Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 522/BTP-PBGDPL
V/v tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2016

 

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam,

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Quyết định số 207/QĐ-HĐPH ngày 17/02/2016 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2016 và định hướng 2016-2020, Bộ Tư pháp xác định đây là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân trong năm 2016. Để góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện các công việc sau đây:

1. Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực này cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong thời gian từ ngày 10/03/2016 đến hết ngày 22/5/2016;

2. Nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đề nghị tập trung vào các quy định sau: nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử và tuổi ứng cử; tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; ngày bầu cử; quyền bầu cử và ứng cử của công dân; trường hợp được ghi tên, không được ghi tên, xóa tên, bổ sung tên vào danh sách cử tri; trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử; những trường hợp không được ứng cử; vận động bầu cử; các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử; nội dung tiếp xúc cử tri; chương trình hành động của các ứng cử viên; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu; xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử, công bố kết quả trúng cử...;

3. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, trong đó chú ý một số hình thức sau:

a) Đăng tải toàn văn Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trên cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương;

b) Tổ chức tập huấn, quán triệt mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và quán triệt, phổ biến rộng rãi nội dung và tinh thần của ''Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và nhân dân bằng hình thức phù hợp;

c) Tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể thông qua các hình thức như hỏi đáp pháp luật, tờ gấp...

d) Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở thông qua các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, tọa đàm giao lưu, trao đổi - bình luận...; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong việc đăng tải và cập nhật các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, các tin tức thời sự phản ánh về cuộc bầu cử trên toàn quốc;

đ) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cổ động trực quan qua hệ thống áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên các tuyến đường phố chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, địa điểm công cộng về nội dung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Đề nghị Bộ Nội Vụ chỉ đạo ngành Nội Vụ phối hợp với ngành Tư pháp trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cho các tầng lớp nhân dân;

5. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, truyền thông báo chí tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

6. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

7. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho hội viên, thành viên của tổ chức mình và tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân.

8. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn tại Công văn này, hướng dẫn của Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể Trung ương và nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương, có kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến nội dung và tinh thần của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quá trình triển khai tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại địa phương với nội dung, hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tư pháp, phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

9. Từ ngày 10/03/2016, thông tin, tài liệu tuyên truyền, phổ biến về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quá trình triển khai tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ được Bộ Tư pháp cập nhật, đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo, sử dụng.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gắn với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Quý cơ quan, tổ chức tổ chức thực hiện, tổng hợp kết quả và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/6/2016. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để phối hợp tháo gỡ kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (để báo cáo);
- Tổ chức pháp chế các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu