Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 5126/BCT-CNNg
V/v xuất khẩu tinh quặng ilmenite

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2009

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế;
- Tổng cục Hải quan;
- Hiệp hội Titan Việt Nam.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ thông báo tại công văn số 1707/VPCP-KTN ngày 19 tháng 3 năm 2009 về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu tinh quặng ilmenite; trên cơ sở báo cáo kiểm tra và đề xuất của Uỷ ban nhân dân các tỉnh có hoạt động khoáng sản titan và ý kiến đề nghị của Hiệp hội Titan Việt Nam về việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite giai đoạn 2009 - 2010; sau khi rà soát, cân đối, dự báo nhu cầu tiêu thụ và khả năng sản xuất trong nước cũng như năng lực, quá trình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp khai thác, chế biến titan những năm qua, Bộ Công Thương hướng dẫn việc xuất khẩu tỉnh quặng ilmenite đến hết năm 2010 như sau:

1. Đồng ý để các doanh nghiệp được xuất khẩu tinh quặng ilmenite với tổng sổ lượng 454.000 tấn trong năm 2009 như Phụ lục kèm theo. Ngoài chỉ tiêu về số lượng, các điều kiện khác doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản.

Trên cơ sở kết quả sản xuất - kinh doanh và thực hiện xuất khẩu năm 2009 của các doanh nghiệp, tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu và nhu cầu trong nước, diễn biến thị trường quốc tế và tình hình kinh tế đất nước năm 2009, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh có hoạt động khoáng sản titan và Hiệp hội Titan Việt Nam xem xét và có hướng dẫn cụ thể đối với việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite năm 2010.

2. Việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite năm 2009 chỉ là giải pháp tình thế, trước hết nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư các dự án chế biến sâu. Về lâu dài, các loại khoáng sản (trong đó có quặng titan) đều phải dành cho chế biến sâu trong nước để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Vì vậy, tổng số lượng tinh quặng xuất khẩu năm 2009 dự kiến không vượt quá mức trung bình những năm gần đây và việc phân bổ số lượng tinh quặng xuất khẩu năm 2009 dựa trên thứ tự ưu tiên sau:

- Doanh nghiệp có giấy phép khai thác, có cơ sở chế biến sâu đang hoạt động.

- Doanh nghiệp có giấy phép khai thác, đang đầu tư cơ sở chế biến sâu.

- Doanh nghiệp chuyên chế biến, đã có cơ sở chế biến sâu, có nguồn nguyên liệu để chế biến do doanh nghiệp khai thác hợp pháp cung cấp.

- Doanh nghiệp có giấy phép khai thác hoặc giấy phép khai thác tận thu, hiện đang hoạt động.

- Không giải quyết việc xuất khẩu cho doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại, không có hoạt động khai thác, chế biến.

Các trường hợp khác (tạm nhập tái xuất, xuất khẩu quặng do tịch thu phát mại... - nếu có), Bộ Công Thương sẽ xem xét xử lý riêng đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối với những doanh nghiệp mới được cấp giấy phép khai thác trong những tháng đầu năm 2009, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh xem xét sau khi kiểm tra hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

3. Bộ Công Thương đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh và Hiệp hội Titan Việt Nam:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát lại kế hoạch năm 2009 theo hướng: trên cơ sở cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước và số lượng được phép xuất khẩu, cần tiết giảm sản lượng khai thác trên nguyên tắc chỉ duy trì sản lượng tối thiểu đủ để đảm bảo việc làm và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tăng cường đầu tư cho công tác chế biến sâu.

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án chế biến sâu đã đăng ký trên địa bàn Tỉnh (đặc biệt là dự án dioxit titan công suất 30.000 tấn/năm của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh), tận dụng cơ hội giá vật tư, thiết bị trên thị trường đang giảm, sớm đưa các dự án chế biến sâu vào sản xuất ổn định.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite của các doanh nghiệp, đảm bảo chỉ xuất khẩu tinh quặng ilmenite do doanh nghiệp khai thác, chế biến và tuân thủ đầy đủ mọi quy định về xuất khẩu khoáng sản.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp được phép xuất khẩu tăng cường hợp tác, thống nhất giá xuất khẩu, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán dẫn đến bị ép giá trên thị trường, gây thiệt hại chung.

- Tạm thời dừng việc cấp giấy phép khai thác mới cho các doanh nghiệp. Trường hợp cần cấp giấy phép khai thác để tận thu khoáng sản nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao đất theo quy hoạch và kế hoạch cho công trình, dự án khác thì Uỷ ban nhân dân Tỉnh cần xin ý kiến thoả thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Hải quan cửa khẩu tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu tinh quặng ilmenite theo quy định tại Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Bộ Công Thương.

5. Trong quá trình thực hiện việc xuất khẩu, nếu có vướng mắc, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Tổng cục Hải quan kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo việc xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Dương Quang

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP ĐƯỢC XUẤT KHẨU TINH QUẶNG ILMENITE NĂM 2009
(kèm theo công văn số 5126/BCT-CNNg ngày 04 tháng 6 năm 2009)

TT

Tên tỉnh, doanh nghiệp

Số lượng (Tấn)

Ghi chú

 

Tổng số

454.000

 

I

Tỉnh Bình Định

175.000

 

1

Công ty CP khoáng sản Bình Định

45.000

 

2

Công ty TNHH Phú Hiệp

25.000

 

3

Công ty CP khoáng sản Biotan

20.000

 

4

Công ty TNHH ánh Vy

20.000

 

5

Công ty TNHH khoáng sản Thành An

15.000

 

6

Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Khoáng sản Ban Mai

20.000

 

7

Công ty TNHH Tấn Phát

10.000

 

8

Công ty CP Kim Triều

10.000

 

9

Công ty CP KCN Sài Gòn - Nhơn Hội

10.000

 

10

Các DN mới cấp GP khai thác đầu năm 2009

Xem xét sau

 

II

Tỉnh Bình Thuận

60.000

 

1

Công ty Liên doanh khoáng sản quốc tế Hải Tinh

12.000

 

2

Công CP KS Bằng Hữu

10.000

 

3

Công ty CP Đường Lâm

12.000

 

4

Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai

3.000

 

5

Công ty CP Thăm dò khai thác chế biến tài nguyên

3.000

 

6

Công ty CP đầu tư thương mại và khoáng sản Hưng Thịnh Phát

Xem xét sau

 

7

Công ty CP đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận

Xem xét sau

 

8

Công ty TNHH khoáng sản và Thương mại Tấn Phát

10.000

 

9

Công ty TNHH Tân Quang Cường

10.000

 

III

Tỉnh Hà Tĩnh

76.000

 

1

Tổng công ty KS và thương mại Hà Tĩnh

70.000

 

2

Công ty cổ phần phát triển KS 4

6.000

 

IV

Tỉnh Phú Yên

5.000

 

1

Công ty CP khoáng sản Phú Yên

5.000

 

V

Tỉnh Quảng Bình

12.000

 

1

Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình

8.000

 

2

Chi nhánh Công ty TNHH-XDTH Thanh Bình

4.000

 

VI

Tỉnh Quảng Trị

26.000

 

1

Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị

15.000

 

2

Công ty cổ phần khoáng sản Hiếu Giang

5.000

 

3

Công ty TNHH Thanh Tâm

4.000

 

4

Công ty TNHH Thống Nhất

2.000

 

VII

Tỉnh Thái Nguyên

50.000

 

1

Công ty CP xuất nhập khẩu Thái Nguyên

15.000

 

2

Công ty cổ phần Ban Tích

15.000

 

3

Công ty TNHH xây dựng và phát triển miền Núi

20.000

 

VIII

Tỉnh Thừa Thiên Huế

50.000

 

1

Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên Huế

50.000