Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 508/TCT/TNCN
V/v: Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2004

Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2005

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG CỤC THUẾ SỐ 508 TCT/TNCN NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 2005 VỀ VIỆC QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NĂM 2004

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH ngày 24/3/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Để thực hiện thống nhất Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Tổng cục thuế hướng dẫn cụ thể một số điểm về quyết toán thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế TNCN) năm 2004 như sau:

1. Cấp mã số thuế cá nhân

Đối với cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế ở Cục thuế địa phương (ví dụ Cục thuế TP.HCM), cuối năm quyết toán thuế tại Cục thuế địa phương khác (ví dụ Cục thuế TP.Hà Nội) thì cá nhân phải đăng ký khai báo bổ sung theo mẫu 08-MST quy định tại Thông tư số 80/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế.

2. Thu nhập chịu thuế

2.1. Xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng biểu thuế

Thu nhập thường xuyên chịu thuế năm 2004 được xác định: lấy tổng thu nhập chịu thuế cả năm chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng:

- Thu nhập của 6 tháng đầu năm áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập thường xuyên quy định tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC ngày 17/01/2002 của Bộ Tài chính.

- Thu nhập của 6 tháng cuối năm áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập thường xuyên quy định tại Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính.

2.2. Thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền nhà được chi trả hộ

Tiền nhà 6 tháng đầu năm tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% thu nhập từ tiền lương, tiền công; 6 tháng cuối năm tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế. Sau đó, được tổng hợp vào thu nhập chịu thuế năm 2004 để xác định thu nhập chịu thuế bình quân tháng.

Ví dụ 1: Bà A, quốc tịch Hà Lan, làm việc cho công ty điện tử D tại TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2004, Bà A có các khoản thu nhập như sau:

- Thu nhập chịu thuế (chưa có tiền nhà ở) mỗi tháng là 38 triệu đồng (tr.đ). Trong đó, tiền lương, tiền công là 31,6 tr.đ/tháng.

- Tiền thuê nhà ở tại Việt Nam do Công ty điện tử D trả hộ theo chứng từ chi năm 2004, mỗi tháng là 5 tr.đ.

Thu nhập chịu thuế đối với tiền thuê nhà ở của bà A do Công ty điện tử D trả hộ được xác định như sau:

+ 6 tháng đầu năm 2004 tính theo quy định tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC:

(31,6 tr x 6 tháng) x 15% = 28,44 tr.đ. Số tiền nhà trả hộ thực tế 6 tháng đầu năm 2004 là 30 tr.đ lớn hơn 28,44 tr.đ nên lấy mức khống chế tối đa 15% là 28,44 tr.đ để tính vào thu nhập chịu thuế.

+ 6 tháng cuối năm 2004 tính theo quy định tại Thông tư số 81/2004/TT-BTC:

(38 tr.đ x 6 tháng) x 15% = 34,2 tr.đ. Số tiền nhà trả hộ thực tế 6 tháng cuối năm 2004 là 30 tr.đ thấp hơn 34,2 tr.đ, nên lấy mức chi trả thực tế theo hoá đơn là 30 tr.đ để tính vào thu nhập chịu thuế.

Tổng thu nhập chịu thuế (đã có tiền nhà ở) năm 2004 của Bà A là:

(38 tr x 12 tháng) + 28,44 tr.đ + 30 tr.đ = 514,44 tr.đ.

- Thu nhập chịu thuế bình quân tháng là:

514,44 tr.đ : 12 tháng = 42,87 tr.đ/tháng

Số thuế TNCN phải nộp năm 2004 của Bà A theo biểu thuế tương ứng tại 2 thời điểm là:

+ 6 tháng đầu năm 2004: áp dụng Biểu thuế luỹ tiến từng phần của Thông tư số 05/2002/TT-BTC để tính thuế.

{1,2 tr. đ + (42,87 tr - 20 tr) x 20%} x 6 tháng = 34,644 tr.đ.

+ 6 tháng cuối năm 2004: áp dụng Biểu thuế luỹ tiến từng phần của Thông tư số 81/2004/TT-BTC để tính thuế.

{1,2 tr. đ + (42,87 tr – 20 tr) x 20%} x 6 tháng = 34,644 tr.đ.

Tổng cộng số thuế TNTX Bà A phải nộp cả năm 2004 là:

34,644 tr. đ + 34,644 tr. đ = 69,288 triệu đồng

2.3. Thu nhập thường xuyên (TNTX): Đối với khoản thu nhập như thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tư vấn, đại lý, tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu; thu nhập về tiền nhuận bút, hoa hồng môi giới..., trường hợp cá nhân đã nhận trong 6 tháng đầu năm và được khấu trừ thuế theo biểu thuế TNKTX thì không phải quyết toán lại và không tổng hợp vào thu nhập chịu thuế năm; trường hợp cá nhân nhận trong 6 tháng cuối năm (xác định là thu nhập thường xuyên) thì tổng hợp vào thu nhập của 6 tháng cuối năm chia 6 tháng để xác định số thu nhập bình quân tháng và áp dụng biểu thuế luỹ tiến (theo Khoản 2.1, Điểm 2, Mục II thông tư số 81/2004/TT-BTC) cho 6 tháng cuối năm 2004.

Ví dụ 2: Ông B, trong năm 2004, có các khoản thu nhập sau đây:

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công 4,5 triệu đồng/tháng;

- Tháng 2/2004, Ông B có thu nhập từ tiền nhuận bút là 4 triệu đồng (tr.đ), cơ quan chi trả thu nhập đã khấu trừ thuế theo biểu thuế thu nhập không thường xuyên quy định tại Thông tư số 05/2002/TT-BTC là 0,10 tr.đ = [(4 tr.đ - 2 tr.đ) x 5%]

- Tháng 8/2004, Ông B có thu nhập từ tiền nhuận bút là 6 tr.đ.

Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Do khoản tiền nhuận bút nhận trong tháng 2/2004 đã nộp thuế TNKTX nên không tổng hợp vào thu nhập chịu thuế. Khoản thu nhập từ tiền nhuận bút nhận được trong tháng 8/2004 theo Pháp lệnh sửa đổi là TNTX nên phải tổng hợp vào thu nhập chịu thuế để tính thu nhập bình quân tháng của 6 tháng cuối năm:

+ Thu nhập chịu thuế bình quân 6 tháng đầu năm 2004 là: 4,5 tr.đ/tháng.

+ Thu nhập chịu thuế bình quân 6 tháng cuối năm 2004 là:

{(4,5 tr.đ/tháng x 6 tháng) + 6 triệu}/6 tháng = 5,5 tr.đ/tháng.

Số thuế TNCN phải nộp năm 2004 của Ông B được tính theo biểu thuế tương ứng tại 2 thời điểm là:

+ 6 tháng đầu năm 2004: {(4,5tr.đ - 3 tr.đ) x 10%} x 6 tháng = 0,9 tr.đ

+ 6 tháng cuối năm 2004: {(5,5 tr.đ - 5 tr.đ) x 10%} x 6 tháng = 0,3 triệu đồng.

Tổng cộng số thuế TNTX Ông B phải nộp trong năm 2004 là:

0,9 triệu đồng + 0,3 triệu đồng = 1,2 triệu đồng.

2.4. Thu nhập được giảm trừ 25% khi xác định thu nhập chịu thuế:

Khoản thu nhập chịu thuế của ca sỹ, nghệ sỹ như diễn viên biểu diễn các loại hình nghệ thuật: ca hát, nhạc kịch, cải lương, tuồng chèo, dân ca; xiếc, múa; cầu thủ bóng đá; vận động viên chuyên nghiệp, khi quyết toán thuế năm 2004 được áp dụng giảm trừ 25% để xác định thu nhập bình quân tháng và áp dụng theo biểu thuế tương ứng cho 2 thời điểm.

Ví dụ 3: Ca sỹ X năm 2004 có các khoản thu nhập như sau:

- Ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Công ty nhạc trẻ A có thu nhập chịu thuế hàng tháng (bao gồm tiền lương, tiền thưởng,... và các khoản thu nhập khác từ tham gia các chương trình của công ty) là 8 triệu đồng.

- Tham gia chương trình ca nhạc do Phòng trà B tổ chức với mức cát-xê 4 triệu đồng.

- Ký hợp đồng quảng cáo với Hãng mỹ phẩm D với mức chi trả là: 18 triệu đồng.

Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

- Thu nhập từ hoạt động ca hát:

+ Tổng thu nhập: (8tr. x 12th) + 4tr. = 100 tr.đ

+ 25% thu nhập được trừ trước khi tính thuế: 100 x 25% = 25 tr.đ

+ Thu nhập chịu thuế: 100 tr. - 25 tr. = 75 tr.đ.

- Thu nhập từ hoạt động quảng cáo (thu nhập không được khấu trừ 25%): 18 tr.đ

Tổng thu nhập chịu thuế năm 2004: 75 tr. + 18 tr. = 93 triệu

Thu nhập chịu thuế bình quân tháng: 93tr./12th = 7,75 triệu đồng

Số thuế TNCN phải nộp năm 2004 của Ca sỹ X được tính theo Biểu thuế tương ứng với 2 thời điểm là:

+ Thuế TN phải nộp 6 tháng đầu năm: {0,3 tr. + (7,75 tr.đ - 6 tr.đ) x 20%)}x 6 tháng = 3,9 tr.đ

+ Thuế TN phải nộp 6 tháng cuối năm: (7,75 tr. - 5 tr.) x 10% x 6 th. = 1,65 triệu đồng.

Tổng cộng số thuế TNTX Ca sỹ X phải nộp năm 2004 là:

3,9 triệu đồng + 1,65 triệu đồng = 5,55 triệu đồng.

2.5. Thu nhập của người nước ngoài ở tại Việt Nam dưới 30 ngày: Người nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam ở Việt Nam dưới 30 ngày nếu có khoản thu nhập được chi trả trước ngày 01/7/2004 thuộc thu nhập không chịu thuế; nếu chi trả từ ngày 01/7/2004 trở về sau thì chịu thuế thu nhập theo thuế suất 25% trên tổng thu nhập chịu thuế.

