BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5188/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN, ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 31)
Vấn nạn phá rừng hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động lớn đến biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt thất thường, vì vậy nên có biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh hơn các đối tượng này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; số vụ vi phạm về Lâm nghiệp đã giảm rõ rệt, năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm; năm 2018 xảy ra 12.954 vụ, năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, năm 2020 xảy ra 10.511 vụ, năm 2021 xảy ra 9.102 vụ giảm 2.134 vụ (giảm 19%) so với cùng kỳ năm 2020, về cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tuy vậy, tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng phá rừng là lấy đất trồng rừng của một số đối tượng, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi; chuyển sang trồng cây nông nghiệp, công nghiệp, khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác lâm sản trái pháp luật, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp được giao tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp sau:
(1) Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp tại các địa phương nhất là tại các địa phương có điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
(2) Yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân giảm diện tích rừng tự nhiên hàng năm theo số liệu công bố hiện trạng rừng và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
(3) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, sớm đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang; trân trọng cám ơn cử tri tỉnh An Giang đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 7732/VPCP-NN năm 2020 về kiểm tra, xử lý thông tin báo Sài Gòn Giải Phóng nêu về phá rừng tại tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 1488/VPCP-NN năm 2021 về kiểm tra, xử lý vấn đề báo Lao động phản ánh về phá rừng tại Cam Lâm, Khánh Hòa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 3886/VPCP-NN năm 2021 về phá rừng trái phép tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 5190/BNN-TCLN năm 2022 về biện pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành