BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5111/BGDĐT-GDTrH | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2013 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo |
Thực hiện chủ trương đổi mới đồng bộ hình thức dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; để tăng cường việc gắn liền dạy học trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống và góp phần hình thành năng lực giải quyết vấn đề của học sinh trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học và cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2013-2014. Bộ GDĐT hướng dẫn tổ chức 02 cuộc thi này như sau:
I. Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học
1. Mục đích của cuộc thi
- Khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh;
- Thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống; đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm "học đi đôi với hành";
- Góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào công tác giáo dục.
2. Đối tượng dự thi: Học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).
3. Sản phẩm dự thi: Sản phẩm dự thi là một bài viết (chưa đăng báo hay in sách) của 01 học sinh hoặc nhóm không quá 03 học sinh dài không quá 3000 từ. Cấu trúc của bài viết dự thi được mô tả ở Phụ lục I kèm theo.
4. Tổ chức cuộc thi
- Các sở GDĐT phát động cuộc thi tới các cơ sở giáo dục trung học của địa phương. Các trường THCS, THPT phát động cuộc thi trong toàn thể học sinh của trường.
- Học sinh (hoặc nhóm học sinh) dự thi trên tinh thần tự nguyện; mỗi học sinh được tham gia không quá 02 bài dự thi. Các trường nhận bài dự thi của học sinh trường mình và gửi về sở GDĐT.
- Sở GDĐT tổ chức chấm sơ khảo để lựa chọn không quá 50 bài dự thi gửi về Ban tổ chức cuộc thi (qua website http://giaoducphothong.edu.vn), kèm theo báo cáo công tác tổ chức cuộc thi tại địa phương, chậm nhất vào ngày 10/3/2014.
- Ban giám khảo cuộc thi chấm bài dự thi để lựa chọn, xếp giải của cuộc thi và công bố kết quả cuộc thi vào cuối tháng 4/2014.
5. Tiêu chí chấm thi
- Tình huống đặt ra phải là tình huống thực tiễn; gần gũi, thiết thực; có thể giải quyết được bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh dự thi.
- Bài viết xác định rõ vấn đề, mục tiêu cần giải quyết; nêu bật được ý nghĩa và tác dụng của việc giải quyết tình huống;
- Nêu được các phương án với cách thức khác nhau trong việc giải quyết tình huống, ưu tiên những giải pháp và cách thức độc đáo, giàu tính sáng tạo và khả thi.
- Bài viết thể hiện được tư duy chặt chẽ, giàu sức thuyết phục, sự khéo léo trong việc nêu lên phương hướng vận dụng, kết hợp những kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để giải quyết tình huống.
6. Xếp giải cuộc thi
Các giải dành cho thí sinh tham dự cuộc thi gồm có: Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích; Học sinh đoạt giải trong cuộc thi được nhận Giấy chứng nhận của Bộ GDĐT và phần thưởng của Ban tổ chức.
II. Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học
1. Mục đích của cuộc thi
- Khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn;
- Góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học;
- Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên trung học trên toàn quốc và thế giới.
2. Đối tượng dự thi: Giáo viên THCS và THPT.
3. Sản phẩm dự thi
Sản phẩm dự thi là hồ sơ dạy học đã được thực hiện với học sinh, bao gồm: giáo án, bài giảng; thiết bị dạy học, tư liệu dạy học (băng hình, hình ảnh, âm thanh, bản ghi chép, báo chí, sách vở…) đã sử dụng; về những hoạt động dạy học mà giáo viên đã thực hiện trong thực tế; sản phẩm, kết quả học tập của học sinh... tham gia học bài học này.
4. Hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi bao gồm:
- Phiếu thông tin về giáo viên (hoặc nhóm không quá 03 giáo viên) dự thi (Phụ lục II);
- Phiếu mô tả hồ sơ dạy học (Phụ lục III);
- Hồ sơ dạy học (giáo án, tư liệu dạy học, video hoạt động dạy học và sản phẩm, kết quả của học sinh...).
5. Tổ chức cuộc thi
- Các sở GDĐT phát động cuộc thi tới các các cơ sở giáo dục trung học của địa phương. Các trường THCS, THPT phát động cuộc thi trong toàn thể giáo viên của trường.
- Giáo viên (hoặc nhóm giáo viên) dự thi trên tinh thần tự nguyện và gửi hồ sơ dự thi về sở GDĐT; mỗi giáo viên có thể gửi một hay nhiều hồ sơ dự thi.
- Sở GDĐT tổ chức chấm sơ khảo để lựa chọn không quá 50 hồ sơ dự thi và gửi về Ban tổ chức cuộc thi (qua website http://giaoducphothong.edu.vn), kèm theo báo cáo công tác tổ chức cuộc thi tại địa phương, chậm nhất vào ngày 10/3/2014.
- Ban giám khảo cuộc thi chấm bài dự thi để lựa chọn, xếp giải. Ban tổ chức sẽ công bố kết quả cuộc thi vào cuối tháng 4/2014.
6. Tiêu chí chấm sản phẩm dự thi
- Mục tiêu dạy học: Mục tiêu của bài học được xác định rõ ràng, gắn liền với yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình giáo dục phổ thông.
