mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của ngành.
- Giữ vững ổn định chính trị xã hội, khắc phục suy thoái kinh tế và những hậu quả do thiên tai trong năm 2009.
II. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC
1. Công tác thanh tra: Trên cơ sở Kế hoạch công tác năm 2010 của Thanh tra Bộ và chỉ đạo của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị, của Sở trên nguyên tắc bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ, các đơn vị và Sở để tránh chồng chéo, lãng phí và phiền hà cho đối tượng. Các nội dung cụ thể:
1.1. Thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động: Chủ động triển khai thực hiện việc phát hành, thu hồi, phân tích, xử lý phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp và tiến hành thanh tra, cần chú ý đến các doanh nghiệp xây dựng; kiểm tra khoáng sản; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người nước ngoài; doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, chú ý các công trình trọng điểm.
- Thanh tra hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng của các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động, cơ sở đào tạo giáo dục định hướng thuộc địa phương quản lý.
- Điều tra tai nạn lao động. Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng phải báo cáo ngay về Bộ để xem xét xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Thanh tra việc thực hiện công tác dạy nghề tại các Trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề.
1.3. Chủ động thanh tra và tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn; chú trọng việc xác nhận người hưởng chính sách như thương binh; đối tượng thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
1.4. Thanh tra việc thực hiện các chính sách đối với trẻ em, trong đó chú trọng đến chính sách đối với trẻ em bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động sớm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
- Thanh tra một số nội dung có tính bức xúc về bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.
1.5. Thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại các cơ quan bảo hiểm xã hội.
1.6. Thực hiện công tác thanh tra hành chính, phòng, chống tham nhũng đối với các tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
2. Công tác giải quyết thư đơn khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân
- Đây là một nhiệm vụ quan trọng, vì vậy yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở giải quyết tích cực, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại ngay từ cơ sở không để tồn đọng, kéo dài, gây hậu quả xấu và khiếu kiện vượt cấp.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, dân chủ và nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11/01/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động và sơ kết 03 năm thực hiện phương thức thanh tra viên phụ trách vùng và sử dụng phiếu tự kiểm tra tại doanh nghiệp để chuẩn bị cho Hội nghị của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2010.
4. Công tác xây dựng lực lượng
- Củng cố, tăng cường lực lượng thanh tra Sở, bố trí cho cán bộ, thanh tra viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Thanh tra tỉnh tổ chức; bố trí cho số cán bộ thanh tra chưa được học nghiệp vụ thanh tra cơ bản tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ thanh tra cơ bản.
- Thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của đơn vị tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ.
- Thực hiện nghiêm túc công tác thông tin, báo cáo theo quy định; coi đây là một tiêu chí trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế để quyết định kế hoạch công tác năm 2010 của Thanh tra Sở; thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế để quyết định kế hoạch công tác kiểm tra của đơn vị và báo cáo kế hoạch thanh tra, kiểm tra với Bộ (qua Thanh tra Bộ)
Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp và là đầu mối tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của toàn ngành.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |