BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4986/BNN-PCTT | Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 (Quyết định số 957), Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tại khoản 9, mục IV, Điều 1 Quyết định số 957 chỉ đạo các cơ quan trực thuộc chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình đảm bảo ổn định bờ sông, bờ biển trước mắt cũng như lâu dài, tránh tình trạng thực hiện thụ động như thời gian vừa qua, trong đó tập trung các nhiệm vụ như sau:
1. Xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, bao gồm các nhiệm vụ thực hiện từ nay đến hết năm 2020 và các giai đoạn 2021÷2025, 2026÷2030 làm cơ sở để lồng ghép vào kế hoạch phòng chống thiên tai và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh/thành phố, từng bước triển khai thực hiện, trong đó chú trọng:
a) Sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ, dự án.
b) Xác định, bố trí cụ thể nguồn lực từ vốn ngân sách của địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, đồng thời huy động các nguồn vốn khác để thực hiện (quỹ phòng chống thiên tai, nguồn vốn xã hội hóa) theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, mục III, Điều 1, Quyết định số 957.
c) Phân công, phân cấp cụ thể cho các Sở, các địa phương thực hiện, đồng thời xác định cụ thể cơ quan chủ trì tổng hợp, cơ quan phối hợp, tránh chồng chéo; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
2. Về quan trắc, giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề án, nhằm đánh giá diễn biến, xu thế sạt lở làm cơ sở xác định giải pháp xử lý phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1, mục IV, Điều 1 Quyết định số 957, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo:
a) Rà soát hệ thống quan trắc diễn biến lòng dẫn trên các sông, suối, kênh, rạch và hệ thống quan trắc xói, bồi bờ biển (nếu có), thiết lập hệ thống quan trắc diễn biến lòng dẫn, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển. Trước mắt tập trung vào những khu vực phân lưu, hợp lưu; khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp; các khu vực đô thị hoặc dân cư tập trung; cơ sở hạ tầng quan trọng.
b) Thiết lập hệ thống giám sát sạt lở theo thời gian thực, kết hợp với giám sát lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn,… trong đó kết hợp tối đa với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có (hệ thống thông tin, truyền thông; hệ thống tín hiệu giao thông ở ven sông, ven biển,…).
c) Tổ chức xây dựng, lắp đặt hệ thống và thực hiện việc quan trắc, giám sát diễn biến lòng dẫn, sạt lở bờ sông, bờ biển, kết nối trực tuyến với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với sạt lở và hỗ trợ ứng phó với một số loại hình thiên tai khác, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị tỉnh/thành phố định kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm (trước 30/6) và hàng năm (trước 31/12) về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Tổng cục Phòng chống thiên tai, điện thoại: 0243.2115704; Email:vuantoanthientai.vndma.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 1, mục IV, Điều 1 Quyết định số 957.
Đề nghị tỉnh/thành phố quan tâm triển khai thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |