Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5141/TCHQ-PC
V/v trả lời vướng mắc vượt thẩm quyền của các Cục Hi quan địa phương

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2013

 

Kính gửi:

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Gia Lai - Kon Tum.

 

Ngày 22/5/2013, Tổng cục Hải quan có Công văn số 2756/TCHQ-PC gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai công tác đối thoại với doanh nghiệp năm 2013. Qua thực hiện, có 09 Cục Hải quan địa phương đã báo cáo 15 nội dung vướng mắc của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Tổng cục đã tổng hợp, giải đáp các vướng mắc (Phụ lục đính kèm) gửi các đơn vị để thông báo cho doanh nghiệp biết và thực hiện (đối với vướng mắc do Cục Hải quan Bắc Ninh nêu tại Công văn số 405/HQBN-NV ngày 15/4/2013 Tổng cục sẽ có hướng dẫn riêng).

Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng cục (qua đơn vị nghiệp vụ liên quan đến nội dung vướng mắc) để xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục (để b/c);
- Lưu: VT, PC (02b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Trần Văn Lộc

 

GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP

(Nội dung trả lời vượt thẩm quyền của Cục Hải quan địa phương)

Câu 1. (Cục Hải quan Quảng Bình)

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ thì quyền của người khai hải quan điện tử: “Được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan trực tiếp qua hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có phản ánh đối với trường hợp người khai hải quan khai ngoài giờ hành chính thì hệ thống vẫn cấp số tiếp nhận, cấp số tờ khai tuy nhiên hệ thống không phân luồng (doanh nghiệp không nhận được phản hồi). Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc khai báo và thông quan hàng hóa ngoài giờ hành chính tránh ách tắc, đề nghị Tổng cục quy định rõ hơn với trường hợp này.

Trả lời

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, trao đổi, xác định thời điểm triển khai thủ tục hải quan điện tử 24/7 để ban hành công văn hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện vấn đề nêu trên. Theo đó, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan sẽ tiếp nhận, kiểm tra, cấp số đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử 24/7 trong thời gian tới.

Câu 2. (Cục Hải quan Hà Tĩnh)

Trong quá trình thực hiện Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, Cục Hải quan Hà Tĩnh gặp vướng mắc liên quan đến quy định nhập khẩu rượu như sau:

Trước đây, Thông báo số 197/TB-BCT ngày 06/5/2011 của Bộ Công thương quy định: “Thương nhân chỉ được làm thủ tục hải quan, thông quan tại các cảng biển quốc tế: Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh.”

Tuy nhiên, tại Công văn số 6318/BCT-XNK ngày 12/7/2011 của Bộ Công thương hướng dẫn: “Thương nhân nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan được chuyển cửa khẩu từ 03 cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh về cửa khẩu khu phi thuế quan để làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của Thông tư 194/2010/TT-BTC ... ” và “Thương nhân không được làm thủ tục hải quan tại cổng B khi nhập khẩu hàng hóa từ khu phi thuế quan vào nội địa...”.

Đến nay, các văn bản nêu trên đã hết hiệu lực thực hiện và trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP cũng chỉ quy định: “Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế” (khoản 7, Điều 20). Ngoài ra, Bộ Công thương chưa có hướng dẫn cụ thể nào khác về việc làm thủ tục nhập khẩu rượu từ khu phi thuế quan vào nội địa.

Theo khoản 2, Điều 21 Nghị định 154/2005/NĐ-CP thì hàng hóa từ khu thương mại tự do đưa vào nội địa phải làm thủ tục như đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo quy định tại khoản 5a, Điều 44 Thông tư 194/2010/TT-BTC: “Địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu là trụ sở Chi cục Hải quan quản lý khu phi thuế quan”.

Theo quy định nêu trên thì có được làm thủ tục nhập khẩu rượu từ khu phi thuế quan vào nội địa không?

Trả lời

Công văn số 6318/BCT-XNK của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT đã hướng dẫn rõ về của khẩu nhập khẩu hàng hóa vào khu phi thuế quan và việc nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa. Tuy nhiên Thông báo 197/TB-BCT đã hết hiệu lực, quy định về nhập khẩu rượu hiện căn cứ thực hiện theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP và Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn về việc nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa. Vướng mắc của Cục Hải quan Hà Tĩnh tương tự như vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh nêu tại công văn số 121/HQTN-NV ngày 25/01/2013. Về việc này Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1027/TCHQ-GSQL ngày 27/02/2013 về việc thực hiện Nghị định 94/2012/NĐ-CP gửi Bộ Công thương đề nghị có ý kiến rõ về nội dung hướng dẫn của Bộ Công thương tại công văn số 6318/BCT-XNK có còn áp dụng không (tại điểm 2 công văn). Đến nay, Bộ Công thương chưa có văn bản trả lời cũng như hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Câu 3. (Công ty TNHH Beauty Surplus Int’l Việt Nam - Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa)

Ngày 28/8/2012 Doanh nghiệp có đăng ký làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Ninh Bình theo Tờ khai xuất khẩu số 340/XKD/P27C; mặt hàng xuất khẩu; thạch anh dạng tấm; mã số khai báo: 25061000, số lượng: 4.403kg, trị giá: 13.368,8 USD, thuế suất thuế xuất khẩu: 10%. Số tiền thuế xuất khẩu: 27.884.120 đồng; cửa khẩu xuất: Móng Cái, Quảng Ninh; nước nhập khẩu: Trung Quốc.

Hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra, đã hoàn thành thủ tục hải quan và thông quan ngày 28/8/2012, doanh nghiệp đã nộp đủ tiền thuế xuất khẩu vào ngân sách nhà nước.

Ngày 14/3/2013, sau thời gian gần 07 tháng (200 ngày) kể từ ngày đăng ký tờ khai, Công ty TNHH Beauty Surplus Int'l Việt Nam có công văn đề nghị xin hủy tờ khai hàng hóa xuất khẩu nói trên với lý do: Quá hạn 15 ngày làm thủ tục của tờ khai mà Công ty không thể xuất khẩu hàng hóa cho đối tác vì Hải quan Trung Quốc cấm biên một thời gian.

Cục HQ Thanh Hóa đã có công văn số 523/HQTH-NV ngày 01/4/2013, công văn số 672/HQTH-NV ngày 25/4/2013 báo cáo Tổng cục (Cục GSQL) xin ý kiến có được hủy tờ khai và hoàn thuế xuất khẩu hay không nhưng chưa nhận được trả lời.

Trả lời

Tổng cục Hải quan đã trả lời nội dung này tại công văn số 2905/TCHQ-GSQL ngày 28/5/2013.

Câu 4. (Công ty TNHH một thành viên khoáng sản vôi Việt; Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phương Nam - Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa)

Theo hướng dẫn tại công văn số 625/BXD-VLXD thì sản phẩm vôi sống không phải là khoáng sản và khi xuất khẩu doanh nghiệp phải nộp giấy phép cơ sở chế biến vôi được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động.

Căn cứ hướng dẫn quy định nêu trên, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã yêu cầu doanh nghiệp xuất trình và nộp giấy phép cơ sở chế biến vôi được cơ quan Nhà nước cho phép hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp báo cáo không được cấp loại giấy tờ này mà chỉ nộp bản đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề sản xuất đá vôi.

Ngày 14/5/2013 Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 779/HQTH-NV báo cáo Tổng cục Hải quan xin hướng dẫn cụ thể về cơ sở chế biến vôi do cơ quan nào cấp nhưng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo (do đang xin ý kiến Bộ Xây dựng).

Trả lời

Tổng cục Hải quan đã trả lời nội dung này tại công văn số 3096/TCHQ-GSQL ngày 6/6/2013 gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc xuất khẩu vôi.

Câu 5. (Công ty CP thủy điện Trung Nam - Cục Hải quan Đăklắk)

Doanh nghiệp nhập khẩu Turbin và linh kiện chi tiết đồng bộ đi kèm tạo tài sản cố định được miễn thuế có C/O form E. Tuy nhiên, một số linh kiện, chi tiết thuộc Danh mục vật tư xây dựng trong nước sản xuất được nên phải chịu thuế nhập khẩu. Trên C/O form E chỉ thể hiện tên hàng chung là Turbin và linh kiện chi tiết đồng bộ đi kèm, các loại linh kiện, chi tiết chịu thuế không thể hiện cụ thể về tên hàng, số lượng. Vậy các linh kiện chi tiết này khi kê khai thuế nhập khẩu có được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo C/O nêu trên hay không?

Trả lời

Theo quy định tại các Thông tư của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ và Thông tư của Bộ Tài chính về ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, hàng hóa phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định và phải có giấy chứng nhận xuất xứ.

Lô hàng nhập khẩu là Turbin và linh kiện chi tiết đồng bộ đi kèm đã được cấp C/O mẫu E. Nếu, C/O này được xác định là hợp lệ thì lô hàng sẽ được hưởng ưu đãi ACFTA.

Trong trường hợp có một số linh kiện, chi tiết của thiết bị Turbin đồng bộ được miễn thuế, còn một số linh kiện chi tiết thuộc Danh mục vật tư xây dựng trong nước sản xuất được nên phải chịu thuế nhập khẩu thì đơn vị có thể chấp nhận C/O mẫu E và áp dụng ưu đãi ACFTA, nếu xác định được các linh kiện, chi tiết chịu thuế đó là linh kiện, chi tiết đồng bộ của lô hàng Turbin và không có nghi ngờ nào khác về xuất xứ.

Câu 6. (Doanh nghiệp Nhật Bản - Cục Hải quan Hải Phòng)

Công ty TNHH Kyocera Việt Nam có trụ sở tại Lô B1, KCN Thăng Long II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hương Yên là DNCX chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Trong quá trình sản xuất sản phẩm, công ty có nhu cầu sử dụng khí hydro và khí nito liên tục 24h/ngày để tạo môi trường giảm áp bên trong lò với lưu lượng dự kiến 600Nm3/giờ đối với khí Nito và 140Nm3/giờ đối với khí Hydro. Công ty TNHH Kyocera Việt Nam có dự kiến mua các chủng loại khí trên của Công ty TNHH liên doanh Gas Việt Nhật miền Bắc có nhà máy tại KCN Thăng Long II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, phương thức giao nhận bằng đường ống chuyên dụng.

Hiện nay, chưa có quy định hoặc hướng dẫn việc làm thủ tục nhập khẩu khí gas giao nhận hàng bằng đường ống chuyên dụng.

Trả lời

Ngày 28/6/2013, Bộ Tài chính có công văn số 8368/BTC-TCHQ về việc thủ tục nhập khẩu khí hóa lỏng qua đường ống dẫn chuyên dụng. Đề nghị Cục Hải quan thành phố Hải Phòng căn cứ nội dung công văn số 8368/BTC-TCHQ dẫn trên để thực hiện.

Câu 7. (Doanh nghiệp Nhật Bản - Cục Hải quan Đà Nẵng)

Công ty TNHH Daiwa, Công ty TNHH Fukui... thường xuyên nhập khẩu hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu hoặc để phục vụ sản xuất, các loại hóa chất thường được đóng chung với những nguyên liệu khác phản ánh vướng mắc về việc phải nộp giấy xác nhận khai báo hóa chất của Bộ Công thương khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 26/2011/NĐ-CP và Thông tư số 40/2011/TT-BCT gây chậm trễ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trả lời

Về vấn đề vướng mắc liên quan tới Giấy xác nhận khai báo hóa chất khi làm thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3328/TCHQ-GSQL ngày 18/6/2013 gửi Bộ Công thương đề nghị sớm có văn bản thống nhất hướng dẫn chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN nhập khẩu hóa chất đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hải quan đúng quy định pháp luật. Trước khi có văn bản trả lời của Bộ Công thương, đề nghị các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất với Bộ Công thương và xuất trình 01 bản chính Giấy xác nhận khai báo hóa chất này để cơ quan Hải quan có cơ sở thông quan hàng hóa.

Câu 8. (Công ty Hợp tác kinh tế - QK 4, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum)

Doanh nghiệp đã làm thủ tục tạm xuất máy móc, thiết bị sang Lào để phục vụ dự án khai thác, đến nay hợp đồng khai thác của dự án đã hết hạn, theo quy định doanh nghiệp phải đưa máy móc thiết bị đó quay trở lại Việt Nam bằng hình thức tái nhập. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tiếp tục thực hiện cùng dự án với cùng đối tác bằng một hợp đồng khác, nếu đưa máy móc thiết bị đó quay trở lại Việt Nam, sau đó làm thủ tục tái xuất trở lại sẽ gây khó khăn, tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp muốn được tiếp tục để máy móc thiết bị đó phục vụ khai thác mà không phải làm thủ tục tái nhập rồi tiếp tục làm thủ tục tạm xuất theo quy định. Vậy, doanh nghiệp đề nghị Cục Hải quan Gia Lai - Kom Tum hướng dẫn thủ tục và tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp tục để máy móc thiết bị đó lưu tại Lào tiếp tục phục vụ dự án mà không phải làm thủ tục tái nhập, rồi làm thủ tục tạm xuất trở lại.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3108/TCHQ-GSQL ngày 29/6/2011 chỉ đạo về việc gia hạn máy móc thiết bị tạm nhập - tái xuất, không quy định gia hạn đối với máy móc thiết bị tạm xuất - tái nhập. Theo đó, Cục Hải quan Gia Lai - Kom Tum đề xuất áp dụng việc gia hạn thời hạn tạm xuất - tái nhập theo công văn 3108/TCHQ-GSQL ngày 29/6/2011 nêu trên đối với trường hợp máy móc thiết bị tạm xuất - tái nhập của Công ty Hợp tác kinh tế.

Trả lời

- Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định “Thời hạn tạm xuất tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Hải quan cửa khẩu”

- Thủ tục hải quan đối với hàng hóa là máy móc, thiết bị tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản đi thuê, cho thuê thực hiện theo quy định tại Điều 48 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính, theo đó:

“1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa là máy móc, thiết bị tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản cho thuê, đi thuê, thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Đối với hàng tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập thuộc đối tượng được miễn thuế, định kỳ hàng năm (365 ngày kể từ ngày tạm nhập/tạm xuất) người khai hải quan có trách nhiệm thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập/tạm xuất về thời hạn còn lại sử dụng máy móc, thiết bị tạm nhập/tạm xuất để cơ quan Hải quan theo dõi, thanh khoản hồ sơ.

2. Hết thời hạn tạm nhập/tạm xuất người khai hải quan phải thực hiện ngay việc tái xuất/tái nhập và thanh khoản hồ sơ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập/tạm xuất; trường hợp quá thời hạn tạm nhập/tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất/tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật....”

Theo các quy định dẫn trên thì chưa có quy định về việc gia hạn đối với máy móc, thiết bị tạm xuất - tái nhập để thi công công trình, dự án. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, Tổng cục nhất trí nội dung đề xuất của Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, cụ thể là: Chi cục Hải quan (nơi làm thủ tục tạm xuất cho lô hàng) thực hiện việc gia hạn thời hạn tạm xuất - tái nhập tương tự công văn số 3108/TCHQ-GSQL ngày 29/6/2011, công văn số 5734/TCHQ-GSQL ngày 15/11/2011 của Tổng cục Hải quan đối với trường hợp của Công ty Hợp tác kinh tế và các trường hợp tương tự.

Về việc xử lý vướng mắc nêu trên của Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Tổng cục Hải quan đã tiếp thu và xử lý tại khoản 3, Điều 52 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC nêu tại tờ trình Bộ số MHS: 270-GS-1 ngày 07/6/2013.

Câu 9. (Cục Hải quan tỉnh Long An)

Qua kiểm tra sau thông quan, Cục HQ Long An phát hiện Công ty TNHH cho thuê tài chính quốc tế Chailease (địa chỉ: số 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) đã sử dụng danh mục miễn thuế số: 343 ngày 22/12/2008 do Chi cục Hải quan Bến Lức trực thuộc Cục Hải quan Long An cấp cho Công ty CP Bao bì Tín Thành, nhập khẩu máy in 8 màu đăng ký làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh) và cho Công ty Tín Thành thuê lại theo hợp đồng cho thuê tài chính; Tờ khai này đã được giải quyết miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT.

Căn cứ quy định Luật Quản lý thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11, Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 thì không có quy định về việc miễn thuế NK đối với máy móc, thiết bị,... do doanh nghiệp cho thuê tài chính nhập khẩu để nhằm mục đích cho thuê. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính thì có quy định đối với trường hợp này.

Ngoài ra, Công ty Tín Thành đã nhập khẩu máy móc miễn thuế theo doanh mục miễn thuế số: 262 ngày 11/12/2007, 284 ngày 29/12/2007 và 140 ngày 9/5/2008 do Chi cục Hải quan Bến Lức trực thuộc Cục Hải quan Long An cấp. Nhưng đến năm 2012, công ty đã bán số máy móc này cho công ty cho thuê tài chính và tái thuê lại (phương thức thuê tài chính). Đây là hình thức vay vốn để sản xuất.

Trường hợp này, Cục Hải quan Long An đã có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan (công văn số: 714/HQLA-KTS ngày 24/4/2013 và 735/HQLA-KTS ngày 02/5/2013) nhưng hiện nay chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Trả lời

Liên quan đến vướng mắc của Cục Hải quan Long An tại công văn số 714/HQLA-KTS ngày 24/4/2013 và công văn số 735/HQLA-KTS ngày 02/5/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 7444/BTC-TCHQ ngày 11/6/2013 hướng dẫn việc xử lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu cho các dự án ưu đãi đầu tư thuê tài chính; Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3703/TCHQ-TXNK ngày 03/7/2013 hướng dẫn Cục Hải quan Long An thực hiện (theo đó, trường hợp Công ty cổ phần bao bì Tín Thành nhập khẩu miễn thuế các máy móc thiết bị theo các danh mục miễn thuế do Cục Hải quan tỉnh Long An cấp nhưng sau đó đã có hợp đồng mua bán chuyển nhượng lại số hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế nêu trên cho Công ty cho thuê tài chính thì phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng nhập khẩu theo đúng quy định đối với hàng hóa nhập khẩu đã thay đổi mục đích sử dụng).

Câu 10. (Doanh nghiệp Hàn Quốc - Cục Hải quan Hải Phòng)

Điều 22, Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ về hoạt động của Công ty cho thuê tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005) và Thông tư số 24/2002/TT-BTC ngày 20/3/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động cho thuê tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 53/2002/TT-BTC ngày 25/6/2002) có quy định bên cho thuê tài chính khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải cho các dự án ưu đãi đầu tư thuê theo hình thức thuê tài chính được miễn thuế như đối với dự án đơn vị trực tiếp nhập khẩu.

Hiện nay, Nghị định 16/2001/NĐ-CP và Thông tư số 24/2002/TT-BTC còn hiệu lực. Tuy nhiên, tại các văn bản trên, các điều khoản được dẫn chiếu từ những văn bản hết hiệu lực; Đồng thời Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CPĐiều 101 Thông tư 194/2010/TT-BTC không quy định việc miễn thuế đối với hàng hóa do công ty cho thuê tài chính nhập khẩu để cho dự án ưu đãi đầu tư thuê lại.

Như vậy, hàng hóa do công ty cho thuê tài chính để nhập khẩu cho dự án ưu đãi đầu tư thuê lại chưa rõ có được miễn thuế nhập khẩu hay không?

Trả lời

Ngày 11/6/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 7444/BTC-TCHQ gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị đốí với hàng hóa do Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu cho dự án ưu đãi đầu tư. Theo đó, trường hợp Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu máy móc, thiết bị, các phương tiện vận chuyển để cho đối tượng được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu quy định tại khoản 7, khoản 9, khoản 11, khoản 12, khoản 14 Điều 101 Thông tư số 194/2010/TT-BTC thuê thì cũng được miễn thuế nhập khẩu như chủ dự án trực tiếp nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001 của Chính phủ kể từ ngày 01/5/2013 với điều kiện:

- Công ty cho thuê tài chính và chủ dự án ưu đãi đầu tư phải có hợp đồng thuê tài chính trong đó ghi rõ giá thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải do các Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu cho các dự án ưu đãi đầu tư thuê không bao gồm thuế nhập khẩu.

- Khi nhập khẩu Công ty cho thuê tài chính phải xuất trình Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế, Phiếu theo dõi trừ lùi hàng hóa miễn thuế do chủ dự án ưu đãi đầu tư đăng ký với cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó cơ quan Hải quan theo dõi trừ lùi vào số lượng hàng hóa miễn thuế do chủ dự án đăng ký với cơ quan Hải quan theo Phiếu theo dõi trừ lùi đã cấp.

- Trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính chấm dứt, chủ dự án, hàng hóa không được sử dụng cho dự án ưu đãi đầu tư như mục đích khi nhập khẩu, Công ty cho thuê tài chính phải báo cáo với cơ quan Hải quan nơi nhập khẩu để xử lý thu thuế nhập khẩu trên phần giá trị còn lại của máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải đã được miễn theo quy định. Dự án ưu đãi đầu tư không được nhập khẩu hàng hóa thay thế cho hàng hóa đã đi thuê tài chính đã được miễn thuế nhập khẩu.

Câu 11. (Công ty TNHH Innova Đà Lạt - Cục Hải quan Đăklắk)

Mặt hàng doanh nghiệp khai báo là phân bón Calcium Cloria 73,23% mã số 3105900000, có xác nhận của Cục Trồng trọt hàng hóa thuộc Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả phân tích, phân loại xác định mã số thuộc nhóm hóa chất 2827209000 (canxi clorua)

Kết quả PTPL đưa về nhóm hóa chất thì việc quản lý theo chuyên ngành hóa chất (Bộ Công thương) hay theo chuyên ngành phân bón (Bộ Nông nghiệp) hay áp dụng quản lý theo cả 02 chuyên ngành. Trong trường hợp quản lý chuyên ngành hóa chất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì phải thực hiện thêm thủ tục khai báo hóa chất nguy hiểm có xác nhận của Bộ Công thương theo Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 04/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Nhưng thực tế doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này làm phân bón và được cấp phép nhập khẩu của Cục Trồng trọt.

Đồng thời, nếu mặt hàng trên được xem là phân bón thì thuế suất thuế GTGT theo quy định hiện hành là 5% và được gia hạn nộp thuế 90 ngày. Nếu hàng hóa quản lý theo hóa chất như kết quả PTPL thì thuế suất thuế GTGT 10%, không được gia hạn nộp thuế.

Trả lời

Về phân loại áp mã số và mức thuế hàng hóa nhập khẩu: Theo Điều 6, 7 Thông tư 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định căn cứ phân loại hàng hóa và nguyên tắc, căn cứ, cách thức áp dụng mức thuế đối với việc phân loại hàng hóa và theo quy định tại Điều 24 của Thông tư 49/2010/TT-BTC nêu trên thì kết quả phân tích phân loại là cơ sở để cơ quan Hải quan xác định tên gọi, mã số, mức thuế của hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng khai báo là phân bón thuộc nhóm 31.05 nhưng kết quả phân tích phân loại xác định mặt hàng thực tế nhập khẩu là thuộc nhóm hóa chất thì được phân loại và áp dụng mức thuế của nhóm hóa chất (trường hợp mặt hàng nhập khẩu của Công ty có kết quả phân tích phân loại và áp dụng mức thuế của nhóm hóa chất (trường hợp mặt hàng nhập khẩu của Công ty có kết quả phân tích phân loại là hóa chất nên thuộc mã số 2827.20.90 (canxi clorua khác)).

Câu 12. (Cục Hải quan Đà Nẵng)

Việc xác định mặt hàng cỏ nhân tạo của dự án đầu tư khu thể thao thuộc lĩnh vực được ưu đãi theo quy định tại điểm 34 danh mục B phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 87/2010/NĐ-CP được xem là vật tư xây dựng và được miễn thuế nhập khẩu không?

Nội dung vướng mắc này, Cục Hải quan Đà Nẵng đã báo cáo Tổng cục Hải quan theo công văn số 1438/HQĐNg-TXNK ngày 26/9/2012 và được Tổng cục Hải quan trả lời sẽ hướng dẫn sau khi nhận được ý kiến của đơn vị liên quan tại công văn số 5677/TCHQ-TXNK ngày 16/10/2012. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhận được hướng dẫn tiếp theo.

Trả lời

Nội dung vướng mắc của Cục Hải quan Đà Nẵng, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5677/TCHQ-TXNK ngày 16/10/2012 và công văn số 7128/TCHQ-TXNK ngày 19/12/2012 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về việc mặt hàng cỏ nhân tạo có thuộc Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được không? Tuy nhiên, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có công văn phản hồi.

Qua trao đổi trực tiếp bằng điện thoại, Cục Thuế xuất nhập khẩu được biết: sau khi nhận được công văn của Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn trao đổi ý kiến với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhận được công văn phản hồi của Bộ Công thương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Tổng cục Hải quan căn cứ các hướng dẫn và Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BKH để thực hiện.

Câu 13. (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh - Cục Hải quan Hà Tĩnh)

n cứ công văn số 6159/TCHQ-GSQL ngày 05/11/2012 của Tổng cục Hải quan về việc quản lý và thu thuế đối với lượng nhiên liệu mang theo tàu hút cát tạm nhập - tái xuất của Công ty Formosa và nhà thầu, Công ty và các nhà thầu đã nộp tiền truy thu thuế vào ngân sách nhà nước cho lượng nhiên liệu dầu mang theo tàu hút cát chuyên dùng tạm nhập - tái xuất từ khi triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định. Tuy nhiên, tại công văn số 1735/TCHQ-GSQL ngày 05/4/2013, Tổng cục Hải quan chỉ đạo: "việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh không kê khai có dầu nhập khẩu khi nhập cảnh không thuộc trường hợp được miễn xử phạt vi phạm hành chính." Theo đó, công ty và các nhà thầu phải thực hiện nộp tiền phạt chậm nộp thuế của tiền thuế truy thu nêu trên.

Vướng mắc: Việc phạt chậm nộp thuế cho số tiền truy thu mà tại thời điểm tàu làm thủ tục nhập cảnh (là thời điểm tính thuế) chưa có quy định về chính sách thuế sẽ gây khó khăn cho Công ty và các nhà thầu.

Trả lời

Căn cứ khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/QH10 quy định xử lý đối với chậm nộp tiền thuế đồng thời Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4181/TCHQ-TXNK ngày 24/7/2013 hướng dẫn cụ thể. Đề nghị Cục Hải quan Hà Tĩnh nghiên cứu và thực hiện đúng quy định.

Câu 14. (Công ty TNHH Phú Ninh - Cục Hải quan Quảng Bình)

Công ty TNHH Phú Ninh liên quan đến việc làm thủ tục xuất khẩu gỗ hương theo Tờ khai 2535/XK/KD/C334C tại Chi cục HQCK Cảng Đà Nẵng (theo báo cáo tại Công văn số 624/HQQB-NV ngày 23/7/2012 của Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình). Doanh nghiệp phản ánh hiện tại vụ việc đã được giải quyết xong, Chi cục HQCK Cảng Đà Nẵng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, tịch thu 1,074m3 gỗ hương, đồng thời trả lại toàn bộ số hàng hóa bị tạm giữ còn lại cho công ty. Doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị việc bồi thường thiệt hại các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa trong thời gian bị tạm giữ gửi Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu). Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu có văn bản trả lời sẽ tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát và Công an Đà Nẵng phục hồi điều tra vụ án buôn lậu gỗ của Công ty. Như vậy, việc trả lời của Cục Điều tra chống buôn lậu có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Hiện tại, hàng hóa được trả lại cho doanh nghiệp đã sản xuất và tiêu thụ hết, nếu phục hồi điều tra sẽ xử lý như thế nào? Doanh nghiệp kiến nghị Tổng cục Hải quan theo dõi vụ việc để chỉ đạo các đơn vị có liên quan trả lời thỏa đáng.

Trả lời

Ngày 02/8/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu có công văn số 562/ĐTCBL-P4 trao đổi ý kiến với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý vi phạm xảy ra tại Công ty TNHH Phú Ninh. Ngày 14/8/2012, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có công văn số 2710/VKSTC-V1 trả lời Cục Điều tra chống buôn lậu. Tại công văn số 2710/VKSTC-V1, ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là hành vi của Công ty TNHH Phú Ninh có dấu hiệu tội buôn lậu theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự.

Ngày 22/8/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu ra Quyết định số 04/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại cảng Đà Nẵng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành kiểm sát điều tra vụ án. Ngày 22/8/2012, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 03/VKSTC-V1 chuyển vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Đà Nẵng để điều tra theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/01/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Đà Nẵng ra Quyết định số 02/PC46(Đ5) đình chỉ vụ án hình sự.

