Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5179/BNN-HTQT
V/v triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW

Ngày 16/5/2023, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). EUDR là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng. Đây là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng EU.

EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Ngay từ giai đoạn EC dự thảo quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện. Ngày 29/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), Hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế liên quan nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Trong bối cảnh EC đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện ngay các hoạt động để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW cùng đồng hành, bổ sung kế hoạch hoạt động của địa phương thích ứng với EUDR, trong đó tập trung một số nội dung như sau:

1. Giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, đặc biệt là cà phê; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng;

2. Giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế (trong đó có Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Tổ chức 4C,…):

- Xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng;

- Rà soát và thống nhất bản đồ thực địa;

- Chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính;

- Dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp, từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững…

- Xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện việc chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào EU, theo yêu cầu của EC;

- Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng;

- Xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR;

- Triển khai nhân rộng cách tiếp cận cảnh quan phục vụ canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng cà phê, cao su, gỗ.

- Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR;

3. Thành lập hoặc kiện toàn Nhóm Công tác công tư cấp tỉnh; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; phối hợp với Nhóm công tác chung và Nhóm công tác các ngành hàng ở Trung ương; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các hoạt động trên.

4. Bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ thích ứng với EUDR.

(Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng châu Âu và bản dịch không chính thức Quy định EUDR của EC đính kèm)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong nhận được sự phối hợp của Quý Cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị;
- Thứ trưởng Hoàng Trung;
- Cục LN, KL, TT, CN, CLCB&PTTT;
- TT: CĐS&TKNN, KNQG;
- Sở NN&PTNT (để p/h).
- Lưu: VT, HTQT.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

PHỤ LỤC:

DANH SÁCH CÁC TỈNH CÓ RỪNG

Vùng

Tỉnh/Thành phố

Vùng trung du và miền núi phía Bắc

Hà Giang

Cao Bằng

Lạng Sơn

Bắc Giang

Phú Thọ

Thái Nguyên

Bắc Kạn

Tuyên Quang

Lào Cai

Yên Bái

Lai Châu

Sơn La

Điện Biên

Hoà Bình

TP Hà Nội

TP Hải Phòng

Hải Dương

Hưng Yên

Vĩnh Phúc

Bắc Ninh

Thái Bình

Nam Định

Hà Nam

Ninh Bình

Quảng Ninh

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Thanh Hoá

Nghệ An

Hà Tĩnh

Quảng Bình

Quảng Trị

Thừa Thiên Huế

TP Đà Nẵng

Quảng Nam

Quảng Ngãi

Bình Định

Phú Yên

Khánh Hoà

Ninh Thuận

Bình Thuận

Vùng Tây Nguyên

Kon Tum

Gia Lai

 

Đắk Lắk

Đắk Nông

Lâm Đồng

Vùng Đông Nam Bộ

TP Hồ Chí Minh

Đồng Nai

Bà Rịa-Vũng Tàu

Bình Dương

Bình Phước

Tây Ninh

Vùng đồng bằng sông Cửu Long

TP Cần Thơ

Long An

Tiền Giang

Bến Tre

Trà Vinh

Vĩnh Long

An Giang

Đồng Tháp

Kiên Giang

Hậu Giang

Sóc Trăng

Bạc Liêu

Cà Mau