- Thể hiện rõ tính liên môn thông qua mục tiêu và nội dung dạy học về kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau mà học sinh đạt được qua dự án dạy bài học.
- Bảo đảm tính thực tiễn và tính khả thi: Nội dung, hình thức, bối cảnh xây dựng bài học gắn liền với thực tiễn cuộc sống, thực tiễn dạy học, phù hợp với điều kiện của nhà trường Việt Nam.
- Cách tổ chức dạy học: Các hoạt động dạy học được thiết kế hướng tới người học, động viên người học huy động được nhiều lĩnh vực kiến thức và kĩ năng khác nhau; thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá, tự học của học sinh.
- Phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá: Vận dụng phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá hướng tới người học tích cực, hình thành và phát triển năng lực của học sinh như năng lực vận dụng tổng hợp, năng lực hợp tác, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề….
- Sử dụng thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học được sử dụng một cách hợp lí, sáng tạo để hỗ trợ các hoạt động dạy, học và nâng cao hiệu quả dạy học.
- Kết quả dạy học: Các kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông và năng lực vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh.
7. Giải thưởng của cuộc thi
Các giải dành cho giáo viên tham dự cuộc thi gồm có: Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích; giáo viên đoạt giải trong cuộc thi được nhận giấy chứng nhận của Bộ GDĐT và phần thưởng của Ban tổ chức.
Nhận được công văn này, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục trung học thuộc trường đại học khẩn trương triển khai thực hiện. Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi sẽ liên tục được cập nhật trên website http://giaoducphothong.edu.vn. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC I
CẤU TRÚC BÀI VIẾT DỰ THI CUỘC THI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC
A/ Trang bìa
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh/thành phố:.......................................
- Phòng Giáo dục và Đào tạo:.........................................................
- Trường .........................................................................................
- Địa chỉ:.........................................................................................
- Điện thoại:.....................................................................................
- Email:............................................................................................
- Thông tin về học sinh (hoặc nhóm không quá 03 học sinh):
1. Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Lớp:.........................
Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Lớp:.........................
3. Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Lớp:.........................
B/ Các trang tiếp theo
1. Tên tình huống
2. Mục tiêu giải quyết tình huống
3. Tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến việc giải quyết tình huống
4. Giải pháp giải quyết tình huống
5. Thuyết minh tiến trình giải quyết tình huống
Mô tả quá trình thực hiện, các tư liệu được sử dụng, các thiết bị sử dụng trong việc giải quyết tình huống
6. Ý nghĩa của việc giải quyết tình huống
Mô tả ý nghĩa, vai trò của việc giải quyết tình huống được lựa chọn đối với thực tiễn học tập và thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội./.
PHỤ LỤC II
PHIẾU THÔNG TIN VỀ GIÁO VIÊN (HOẶC NHÓM GIÁO VIÊN) DỰ THI
- Sở giáo dục và đào tạo tỉnh/thành phố:.......................................
- Phòng giáo dục và đào tạo (nếu là giáo viên THCS):.................
- Trường .........................................................................................
- Địa chỉ:.........................................................................................
Điện thoại:...........................; Email:....................................
Thông tin về giáo viên (hoặc nhóm không quá 03 giáo viên):
1. Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Môn :.......................
Điện thoại:...........................; Email:....................................
2. Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Môn :.......................
Điện thoại:...........................; Email:....................................
3. Họ và tên.....................................................................................
Ngày sinh................................... Môn :.......................
Điện thoại:...........................; Email:....................................
PHỤ LỤC III
PHIẾU MÔ TẢ HỒ SƠ DẠY HỌC DỰ THI CỦA GIÁO VIÊN
1. Tên hồ sơ dạy học
2. Mục tiêu dạy học
- Cần mô tả kiến thức, kĩ năng, thái độ của những môn học nào, bài học nào sẽ đạt được trong bài học này.
- Học sinh cần có năng lực vận dụng những kiến thức liên môn nào để giải quyết các vấn đề bài học đặt ra.
3. Đối tượng dạy học của bài học
Mô tả về đối tượng học sinh: số lượng, lớp, khối lớp và những đặc điểm cần thiết khác của học sinh đã học theo bài học.
4. Ý nghĩa của bài học
Mô tả ý nghĩa, vai trò của bài học đối với thực tiễn dạy học, thực tiễn đời sống xã hội.
5. Thiết bị dạy học, học liệu
Mô tả các thiết bị, đồ dùng dạy học, học liệu sử dụng trong dạy học.
Mô tả các ứng dụng CNTT trong việc dạy và học của bài học.
6. Hoạt động dạy học và tiến trình dạy học
Mô tả các hoạt động dạy học (mục tiêu, nội dung, cách tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hoạt động của học sinh, hoạt động của giáo viên) theo tiến trình dạy học đã thực hiện với học sinh trong thực tiễn.
7. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập
Mô tả cách thức, tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh.
8. Các sản phẩm của học sinh
Mô tả các sản phẩm của học sinh, minh chứng kết quả học tập của học sinh qua bài học./.