Ngày 15/3/2013, Công ty TNHH Phú Ninh có đơn số 05/ĐKN-PN kiến nghị việc bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự, Cục Điều tra chống buôn lậu kiến nghị phục hồi điều tra. Trường hợp phục hồi điều tra thì vật chứng của vụ án được xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, ngày 08/7/2013 Công ty TNHH Phú Ninh có văn bản số 09/PĐK-PN xin rút lại đơn số 05/ĐKN-PN ngày 15/3/2013 kiến nghị bồi thường thiệt hại. Trong đó, Công ty TNHH Phú Ninh đã khẳng định việc kiểm tra, điều tra, xác minh và xử lý của Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan Đà Nẵng là khách quan, đúng quy định; đã thừa nhận trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, Công ty đã có những sai phạm và đã bị cơ quan Hải quan xử lý. Công ty TNHH Phú Ninh đã chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định xử phạt của cơ quan Hải quan.

Như vậy, việc xử lý các vi phạm của Công ty TNHH Phú Ninh của Cục Điều tra chống buôn lậu là đúng quy định của pháp luật và đã có hiệu lực. Công ty TNHH Phú Ninh đã chấp hành, không còn kiến nghị bồi thường thiệt hại.

Câu 15. (Doanh nghiệp Nhật Bản - Cục Hải quan Long An)

Công ty chế biến thực phẩm thủy sản Kaiyo là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản, hoạt động theo quy chế doanh nghiệp chế xuất (địa chỉ: Lô 21, đường số 5, KCN Tân Đức, Đức Hòa, Long An): Cục Hải quan Long An đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với công ty, tổng số thuế ấn định là: 10.169.390.739 (Mười tỷ, một trăm sáu mươi chín triệu, ba trăm chín mươi ngàn, bảy trăm ba mươi chín đồng), hành vi: vi phạm quy định về quản lý hàng hóa trong khu phi thuế quan và không khai báo hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 10.169.390.739 (Mười tỷ, một trăm sáu mươi chín triệu, ba trăm chín mươi ngàn, bảy trăm ba mươi chín đồng). Công ty đã khởi kiện quyết định ấn định, đã xử sơ thẩm, kết quả: Tòa án đã bác đơn kiện của Công ty. Đồng thời, công ty đã khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Cục Hải quan Long An đã giải quyết khiếu nại lần 1. Hiện công ty đang khiếu nại đến Tổng cục Hải quan lần 2 đối với Quyết định ấn định thuế số 259/QĐ-HQLA ngày 13/9/2012 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An.

Trả lời

- Đối với Quyết định ấn định thuế số 259/QĐ-HQLA ngày 13/9/2012 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm thủy sản Kaiyo (gọi tắt Công ty Kaiyo) đã khiếu kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Long An về nội dung ấn định thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT). Kết quả bản án sơ thẩm: Tòa án nhân dân tỉnh Long An bác đơn kiện của Công ty Kaiyo. Công ty đang kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh. Theo Điều 11 Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, ngày 11/11/2011 Tổng cục Hải quan không thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2 Quyết định ấn định thuế số 259/QĐ-HQLA.

- Đối với Đơn khiếu nại của Công ty Kaiyo về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong lĩnh vực Hải quan số 39/QĐ-HQLA ngày 10/01/2013 của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An. Cục Hải quan Long An giải quyết khiếu nại lần đầu theo thẩm quyền. Căn cứ Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, ngày 11/11/2011 Tổng cục Hải quan giải quyết khiếu nại lần 2. Ngày 21/3/2013, Tổng cục Hải quan đã có Thông báo 1413/TCHQ-KTSTQ về việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại không số ngày 06/3/2013 của Công ty Kaiyo. Để xem xét, giải quyết khiếu nại, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tổ chức đối thoại với đại diện Công ty Kaiyo (bên khiếu nại), đại diện Cục Hải quan tỉnh Long An (bên bị khiếu nại) để trao đổi làm rõ về nội dung khiếu nại. Trong buổi đối thoại ngày 09/5/2013 tại Tổng cục Hải quan, Công ty đã có đề nghị tạm thời Tổng cục Hải quan chưa trả lời khiếu nại về xử phạt vi phạm hành chính cho đến khi bản án của Tòa án phúc thẩm có hiệu lực. Việc này, Cục Kiểm tra sau thông quan đã trình Lãnh đạo Tổng cục tại Tờ trình 156/TTr-KTSTQ-P3 ngày 04/6/2013 và được Lãnh đạo Tổng cục đồng ý với ý kiến đề xuất./.