Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 525-TC/ĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 525-TC/ĐT NGÀY 17 THÁNG 1 NĂM 2001VỀ VIỆC CẤP VỐN ĐẦU TƯ XDCB KẾ HOẠCH NĂM 2001

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Tổng công ty 91, cơ quan trung ương, các đoàn thể.
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

.Thực hiện Quyết định số 146/2000/QĐ-TTg ngày 22/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2001, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về việc cấp vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2001 như sau:

I. LẬP KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ XDCB NĂM 2001

Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch đầu tư XDCB năm 2001 do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 146/2000/QĐ-TTg ngày 22/12/2000 và chỉ tiêu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 168/2000/QĐ-BKH ngày 25/12/2000, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty 91, cơ quan trung ương các đoàn thể (sau đây gọi chung là các Bộ) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND các tỉnh) thực hiện ngay việc lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2001, phân khai chi tiết vốn đầu tư cho từng dự án (theo phụ lục 1A và phụ lục 1B kèm theo Thông tư số 96/2000/TT-BTC ngày 28/9/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN) đảm bảo các nguyên tắc đã được quy định tại các văn bản nêu trên như sau:

1. Giữ nguyên tổng mức đầu tư XDCB tập trung (gồm tổng mức và vốn giao đợt 1), cơ cấu vốn thực hiện đầu tư theo một số ngành, lĩnh vực quan trong, danh mục và mức vốn của dự án nhóm A, tổng mức vốn quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư, tổng mức vốn dự án nhóm B và danh mục dự án nhóm B khởi công mới, hoàn thành năm 2001 theo Quyết định số 146/2000/QĐ-TTg ngày 22/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 168/2000/QĐ-BKH ngày 25/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp cần thay đổi các chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, cần thay đổi các chỉ tiêu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao phải được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý.

Phân khai chi tiết cơ cấu vốn xây lắp, thiết bị, chi phí khác của các dự án nhóm A; phân khai vốn cụ thể cho các dự án quy hoạch, chuẩn bị đầu tư; phân khai mức vốn và cơ cấu vốn xây lắp, thiết bị, chi phí khác cho các dự án nhóm B và nhóm C. Các dự án chuẩn bị thực hiện dự án (nếu có) cần ghi chú riêng trong cơ cấu vốn thực hiện dự án.

2. Các dự án đưa vào kế hoạch phải đảm bảo các nguồn vốn chắc chắn, bố trí tập trung và đúng tiến độ. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, các dự án khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, dự án thực sự có hiệu quả; dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả trong năm 2001. Bố trí đủ vốn đối ứng cần thiết cho các dự án ODA đã ghi kế hoạch nhằm bảo đảm tiến độ theo hiệp định đã được ký kết, đặc biệt là các dự án hoàn thành vào năm 2001.

3. Các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2001 phải có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng (Quyết định đầu tư từ tháng 10/2000 về trưỡc, Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán). Các dự án nhóm B, C khởi công mới phải phù hợp với quy hoạch ngành, vùng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các dự án nhóm C, kể cả dự án đầu tư mới phải được bố trí đủ vốn để hoàn thành trong 2 năm.

5. Trong năm kế hoạch đầu tư XDCB thuộc ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư XDCB tập trung do Thủ tướng Chính phủ giao và các nguồn vốn khác được để lại địa phương theo Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội), UBND các tỉnh cần lập riêng phần kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tập trung do Thủ tướng Chính phủ giao và các nguồn vốn NS khác, đồng thời có quy định việc đầu tư phù hợp với mục tiêu sử dụng từng loại nguồn vốn.

Các nguồn vốn ngân sách để lại đầu tư của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được kế hoạch hoá và đưa vào kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm.

Sau khi phân khai chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2001, các Bộ và UBND các tỉnh gửi Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) chậm nhất là đến 31/01/2001 để theo dõi, kiểm tra và làm căn cứ cấp phát vốn đầu tư năm 2001. Trường hợp phân khai kế hoạch vốn đầu tư năm 2001 không đúng với các quy định, Bộ Tài chính sẽ có văn bản đề nghị điều chỉnh lại, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo điểm 4 Điều 4 Quyết định số 146/2000/QĐ-TTg ngày 22/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

II. CẤP PHÁT THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ XDCB NĂM 2001

1. Các Bộ và UBND các tỉnh cần sớm phân khai kế hoạch chi tiết cho từng dự án, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và xây dựng, đấu thầu, ký kết hợp đồng, thi công xây dựng theo tiến độ và nghiệm thu khối lượng để được cấp vốn thanh toán ngay từ đầu năm, tránh tình trạng thanh toán dồn vào cuối năm, gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước.

Các công trình đê điều, các công trình thuỷ lợi, giao thông,... vượt lũ, thoát lũ cần đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2001.

2. Việc cấp phát thanh toán vốn đầu tư thực hiện theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư số 96/2000/TT-BTC ngày 28/9/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN. Đối với các dự án đặc biệt (đê điều, thuỷ lợi vượt lũ, thoát lũ, các công trình giống, lâm sinh), Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cơ chế cấp phát thanh toán phù hợp.

3. Bộ Tài chính đảm bảo đủ vốn để cấp phát thanh toán cho các dự án được bố trí kế hoạch năm 2001 ngay từ những tháng đầu năm. Các Bộ và UBND các tỉnh chỉ đạo sát sao các chủ đầu tư thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, không để ách tắc trong cấp phát thanh toán vốn đầu tư.

 

Vũ Văn Ninh

(Đã ký)