Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4988/SGTVT-VTĐB
V/v tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
- Các đơn vị quản lý bến xe khách;
- Các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô;
- Các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn thành phố;
- UBND thành phố Thủ Đức và các quận/huyện;
- Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
- Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp ngày 17 tháng 5 năm 2021, Sở Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai nội dung tại đơn vị mình về công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của các cấp; đồng thời, theo phạm vi trách nhiệm phối hợp phổ biến, tuyên truyền đến các đơn vị đối tác, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp (Chính phủ, Bộ ngành và Ủy ban nhân dân thành phố).

2. Về vận tải hành khách đường bộ hoạt động phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1368/QĐ-BCĐ ngày 23 tháng 4 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh) cho đến khi có chỉ đạo mới, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm một số vấn đề như sau:

- Yêu cầu bắt buộc lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế (KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ), đặc biệt lưu ý thường xuyên đeo khẩu trang đúng cách, khai báo y tế bắt buộc và thực hiện sát khuẩn.

- Chủ động theo dõi, thực hiện nghiêm theo phương án tổ chức hoạt động vận tải của các tỉnh/thành phố có liên quan hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về hoạt động vận tải đường bộ (tạm dừng hoạt động, không đón trả khách, thực hiện các biện pháp giãn cách,....).

- Không dừng, đón trả khách tại địa bàn có dịch thuộc tỉnh/thành phố (vùng có dịch) theo thông báo của Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền (đối với các tỉnh/thành chưa công bố tạm dừng hoạt động vận tải).

- Đối với hoạt động vận tải khách đường bộ (vận tải khách bằng xe buýt, tuyến cố định, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ có ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách), xe vận tải khách du lịch, xe taxi, xe vận chuyển học sinh, sinh viên và công nhân viên,... phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện cách nhau một ghế hoặc đảm bảo cách nhau 01 mét (không áp dụng đối với xe khách giường nằm và xe cải tạo ghế ngồi đã đảm bảo giãn cách) và không được vượt quá 30 người trên phương tiện, kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Tại các khu vực nhà ga, bến xe phải đảm bảo hành khách ngồi cách ghế, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn theo quy định.

- Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc theo quy định đối với tất cả hành khách trên các phương tiện vận chuyển, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (nếu có). Việc khai báo y tế thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế tại Công văn số 2687/SYT-NVY ngày 13 tháng 5 năm 2021 về đẩy mạnh khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 bằng mã QR (Nội dung sao gửi đính kèm). Các hình thức khai báo y tế:

Khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone.

Chỉ thực hiện khai báo bằng giấy khi hình thức khai báo y tế điện tử không thực hiện được, nhưng phải đảm bảo thông tin tối thiểu như: họ và tên, số điện thoại, biển số xe, giờ và thông tin dịch tễ (tham khảo mẫu đính kèm).

- Thực hiện việc khử khuẩn hàng ngày đối với phương tiện và khu vực nhà ga, bến xe theo quy định. Đối với phương tin xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng (du lịch) dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải thực hiện nghiêm việc vệ sinh các bề mặt khách thường xuyên tiếp xúc sau mỗi chuyến đi.

- Ngoài ra, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (du lịch) dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải lập và lưu trữ thông tin danh sách phương tiện, lái xe, hành khách, lộ trình di chuyển,... trên phần mềm để cung cấp thông tin hành khách cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có yêu cầu).

- Kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

- Từ chối không vận chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định; đặc biệt là không thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc, không đeo khẩu trang đúng cách,… nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe trong cộng đồng cũng như hỗ trợ việc truy vết kịp thời.

- Không vận chuyển người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đồng thời thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có trường hợp chở người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả tự đánh giá (định kỳ vào ngày 05 hàng tháng) trên hệ thống Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (ng dụng “An toàn COVID-19” trên website: antoancovid.vn(1)) và tự rà soát, đánh giá điều kiện hoạt động đảm bảo đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 1368/QĐ-BCĐ ngày 23 tháng 4 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh).

3. Đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối mua bán hàng trực tuyến “online” và vận chuyển giao nhận hàng (như: giao hàng, bưu phẩm, bưu kiện, thức ăn,...) bằng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn thành phố:

3.1. Phổ biến và yêu cầu các đơn vị có liên quan nêu trên triển khai đến đội ngũ lái xe một số biện pháp phòng, chống dịch đồng thời tuyên truyền đến khách hàng nhằm đảm bảo các quy tắc an toàn trong quá trình giao, nhận sản phẩm như sau:

3.1.1 Đối với đội ngũ lái xe

- Luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển và giao, nhận sản phẩm cho khách hàng;

- Thường xuyên rửa tay sát khuẩn;

- Giữ khoảng cách 2m trong quá trình giao, nhận sản phẩm;

- Thực hiện việc khai báo y tế theo quy định và lập sổ nhật ký theo dõi hoạt động hàng ngày.