3. Khấu trừ thuế TNCN 10%

Việc khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập mỗi lần từ 500.000 đồng trở lên cho cá nhân ngoài cơ quan chi trả (vãng lai) như: thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tư vấn, đại lý, tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu; thu nhập về tiền nhuận bút, hoa hồng môi giới... được thực hiện theo quy định tại Điểm 3.3, Mục III Thông tư số 81/2004/TT-BTC nêu trên. Trường hợp cơ quan chi trả thu nhập chi trả cho cá nhân vãng lai có thu nhập từ các hợp đồng ngắn hạn, lao động có tính thời vụ, lao động chân tay, lao động giản đơn, dịch vụ nhỏ lẻ không thường xuyên mà ước tính mức thu nhập chịu thuế không đến 60 triệu đồng/năm, thu nhập chịu thuế bình quân tháng dưới 5 triệu đồng thì cơ quan chi trả tạm thời chưa khấu trừ 10% thuế đối với các đối tượng này. Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm hàng tháng gửi báo cáo cơ quan thuế bản kê khai chi tiết về: "họ tên, số CMT, mã số thuế (nếu có), địa chỉ, điện thoại liên lạc của cá nhân, số tiền đã chi trả", để cơ quan thuế có cơ sở quản lý và kiểm tra.

4. Quyết toán thuế.

Việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2004 thực hiện theo quy định tại Mục III Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính. Tổng cục thuế hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

4.1. Đối với cá nhân vừa có thu nhập ở Việt Nam vừa có thu nhập ở nước ngoài:

a. Đối với người nước ngoài:

- Người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt Nam, làm việc trong Văn phòng đại diện nếu là chủ doanh nghiệp ở nước ngoài đã nộp thuế thu nhập đối với phần thu nhập ở nước ngoài, thì khi quyết toán thuế năm 2004 phải kê khai tổng thu nhập (phát sinh ở Việt Nam và ở nước ngoài) để tính trừ phần thuế đã nộp ở nước ngoài theo hướng dẫn tại Điểm 4.2.2.2 Mục III Thông tư số 81/2004/TT-BTC.

Đối với cá nhân thuộc nước ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam áp dụng theo quy định tại Hiệp định. Nếu cá nhân là đối tượng cư trú của hai nước tức là đối tượng cư trú dôi thì lấy thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam chia cho số tháng có mặt tại Việt Nam để xác định thu nhập bình quân chịu thuế một tháng.

- Xác định đúng thu nhập chịu thuế ở nước ngoài: Để có cơ sở xác định đúng thu nhập chịu thuế ở nước ngoài cá nhân phải xuất trình chứng từ chi trả thu nhập ở nước ngoài, kèm theo thư xác nhận thu nhập hàng năm, trường hợp cá nhân người nước ngoài không cung cấp tài liệu theo yêu cầu thì cơ quan thuế lấy thu nhập bình quân tháng trong thời gian ở tại Việt Nam để làm căn cứ tính thuế cho thu nhập ở nước ngoài. Ngoài ra, cá nhân còn bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điểm 1 Mục VI Thông tư số 81/2004/TT-BTC nêu trên.

b. Đối với người Việt Nam:

Cá nhân là người nước Việt Nam trong năm tính thuế có thời gian công tác, lao động ở nước ngoài, khi quyết toán thuế năm sẽ căn cứ theo hợp đồng lao động và hộ chiếu để chứng minh cho thời gian công tác, lao động ở nước ngoài để xác định số tháng ở Việt Nam, ở nước ngoài, tính thu nhập bình quân tháng và xác định số thuế phải nộp theo biểu thuế tương ứng cho thời gian ở tại Việt Nam và ở nước ngoài theo một trong hai phương pháp quy định tại Điểm 4.2.1 Mục III Thông tư số 81/2004/TT-BTC nêu trên.

4.2. Xử lý vi phạm về nộp tờ khai quyết toán:

Trường hợp cá nhân không nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định tại Thông tư 81/2004/TT-BTC nêu trên thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thuế theo quy định tại Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực thuế, cá nhân đó còn bị ấn định số thuế tạm nộp dựa theo số thuế đã nộp của năm trước liền kề. Đồng thời, chuyển danh sách, hồ sơ sang bộ phận thanh tra của cơ quan Thuế để tiến hành thủ tục thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai ngay việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2004 theo hướng dẫn tại Mục III Thông tư 81/2004/TT-BTC và hướng dẫn nêu trên.

Các mẫu tờ khai quyết toán thuế mới được sửa đổi tại Thông tư số 12/2005/TT-BTC ngày 04/02/2005 của Bộ Tài chính nếu tổ chức, cá nhân chưa nộp tờ khai quyết toán thuế năm 2004 thì áp dụng kê khai theo mẫu mới được sửa đổi.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Cục thuế báo cáo ngay để Tổng cục Thuế nghiên cứu, giải quyết.

 

Nguyễn Thị Cúc

(Đã ký)