Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4992/UBND-CNN
V/v: khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kết hợp triều cường và xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn đầu tháng 10 năm 2012.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2012

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng sở - ban, ngành thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện;
- Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

 

Theo Bản tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: hồi 13 giờ ngày 01 tháng 10 năm 2012, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 km, có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến 13 giờ ngày 02 tháng 10 năm 2012, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Hiện nay, mực nước trên sông Sài Gòn đang dâng cao, theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều 05 ngày số 275/2012 ngày 01 tháng 10 năm 2012 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước thực đo ngày 01 tháng 10 năm 2012 tại trạm Phú An trên trong Sài Gòn là 1,50 m (lúc 05 giờ) và sẽ tăng cao trong những ngày tới (trên mức báo động III), thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 4-7 giờ và từ 16-19 giờ. Cụ thể: ngày 01 tháng 10 năm 2012 đạt 1,52 m (lúc 17 giờ 30 phút); ngày 02 tháng 10 năm 2012 đạt 1,52 m (lúc 06 giờ) và đạt 1,53 m (lúc 18 giờ 30 phút) và ngày 03 tháng 10 năm 2012 đạt 1,50 m (lúc 07 giờ).

Do ảnh hưởng của mưa lớn nên lưu lượng nước về các hồ thủy lợi, thủy điện thượng nguồn đang dâng cao. Các hồ chứa trên thượng nguồn đang tiến hành xả lũ, với tổng lưu lượng xả xuống hạ lưu (của hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng) là 2.198 m3/s, cụ thể: hồ Thủy điện Trị An (sông Đồng Nai) là 2.148 m3/s (trong đó xả tràn: 1.248 m3/s, chạy máy: 900 m3/s) và hồ Thủy lợi Dầu Tiếng (sông Sài Gòn) xả tràn lưu lượng là 50m3/s.

Để chủ động phòng, chống và ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gây mưa lớn kết hợp với triều cường, xả lũ từ thượng nguồn, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Các sở, ngành, đơn vị thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố (Quyết định số 3006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố) và Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố (Quyết định số 3007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố).

2. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Tăng cường rà soát, kiểm tra các vị trí, khu vực xung yếu, đặc biệt là khu dân cư có khả năng bị ảnh hưởng khi có áp thấp nhiệt đới, triều cường, xả lũ; xác định các địa điểm tránh trú thiên tai an toàn cho nhân dân và chủ động di dời dân khi có thiên tai xảy ra.

b) Khẩn trương cơi đắp, xử lý ngay theo phương châm “bốn tại chỗ” các sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, bể bờ bao, không để xảy ra ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

c) Tăng cường lực lượng Quản lý đê nhân dân tiếp tục kiểm tra phát hiện, tu sửa gia cố kịp thời những vị trí đê bao hư hỏng, xuống cấp, nhanh chóng khắc phục tình trạng bể bờ, tràn bờ bao gây ngập úng trong khu vực bị ảnh hưởng.

d) Riêng Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền đang hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển biết vị trí, diễn biến và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền, thuyền viên trên mỗi tàu và báo cáo số lượng tàu thuyền, ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ và gần bờ, tàu thuyền đang trú ẩn, nằm bờ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, đặc biệt phải có kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình tổ chức Lễ hội truyền thống Ngư dân Cần Giờ.

3. Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi thành phố và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận - huyện sẵn sàng lực lượng, nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra, vận hành hiệu quả các cửa xả, cống, đập ngăn triều, máy bơm nước di động để kịp thời huy động khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường kết hợp mưa lớn, xả lũ gây ra.

4. Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công an thành phố triển khai các phương án, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn; bố trí, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng tham gia ứng cứu với mọi tình huống do áp thấp nhiệt đới, triều cường, xả lũ gây ra.

5. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố tăng cường nhân lực để hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra triều cường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ vận chuyển phương tiện, vật tư phục vụ công tác gia cố, xử lý bờ bao phòng chống triều cường, đảm bảo mục tiêu khắc phục ngay các sự cố.

6. Đề nghị các Công ty quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn: hồ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, hồ thủy điện Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Phu Miêng và hồ Trị An kịp thời thông báo tình hình xả lũ xuống hạ du, đồng thời xem xét điều tiết lưu lượng xả tràn hợp lý trong thời điểm đang diễn ra triều cường phía hạ du, giúp thành phố Hồ Chí Minh chủ động trong công tác ứng phó triều cường, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là khi mực nước triều xấp xỉ hoặc vượt báo động III.

7. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới, triều cường, xả lũ để các cơ quan đơn vị, địa phương và nhân dân biết.

8. Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, triều cường, xả lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc theo Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố. Báo cáo nhanh mọi tình huống về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (fax: 38.232.742, số điện thoại trực ban 38.297.598, 22.104.375, e- mail: banchihuypclb@hcm.fpt.vn)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương (b/c);
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- TT/Thành ủy (b/c);
- TT/HĐND TP (b/c);
- TT/UBND TP: CT, các PCT;
- Trung tâm PCLB KV miền Nam (b/c);
- VP Thành ủy;
- Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hòa;
- Công ty thủy điện Trị An;
- Công ty CP thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng;
- Đài Truyền hình TP, Đài Phát thanh TP, Báo SGGP;
- VPUB: CPVP, Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (CNN-Tr).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Minh Trí