3.1.2. Đối với khách hàng

- Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m trong quá trình giao, nhận sản phẩm;

- Sau khi nhận hàng: Loại bỏ bao bì; Rửa tay ngay bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn; Vệ sinh sản phẩm vừa nhận (nếu là hàng hóa).

- Khuyến khích hành khách sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

3.2. Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc.

3.3. Phải lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển,... để cung cấp thông tin hành khách cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có yêu cầu) và kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

3.4. Có biện pháp đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với việc giao, nhận hàng hóa, thức ăn,... tại địa bàn có dịch thuộc tỉnh/thành phố (vùng có dịch) theo thông báo của Bộ Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền.

4. Đối với hoạt động vận chuyển khách bằng xe gắn máy 02 bánh

4.1. Đối với hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy 02 bánh sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe 02 bánh trên thiết bị di động)

a) Đối với đội ngũ lái xe

- Luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển;

- Thường xuyên rửa tay sát khuẩn và vệ sinh nón (mũ) bảo hiểm sau khi kết thúc mỗi chuyến đi;

- Hạn chế nói chuyện trong quá trình di chuyển;

- Thực hiện việc khai báo y tế theo quy định và lập sổ nhật ký theo dõi hoạt động hàng ngày.

- Từ chối không vận chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

b) Đối với hành khách sử dụng dịch vụ

- Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc.

- Khuyến khích hành khách sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

c) Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ phải lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển,... để cung cấp thông tin hành khách cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có yêu cầu) và kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

4.2. Đối với hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy 02 bánh truyền thống (xe ôm): Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận/huyện phối hợp tuyên truyền, phổ biến thông tin bằng nhiều hình thức để vận động các nhóm (tổ) xe “ôm” tự quản, các nghiệp đoàn trên địa bàn địa phương quản lý thực hiện nghiêm phương án phòng chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý một số nội dung:

- Lái xe “ôm” truyền thống (kể cả các xe 3 bánh có gắn động cơ) thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế trong đó phải đảm bảo việc đeo khu trang đúng cách và khai báo y tế bắt buộc, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, hành khách nói riêng và cộng đồng nói chung; Thường xuyên rửa tay sát khuẩn và vệ sinh nón (mũ) bảo hiểm sau khi kết thúc mỗi chuyến đi; Hạn chế nói chuyện trong quá trình di chuyển. Kiên quyết từ chối không vn chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

- Hành khách luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc, chuẩn bị sẵn tiền lẻ.

5. Các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, đơn vị quản lý bến xe khách, đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh trên địa bàn thành phố có trách nhiệm củng cố và hoàn thiện các kênh thông tin tiếp nhận phản ảnh của hành khách (nhất là tình trạng các lái xe/chủ phương tiện, đơn vị quản lý,..., chưa thực hiện nghiêm và tuân thủ các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19) khi sử dụng các dịch vụ của các đơn vị cung cấp hoặc phản ảnh qua Cổng thông tin 1022 bằng các hình thức: (1) Tổng đài 1022; (2) Cổng thông tin điện tử: https://1022.tphcm.gov.vn; (3) Hộp thư điện tử (E-mail): Gửi thông tin phản ánh đến hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn; (4) Mạng xã hội (Fanpage): https://www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn.

6. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận/huyện phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ.

7. Thanh tra Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp các lực lượng chức năng và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến phương án phòng, chống dịch COVID-19 của ngành theo thẩm quyền; đặc biệt là hành vi vi phạm theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định này”./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND TP “để báo cáo”;
- Sở Công thương “phối hợp, hỗ trợ”;
- Sở Y tế; Công an thành phố;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ quan thông tấn báo chí “để tuyên truyền”;
- Ban GĐ Sở GTVT;
- Lưu: VT, VTĐB.Kn. (12)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Võ Khánh Hưng

 



(1) Tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết theo phụ lục đính kèm tại Công văn số 449/BGTVT-TTCNTT ngày 18/01/2021 của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc; các đơn vị liên hệ Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục Y tế Giao thông vận tải qua Tổng đài hotline: 19000318, E-mail: bophanhotro@mt.gov.vn để kịp thời giải đáp các thắc mắc.