BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5123/BTC-CST | Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2013 |
Kính gửi: | - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; |
Bộ Tài chính nhận được công văn số 1796/BCT-XNK ngày 04/03/2013 của Bộ Công Thương về đề nghị tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 0% lên 5%. Về vấn đề này, Bộ Tài chính xin trao đổi với quý cơ quan, đơn vị như sau:
1. Đề nghị của Bộ Công Thương:
Bộ Công Thương nhận được công văn số 835/GELEXIMCO-VP ngày 21/12/2012 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (cổ đông chính của Công ty cổ phần Giấy An Hòa) đề nghị có biện pháp hạn chế xuất khẩu dăm gỗ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu mua nguyên liệu để sản xuất bột giấy. Theo đó, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Năm 2012, ngành giấy cần khoảng 822.000 tấn bột giấy nguyên liệu để sản xuất, trong đó có trên 50 nhà máy sản xuất bột giấy với lượng sản xuất khoảng 480.000 tấn bột giấy/năm còn lại là phải nhập khẩu. Năm 2013 dự kiến sản xuất trong nước khoảng 500.000 tấn bột giấy/năm (tương đương với 2 triệu tấn gỗ nguyên liệu).
Theo phản ánh của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện nay các nhà máy giấy phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu gỗ, dăm gỗ để sản xuất bột giấy do hoạt động xuất khẩu dăm gỗ của nước ta phát triển mạnh (ví dụ Công ty cổ phần giấy An Hòa, dự kiến sang năm 2013 nhà máy đạt công suất thiết kế là 130 ngàn tấn bột/năm, tương đương với 53.900 tấn gỗ nguyên liệu trong 1 tháng, tuy nhiên trong tháng 1 năm 2013 (tính đến ngày 21/1/2013) nhà máy mới chỉ thu mua được 25.600 tấn, tỷ lệ đạt 48%).
Tuy việc xuất khẩu dăm gỗ giúp người trồng rừng bán được giá cao hơn nhưng vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô nên hiệu quả kinh tế không cao, các doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu để sản xuất dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu gom nguyên liệu, khai thác rừng no để băm dăm, chu kỳ trồng rừng bị rút ngắn, sản lượng dăm xuất khẩu lớn trong khi vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho sản xuất bột giấy và ván nhân tạo.
Để hạn chế việc nhập khẩu bột giấy, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cho bột giấy trong nước nhằm hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô và tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành sản xuất bột giấy đồng thời đảm bảo lợi ích cho người trồng rừng, Bộ Công Thương đề nghị: Bộ Tài chính chủ trì tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng liên quan xem xét chi tiết cụ thể mặt hàng dăm gỗ trong Biểu thuế xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu theo lộ trình, trước mắt đề nghị tăng thuế xuất khẩu lên 5%.
2. Ý kiến Bộ Tài chính:
a) Thông tin về mặt hàng dăm gỗ:
- Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ do TCHQ cung cấp:
+ Năm 2010: số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 4,13 triệu tấn tương đương 459.5 triệu USD.
+ Năm 2011: cả nước xuất khẩu dăm gỗ đạt 5,4 triệu tấn dăm khô tương đương trị giá 703.3 triệu USD.
+ Năm 2012: số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 6,1 triệu tấn tương đương 827.6 triệu USD. Ngành giấy cần khoảng 822.000 tấn bột giấy nguyên liệu để sản xuất, trong đó có trên 50 nhà máy sản xuất bột giấy với lượng sản xuất khoảng 480.000 tấn bột giấy/năm còn lại là phải nhập khẩu.
+ Năm 2013: quý I/2013 số lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 1,6 triệu tấn tương đương 220.1 triệu USD, dự kiến năm 2013 sản xuất trong nước khoảng 500.000 tấn bột giấy/năm (tương đương với 2 triệu tấn gỗ nguyên liệu).
- Ngoài ra, tìm hiểu thêm thông tin về mặt hàng bột giấy trên các mạng thông tin điện tử cho thấy:
+ Theo thông tin từ Công ty cổ phần Giấy An Hòa thì việc xuất khẩu dăm gỗ mang lại doanh thu khoảng 300 triệu đô la Mỹ hàng năm thì số tiền phải trả để nhập khẩu lượng bột giấy tương đương với số lượng dăm gỗ kể trên là khoảng 700 triệu đô la Mỹ. Như vậy, với 827,6 triệu USD xuất khẩu dăm gỗ năm 2012 thì nước ta phải nhập khẩu tới 1,9 USD bột giấy, trị giá nhập siêu lên tới 1,1 tỷ USD.
+ Theo thông tin từ thời báo kinh tế Việt Nam thì sản lượng bột giấy trong nước sản xuất được theo các năm như sau: năm 2010 đạt 345,9 nghìn tấn, năm 2011 đạt 373,4 nghìn tấn, năm 2012 đạt 484,3 nghìn tấn. Tuy nhiên, với khối lượng này không đáp ứng được nhu cầu sản xuất giấy trong nước, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu bột giấy (năm 2010 nhập khẩu 98,3 triệu USD bột giấy, năm 2011 nhập khẩu 117,2 triệu USD bột giấy, năm 2012 nhập khẩu 113,6 triệu USD bột giấy).
b) Ý kiến Bộ Tài chính:
Chính sách thuế xuất khẩu hiện hành:
- Theo quy định tại Phụ lục I Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế (Ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính thì mặt hàng dăm gỗ thuộc nhóm 44.01 có mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%.
- Theo Nghị quyết 830/2009/NQ-UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 và Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH ngày 22/11/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng hóa, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng thì mặt hàng dăm gỗ có mức khung thuế suất là 0 - 25%.
Căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế về nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất giấy trong nước, theo Bộ Tài chính việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ như ý kiến của Bộ Công Thương cần thiết để tránh khai thác rừng non để băm dăm, chu kỳ trồng rừng bị rút ngắn và một phần giữ nguyên liệu cho sản xuất giấy trong nước.
Đề nghị quý đơn vị có ý kiến tham gia về đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ của Bộ Công Thương nêu trên và gửi lại Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2013.
Trân trọng sự phối hợp công tác của quý Bộ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2775/BNN-CB năm 2015 hướng dẫn thực hiện thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất dăm gỗ xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 1796/BCT-XNK về thuế xuất khẩu dăm gỗ do Bộ Công thương ban hành
- 3 Thông tư 193/2012/TT-BTC về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Công văn 8088/BTC-CST về thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Nghị quyết 830/2009/UBTVQH12 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng và Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 22 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12