Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 516/BCA-C61
V/v hướng dẫn tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCCC và hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Pháp lệnh PCCC

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 31/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1634/CT-TTg về việc “Tăng cường chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, trong đó có công tác tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ban hành Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC (4/10/1961-4/10/2011), Bộ Công an trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung công tác sau đây:

I. VỀ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PCCC

1. Mục đích yêu cầu:

- Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật PCCC nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình cháy, nổ và kết quả thực hiện (ưu, khuyết điểm) trong 10 năm qua, phân tích nguyên nhân; đồng thời biểu dương được các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC từ cơ sở.

- Qua tổng kết và từ thực tiễn góp ý bổ sung hoàn chỉnh luật PCCC.

- Từ đó xác định các nhiệm vụ, biện pháp tăng cường các mặt công tác PCCC từ cơ sở, phấn đấu kiềm chế và làm giảm các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; xây dựng lực lượng PCCC từ Trung ương đến cơ sở ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCCC và CNCH hiện nay.

2. Nội dung tổng kết (Có đề cương kèm theo)

3. Đối tượng, phương pháp và thời gian tổng kết:

a. Đối tượng tổng kết

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các đơn vị, cơ sở PCCC từ cơ sở.

b. Phương pháp tổng kết

- Việc tổng kết được tiến hành từ đơn vị cơ sở (cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đơn vị cấp xã, cấp huyện, cấp Sở) đến cấp tỉnh, Trung ương. Ở những cơ sở có điều kiện thì tổ chức hội nghị tổng kết, các đơn vị còn lại có báo cáo tổng kết. Chỉ đạo một số đơn vị thuộc Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm về cháy, nổ ở địa phương để tổ chức tổng kết điểm.

c. Thời gian tiến hành tổng kết:

- Việc tổng kết ở đơn vị cơ sở xong trong tháng 6/2011.

- Giữa tháng 8 và đầu tháng 9/2011, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCCC kết hợp với tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ban hành pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH) trước ngày 15/8/2011.

- Chính phủ dự kiến tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật phòng cháy, chữa cháy và kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ban hành Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC dự kiến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2011.

4. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nội dung các công việc tại Công văn 2910/BCA-C61 ngày 20/10/2010 của Bộ Công an về hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu kiềm chế và làm giảm các vụ cháy, thiệt hại do cháy gây ra.

5. Về thi đua, khen thưởng:

Các Bộ, ngành, và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC qua 10 năm thực hiện Luật PCCC ở Bộ, ngành, địa phương mình và tuyên dương các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC để động viên, phát triển phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC cụ thể như sau:

a. Về đối tượng khen thưởng:

- Các tập thể và cá nhân làm công tác PCCC và CNCH chuyên trách, bán chuyên trách thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ điều kiện và thành tích theo quy định.

- Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Trường Đại học PCCC và các đơn vị trực thuộc; Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh và các Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an các tỉnh, thành phố.

- Cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

b. Hình thức khen thưởng.

- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Bằng khen của Bộ Công an.

c. Tiêu chuẩn khen thưởng

* Tiêu chuẩn chung: đối với tập thể và cá nhân

- Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất để lãnh đạo các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác PCCC có hiệu quả và chất lượng tốt.

- Chấp hành tất cả các quy định về công tác PCCC, thường xuyên kiểm tra và tổ chức thường trực chiến đấu chữa cháy, đề xuất giải pháp kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra.

- Trong địa bàn quản lý không có vụ việc nghiêm trọng, không để xảy ra cháy, nổ lớn. Chấp hành tốt các quy định về PCCC và chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của ngành, vận động quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả Luật PCCC.

- Tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, không có cán bộ chiến sỹ bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (đối với tập thể); có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, được quần chúng quý mến, tín nhiệm (đối với cá nhân).

* Tiêu chuẩn cụ thể:

- Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng 3:

+ Đối với tập thể: phải đạt các tiêu chuẩn chung nêu trên, từ năm 2006 đến 2010 phải có 5 năm liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” hoặc “Tập thể lao động xuất sắc” và có một lần được tặng cờ thi đua của Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể TW hoặc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đối với cá nhân: phải đạt các tiêu chuẩn chung nêu trên, từ năm 2004 đến năm 2010 có 7 năm liên tục đạt danh hiệu “chiến sỹ thi đua cơ sở” và có hai lần được tặng Bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:

+ Đối với tập thể: đạt các tiêu chuẩn chung nêu trên, từ năm 2008 đến 2010 có 3 năm liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” hoặc “Tập thể lao động xuất sắc” và đã được tặng Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể TW về thành tích đột xuất.

+ Đối với cá nhân: đạt các tiêu chuẩn chung nêu trên, từ năm 2005 đến năm 2010 có 5 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và đã được tặng Bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương về thành tích đột xuất.

- Bằng khen của Bộ Công an:

+ Tập thể, cá nhân đều phải đạt các tiêu chuẩn chung nêu trên; trong đó có hai năm (2009 - 2010) đạt danh hiệu thi đua “Đơn vị Quyết thắng” hoặc “Tập thể lao động xuất sắc” (đối với tập thể); có hai năm (2009 - 2010) đạt “Chiến sỹ thi đua cơ sở” (đối với cá nhân).

Điểm lưu ý:

- Các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng CAND hoặc tập thể cán bộ công nhân viên thuộc Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và ở địa phương đã và đang được đề nghị khen thưởng thành tích thường xuyên từ năm 2010 trở về trước thì không đề nghị khen thưởng theo hướng dẫn này.

- Ngoài các hình thức khen thưởng trên, căn cứ vào thành tích của các tập thể, cá nhân có thể đề nghị lãnh đạo Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng.

c. Thủ tục khen thưởng

- Tất cả các hình thức đề nghị khen thưởng: Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công an đều phải qua Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp xét duyệt.

- Hồ sơ gửi về Bộ Công an gồm có: Tờ trình của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố; và của Bộ, ngành, đoàn thể TW và ở tỉnh (đối với tập thể, cá nhân ngoài lực lượng Công an). Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng; báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân có xác nhận của lãnh đạo các cấp; tóm tắt thành tích (từ 1 đến 2 trang). Đề nghị Huân chương 4 bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 3 bộ, Bằng khen Bộ Công an 2 bộ tất cả đều dấu đỏ (bản chính). Các trường hợp đề nghị bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên phải có hiệp y của UBND tỉnh, thành phố.

- Các Quyết định công nhận danh hiệu thi đua cho tập thể, cá nhân đủ các năm theo hình thức khen thưởng và bản phôtô Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể TW cho các tập thể, cá nhân đã được khen thưởng. Giấy xác nhận nộp thuế (đối với tập thể, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế).

- Hồ sơ khen thưởng gửi về Tổng cục VII (qua Cục C66) trước ngày 30/6/2011 để tập hợp đề xuất lãnh đạo các cấp xét duyệt; Quá trình thực hiện có điểm nào chưa rõ trao đổi với Cục C66 (ĐT: 0694.3553) hoặc X15 (ĐT: 0694.2419-P4) để phối hợp giải quyết.

II. VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH KÝ LỆNH CÔNG BỐ BAN HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PCCC  

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và UBND các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC nhằm làm chuyển biến mới nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác PCCC và CNCH. Các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài phát thanh, truyền hình địa phương, các báo trung ương và địa phương có chuyên mục thường xuyên phát sóng, đưa tin tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức phát động các cuộc thi chủ đề về PCCC như thi tìm hiểu Luật PCCC, sáng tác truyện, thơ, ca khúc đề tài về PCCC; chỉ đạo tổ chức ký cam kết thi đua trong công tác PCCC giữa các sở, ban, ngành, cấp huyện thuộc UBND địa phương và các đơn vị, đoàn thể trực thuộc cấp Bộ.

- Chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tạo nên phong trào PCCC sôi nổi trong tầng lớp quần chúng nhân dân các đơn vị, cơ sở, như: tổ chức mít tinh, diễu hành, hội thi kỹ thuật chữa cháy đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng trong dịp 4/10/2011.

- Việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ban hành Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy được tiến hành trong cùng 1 Hội nghị (Phần 1 là diễn văn kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ban hành Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC; Phần 2 là tổng kết 10 năm thi hành luật PCCC; Phần 3 là thi đua khen thưởng và phát động phong trào thi đua toàn dân PCCC).

Bộ Công an trân trọng đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai tổng kết 10 năm thi hành Luật PCCC và các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Pháp lệnh PCCC đạt kết quả./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban QP-AN của Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Đồng chí Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để p/hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, C61 (C66).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Lê Thế Tiệm 

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
(Kèm theo Công văn số 516/BCA-C61 ngày 7/03/2011 của BCA)

I. Phần thứ nhất: Tình hình và kết quả thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy

1.1. Nhận xét đánh giá về tình hình cháy, nổ trong 10 năm qua: Thống kê số vụ cháy, nổ, phân tích rõ nguyên nhân gây cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; đánh giá, so sánh với 10 năm trước đó và có những nhận xét đánh giá tổng quát những vấn đề nổi lên về tình hình cháy, nổ trong 10 năm qua ở Bộ, ngành và địa phương.

1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Nêu rõ tình hình phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm qua trên từng lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản? số dự án đầu tư nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài? số lượng, tổng diện tích các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế? số lượng nhà nhiều tầng? số lượng chợ, trung tâm thương mại (cần nêu riêng những chợ tạm là chợ đầu mối của các quận, huyện, thành phố) và các cơ sở khác có nguy hiểm về cháy, nổ.

1.3. Về tình hình và kết quả thực hiện các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật PCCC: Đánh giá việc triển khai thực hiện công văn 752/CP ngày 20/8/2001 của Chính phủ và công văn 1319/BCA ngày 06/9/2001 và các công văn khác của Bộ Công an về triển khai thực hiện Luật PCCC ở địa phương. Nội dung triển khai các văn bản nêu trên đã được đánh giá trong báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCCC năm 2006. Do vậy trong báo cáo tổng kết này cần tập trung đánh giá rõ kết quả thực hiện Luật PCCC 5 năm gần đây (từ 2006 đến 2011), trong đó cần đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 02/2006/CT-TTg và Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Luật PCCC, đồng thời phân tích rõ những tồn tại, khuyết điểm trong việc triển khai thực hiện Luật PCCC theo từng vấn đề như: quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC của Bộ, ngành, địa phương.

1.4. Về tình hình và kết quả thực hiện Luật PCCC: Cần đánh giá rõ kết quả những việc đã làm được và chưa làm được theo các nội dung sau:

- Số lượng văn bản (chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, quy định…) chỉ đạo triển khai thực hiện Luật PCCC được ban hành (thống kê cụ thể văn bản mới ban hành, văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn kèm theo).

- Việc ban hành các quy định, nội quy về PCCC, các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC; tổ chức thực hiện và kiểm tra kết quả thực hiện các văn bản đó.

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn PCCC: đánh giá trách nhiệm tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng. Số lượng các tin bài đăng trên báo, tạp chí, phát sóng trên các phương tiện thông tin, các buổi họp báo, tổ chức tập huấn, huấn luyện viên và nói chuyện về PCCC; đánh giá sự phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát PCCC với các cơ quan thông tin tuyên truyền ở địa phương và Trung ương.

- Việc xây dựng lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở, chuyên ngành (thống kê số lượng các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành hiện có chiếm bao nhiêu % tổng số đội phải thành lập theo quy định của Luật PCCC), trong đó phân tích rõ số đội được thành lập mới, được củng cố; sự đầu tư trang bị phương tiện PCCC và duy trì hoạt động, cũng như hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC này, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong phong trào xây dựng toàn dân PCCC.

- Công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC ở địa phương: Số lượng đội chữa cháy hiện có, số đội cần phải thành lập mới ở các quận, huyện trọng điểm về phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 30/8/2010 và thực trạng, bất cập về quản lý công tác PCCC ở cấp huyện, cấp xã; hướng giải quyết về tăng cường quản lý nhà nước về công tác PCCC ở cấp huyện, cấp xã.

- Công tác quản lý PCCC trong đầu tư xây dựng: Vấn đề quy hoạch xây dựng về PCCC tại các Bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của các cơ quan quản lý về xây dựng ở địa phương (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc); việc thực hiện quy định của Luật PCCC trong đầu tư xây dựng của chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế và Ban quản lý các công trình xây dựng.

- Công tác kiểm tra an toàn về PCCC và xử lý vi phạm về PCCC: Nêu rõ đã tổ chức được bao nhiêu đoàn kiểm tra, có bao nhiêu lượt cơ sở được kiểm tra về PCCC và phát hiện kiến nghị được bao nhiêu thiếu sót, vi phạm về PCCC trong đó lãnh đạo, người đứng đầu địa phương, Bộ, ban, ngành, đơn vị, cơ sở trực tiếp kiểm tra được bao nhiêu lượt? đã phát hiện, chấn chỉnh những vấn đề gì về công tác PCCC; đã lập được bao nhiêu biên bản vi phạm, xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm về PCCC.

- Công tác xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy: thống kê số lượng phương án xây dựng mới, bổ sung, chỉnh lý theo quy định của Luật PCCC và Nghị định 35/2003/NĐ-CP ; số phương án đã được thực tập.

- Việc đảm bảo các điều kiện phục vụ chữa cháy: cần đánh giá những việc đã làm được, thực trạng hiện nay về thông tin báo cháy, giao thông phục vụ chữa cháy và nguồn nước chữa cháy (lắp đặt được bao nhiêu trụ nước chữa cháy, xây dựng được bao nhiêu bể nước, bến lấy nước cho xe chữa cháy), trách nhiệm của Công ty cấp nước đô thị tại địa phương về vấn đề này.

- Việc đầu tư cho hoạt động PCCC: Nêu cụ thể trong 10 năm qua đã đầu tư bao nhiêu kinh phí cho hoạt động PCCC và mua sắm, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho công tác PCCC nói chung và cho lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng; đánh giá hiệu quả đầu tư và thực trạng về phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương.

- Kết quả công tác chữa cháy: Cần nêu rõ hiệu quả dập tắt các vụ cháy của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ và của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ; việc tổ chức chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy.

- Công tác theo dõi, thống kê về PCCC: cần nêu rõ việc tổ chức theo dõi, thống kê từ cơ sở lên trên và chế độ thông tin, báo cáo về PCCC.

- Kiểm điểm thực hiện trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC: Căn cứ vào trách nhiệm của từng chức danh nêu trong Luật PCCC để phân tích đánh giá.

1.5. Đánh giá chung kết quả thực hiện Luật PCCC:

- Nêu những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật PCCC;

- Những tồn tại, thiếu sót và bất cập trong công tác PCCC hiện nay;

- Những nội dung đề xuất về sửa đổi, bổ sung Luật PCCC cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

- Những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện những quy định trong Luật PCCC. 

1.6. Về mốc thời gian lấy số liệu làm báo cáo tổng kết lấy từ 04/10/2001 đến 15/8/2011.

2. Phần thứ 2: Phương hướng nhiệm vụ và biện pháp tiếp tục tổ chức thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trong giai đoạn 2011 – 2015.

2.1. Dự báo tình hình:

Nêu và dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

2.2. Chương trình, kế hoạch triển khai công tác PCCC giai đoạn 2011 – 2015.

Căn cứ vào những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành và địa phương trong Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 và trên cơ sở đánh giá những kết quả, tồn tại, thiếu sót, bất cập và những kinh nghiệm thực hiện Luật PCCC trong 10 năm qua để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật PCCC trong giai đoạn 2011 – 2015. Đối với từng vấn đề cần nêu cụ thể những chỉ tiêu về định tính, định lượng, chủ thể và thời gian thực hiện./.