- 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- 2 Luật Đấu thầu 2023
- 3 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 4 Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5277/VPCP-CN | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2024 |
Kính gửi: | - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 5173/BKHĐT-QLĐT ngày 03 tháng 7 năm 2024 về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2023 (văn bản gửi kèm theo), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản trên, yêu cầu:
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty nhà nước, Tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp được đề xuất tại Báo cáo nêu trên, trong đó:
- Tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là nhà thầu tại các dự án quan trọng, trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công.
- Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt dự án), đảm bảo dự án có tính khả thi, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu rộng rãi.
- Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
- Chỉ đạo người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan, đơn vị thẩm định chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ quản lý, triển khai các quy định pháp luật về đấu thầu để tổ chức thực hiện việc đấu thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, trách nhiệm được giao; chú trọng việc kiểm soát thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án, gói thầu; lựa chọn tư vấn đấu thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong việc thực hiện hợp đồng.
- Chỉ đạo bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị thực hiện việc giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đảm bảo đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình kiến nghị, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, gói thầu.
- Chủ động, tăng cường kiểm tra chuyên đề về đấu thầu (không lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác) và giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu không qua mạng, gói thầu áp dụng chỉ định thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện kết luận kiểm tra hoặc tiếp tục để xảy ra vi phạm.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát hiện, xử lý những thiếu sót, vướng mắc, khó khăn, tồn tại; tăng cường áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
- Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương thường xuyên hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh; thực hiện giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu để kịp thời phát hiện các hành vi nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một, một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng và có biện pháp chấn chỉnh.
- Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc công khai, đăng tải đầy đủ thông tin đảm bảo chính xác, đúng trách nhiệm, thời hạn trên Hệ thống e-GP và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng theo đúng lộ trình quy định tại Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và các Nghị định: số 23/2024/NĐ-CP, số 24/2024/NĐ-CP, số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (đặc biệt về đấu thầu qua mạng); quan tâm, tạo điều kiện cho các cá nhân thuộc tổ chuyên gia, tổ thẩm định tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu để nâng cao năng lực, nghiệp vụ, chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, đảm bảo có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án.
- Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không theo mẫu biểu hướng dẫn, không chính xác số liệu công tác đấu thầu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để khắc phục, tháo gỡ ngay những bất cập, vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất với quy định pháp luật khác có liên quan (đất đai, xây dựng, đấu giá, y tế...).
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống e-GP theo hướng phát triển thêm các tính năng mới, tăng độ thân thiện với người sử dụng, tạo thuận lợi cho nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và cơ quan quản lý về đấu thầu khi thực hiện nghiệp vụ đấu thầu trên Hệ thống.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
- 2 Luật Đấu thầu 2023
- 3 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 4 Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực