Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
CỤC KIỂM LÂM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KL-ĐT
V/v hướng dẫn thực hiện Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2019

 

Kính gửi: Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 16/11/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 (sau đây viết tắt là Thông tư 27). Thông tư 27 có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thông tư 27 có những quy định mới, thay thế 09 văn bản quy phạm pháp luật và 01 điều của 01 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đây.

Để thực hiện nghiêm, đúng các quy định tại Thông tư 27, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư 27 tại địa phương, trong đó lưu ý một số nội dung mới của Thông tư 27 như sau:

1. Về cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản

Tại khoản 1 Điều 7 quy định: Cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản là cơ quan Kiểm lâm sở tại; đồng thời tại khoản 1 Điều 3 quy định cơ quan Kiểm lâm sở tại bao gồm: Hạt Kiểm lâm cấp huyện; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện. Như vậy, so với Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 40/2015/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2015 (sau đây viết chung là Thông tư 01), Thông tư 27 không quy định thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và UBND cấp xã.

2. Về đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định tại Thông tư 27 có thay đổi so với Thông tư 01:

Để đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp, các Nghị định hướng dẫn Luật Lâm nghiệp và yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kinh doanh lâm sản hợp pháp. Thông tư 27 quy định chỉ xác nhận bảng kê lâm sản đối với 03 đối tượng, được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 và trường hợp các đối tượng này khi vận chuyển nội bộ ra ngoài tỉnh. Ngoài các đối tượng và trường hợp nêu trên, cơ quan Kiểm lâm sở tại không thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản, kể cả trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận.

3. Về trình tự, thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường

So với quy định tại Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016, Thông tư số 17/2017/TT-BNNPTNT ngày 11/9/2017 và Thông tư so 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012, Thông tư 27 chỉ quy định trình tự, thủ tục khai thác gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và động vật rừng thông thường. Thông tư 27 không quy định khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, bỏ quy định khai thác gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu tại chỗ. Các quy định về đối tượng, điều kiện, phương thức khai thác lâm sản trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy định cụ thể tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

a) Khai thác thực vật rừng thông thường từ tự nhiên:

Thông tư 27 quy định quản lý việc khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên (từ Điều 8 đến Điều 10). Theo đó, trước khai thác tận dụng gỗ, tận thu gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ từ rừng tự nhiên, chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân được giao khai thác chỉ cần lập báo cáo về địa danh, diện tích, khối lượng lâm sản dự kiến khai thác hoặc phương án khai thác tận thu gỗ (theo các Mẫu số 07, Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư 27) và gửi các tài liệu này đến cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra; sau khai thác chủ rừng tự lập bảng kê lâm sản. Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra quá trình thực hiện khai thác lâm sản của chủ rừng, tổ chức, cá nhân và xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định.

b) Khai thác gỗ loài thực vật thông thường từ rừng trồng:

Căn cứ chế độ sở hữu rừng tại Điều 7 Luật Lâm nghiệp, Thông tư 27 quy định trình tự, thủ tục khai thác lâm sản từ rừng trồng theo chủ sở hữu rừng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu (từ Điều 12 đến Điều 15). Thông tư 27 quy định trong khai thác gỗ rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân do chủ rừng tự quyết định việc khai thác; chủ lâm sản tự lập bảng kê lâm sản; không quy định xác nhận bảng kê lâm sản đối với gỗ rừng trồng loài thông thường.

Đối với rừng trồng bằng ngân sách nhà nước, dự án có nguồn gốc ngân sách nhà nước đầu tư đã kết thúc dự án, đã giao rừng cho tổ chức, cá nhân hoặc do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý thì được xác định là rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; trường hợp rừng trồng được hỗ trợ một phần từ các chính sách, dự án giao cho tổ chức, cá nhân quản lý thì được xác định là rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đề nghị Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn chủ rừng căn cứ nguồn vốn đầu tư trồng rừng để thực hiện quản lý việc khai thác gỗ rừng trồng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp và thực hiện trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng theo quy định của Thông tư 27.

c) Về khai thác động vật rừng thông thường:

Điều 11 quy định cụ thể về hồ sơ khai thác, cách thức nộp hồ sơ, trình tự thực hiện phương án khai thác động vật rừng thông thường và bộ phận, dẫn xuất của chúng từ tự nhiên. Quy định có điểm mới là: chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân khai thác có phương án khai thác, nộp hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm nơi khai thác; quy định Chi cục Kiểm lâm nơi khai thác có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định, phê duyệt phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên.

d) Về khai thác lâm sản thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên hoặc gây trồng:

Thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; đề nghị cơ quan Kiểm lâm địa phương hướng dẫn chủ rừng, chủ lâm sản thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục khai thác đối với lâm sản thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.

4. Về hồ sơ nguồn gốc lâm sản

Thông tư 27 quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo quan điểm chủ lâm sản phải tự chịu trách nhiệm về nguồn sốc hợp pháp của lâm sản. Thông tư 27 quy định chung về hồ sơ nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và loài thông thường được khai thác trong nước (bao gồm từ rừng tự nhiên và rừng trồng), nhập khẩu và sau xử lý tịch thu. Quy định hồ sơ nguồn gốc lâm sản từ Điều 16 đến Điều 18 và có 04 mẫu bảng kê cho các loại lâm sản khác nhau (Thông tư 01 chỉ có 01 mẫu bảng kế chung cho các loại lâm sản), trong đó quy định chi tiết các nội dung thông tin về nguồn gốc, số hiệu, quy cách lâm sản, cột để ghi số hiệu, tem, nhãn đánh dấu (nếu có) để thuận tiện trong việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản khi cần thiết.

Tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 27 có quy định về “các tài liệu nguồn gốc lâm sản theo quy định của nước xuất khẩu” kèm theo lâm sản khi nhập khẩu. Đây là quy định mới khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế về bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc lâm sản trong xuất khẩu, nhập khẩu và làm cơ sở để giải trình và truy xuất nguồn gốc hợp pháp. Do quy định pháp luật của mỗi nước về quản lý lâm sản khác nhau, vì vậy, Thông tư 27 không quy định cụ thể về tài liệu nguồn gốc lâm sản. Tài liệu này do thương nhân nhập khẩu lâm sản yêu cầu doanh nghiệp của nước xuất khẩu cung cấp và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là tài liệu để cơ quan chức năng kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản đối với lâm sản nhập khẩu khi cần thiết.

Điều 18 quy định cụ thể hồ sơ lâm sản sau xử lý tịch thu, trong đó quy định bảng kê lâm sản do cơ quan bán lập. Vì vậy, đề nghị cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật.

5. Về hồ sơ lâm sản mua bán, vận chuyển

Thực hiện quyền tự chủ của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời doanh nghiệp (chủ lâm sản) phải tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của lâm sản trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Thông tư 27 quy định quản lý đối với lâm sản chưa chế biến và lâm sản đã chế biến thông qua hồ sơ lâm sản khi mua bán, vận chuyển thể hiện ở bảng kê lâm sản và hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Tại các Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Thông tư 27 quy định mới về “bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản bán” trong hồ sơ lâm sản khi mua bán, vận chuyển. Tài liệu này là bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản khi xuất bán lâm sản giao cho tổ chức, cá nhân mua kèm theo lâm sản đó để truy xuất nguồn gốc lâm sản. Hồ sơ nguồn gốc lâm sản được quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư 27.

So với Thông tư 01, Thông tư 27 bỏ quy định có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính trong hồ sơ lâm sản khi mua bán, vận chuyển, vì nội dung này thuộc quy định của Bộ Tài chính đối với tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh.

6. Về quản lý hồ sơ lâm sản

Quản lý hồ sơ lâm sản tại cơ sở chế biến, mua bán, cất giữ, gây nuôi, chế biến động vật rừng được quy định cụ thể tại Mục 4 Chương III, Chi cục Kiểm lâm cần nghiên cứu để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và chủ lâm sản là tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý cần phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận gỗ tồn thực tế và tồn trên từng hồ sơ lâm sản tại sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản năm 2018 để chuyển khối lượng gỗ tồn sang sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo mẫu mới của năm 2019 để quản lý theo quy định của Thông tư 27. Đề nghị Chi cục Kiểm lâm tổng hợp gỗ tồn tại địa phương, báo cáo số liệu về Cục Kiểm lâm trước ngày 28/02/2019 (có mẫu biểu tổng hợp kèm theo).

7. Về đánh dấu mẫu vật

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Lâm nghiệp, Thông tư 27 quy định về đánh dấu mẫu vật tại Chương IV. Đây là quy định mới, mục đích để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý lâm sản, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Đối tượng đánh dấu mẫu vật quy định cụ thể tại Điều 33 Thông tư 27, trong đó có mở rộng đối tượng đánh dấu mẫu vật là sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán. Mẫu vật của các loài thuộc các Phụ lục CITES đã có quy định đánh dấu thì thực hiện theo quy định của CITES.

Đối với mẫu vật là lâm sản thuộc loài nguy cấp quý hiếm sau xử lý tịch thu: tổ chức đang quản lý lâm sản tịch thu là đại diện cho Nhà nước để quản lý tài sản sẽ không thực hiện đánh dấu mẫu vật. Sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân mua tài sản bán đấu giá là chủ lâm sản sẽ thực hiện đánh dấu mẫu vật theo quy định.

Việc đánh dấu mẫu vật do chủ lâm sản tự thực hiện, tự quyết định về chất liệu, kích thước, hình thức của nhãn đánh dấu; đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về các thông tin trên nhãn đánh dấu quy định cụ thể tại Điều 35; vì vậy, đề nghị các Chi cục Kiểm lâm nghiên cứu kỹ nội dung này để hướng dẫn chủ lâm sản thực hiện đánh dấu mẫu vật.

8. Về kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản

So với Thông tư 01, tại Chương V Thông tư 27 quy định hoạt động kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản cụ thể hơn. Điểm mới Thông tư 27 quy định về hoạt động kiểm tra phải có quyết định của cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền được quy định tại Điều 37. Vì vậy, đề nghị Chi cục Kiểm lâm nghiên cứu kỹ để hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc thực hiện, đặc biệt là Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR khi thực hiện kiểm tra đột xuất căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 40, thực hiện mở sổ theo dõi thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 40; đồng thời thực hiện trình tự kiểm tra theo quy định tại Điều 41.

9. Về Phụ lục kèm theo Thông tư 27

Thông tư 27 có Phụ lục gồm 13 Mẫu biểu kèm theo, các mẫu biểu này đều có chú thích hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực hiện khi sử dụng. Trong đó, 04 mẫu bảng kê lâm sản là tài liệu quan trọng, luôn đi kèm theo lâm sản. Tại các mẫu bảng kê lâm sản có các nội dung chi tiết về thông tin của chủ lâm sản, thông tin nguồn gốc lâm sản, phương tiện vận chuyển, số hiệu, nhãn đánh dấu mẫu vật lâm sản, khối lượng, trọng lượng lâm sản... và hướng dẫn theo chú thích tại cuối mẫu bảng kê. Việc ghi bảng kê lâm sản được quy định cụ thể tại Điều 5 của Thông tư 27. Khi ghi số hiệu gỗ vào bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01 cần phân biệt giữa số hiệu gỗ với nhãn đánh dấu gỗ (nếu có).

Bảng kê lâm sản là tài liệu để truy xuất nguồn gốc lâm sản. Vì vậy, khi ghi nội dung nguồn gốc lâm sản, cơ quan Kiểm lâm hướng dẫn chủ lâm sản khi xuất bán lâm sản ghi rõ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản trước đó xuất bán lâm sản.

Chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng được sử dụng các mẫu: bảng kê lâm sản, biên bản kiểm tra lâm sản, biên bản kiểm tra khai thác lâm sản ban hành theo Thông tư 27 khi kiểm tra lâm sản hoặc kiểm tra khai thác lâm sản phát hiện có hành vi vi phạm trong diện tích rừng được giao.

Trường hợp lập bảng kê lâm sản là tang vật vi phạm: bảng kê lâm sản được lập kèm theo biên bản kiểm tra lâm sản hoặc biên bản kiểm tra khai thác lâm sản hoặc biên bản vi phạm hành chính thì tùy theo loại tang vật vi phạm, Tổ kiểm tra lập bảng kế lâm sản theo các Mẫu số 01, 02, 03 hoặc Mẫu số 04 kèm theo Thông tư 27; bảng kê lâm sản là tang vật vi phạm lập kèm theo biên bản không phải ghi phần thông tin chung theo mẫu. Đối với bảng kê tang vật vi phạm là gỗ, sản phẩm gỗ thì ghi thêm vào cột ghi chú là gỗ thuộc loại thông thường hoặc quý hiếm để thuận lợi cho công tác xử lý vi phạm. Cuối các trang của bảng kê phải có chữ ký của đối tượng được kiểm tra hoặc đối tượng vi phạm, người làm chứng (nếu có) và chữ ký của người lập bảng kê.

Ngoài 13 mẫu biểu quy định tại Thông tư 27; các văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Thông tư quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính... có quy định những mẫu biểu có liên quan đến quản lý, kinh doanh lâm sản. Vì vậy, đề nghị Chi cục Kiểm lâm nghiên cứu kỹ để hướng dẫn thực hiện.

Trên đây là một số nội dung mới, quan trọng cần lưu ý khi triển khai thực hiện Thông tư 27. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thông tin, phản ảnh về Tổng cục Lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Quốc Trị (để báo cáo);
- PTCT Cao Chí Công (để báo cáo);
- Vụ QLSXLN, CITES;
- Lưu: VT, ĐT (70 bản).

Q. CỤC TRƯỞNG




Đỗ Quang Tùng

 

SỞ NN&PTNT TỈNH…….
CHI CỤC KIỂM LÂM

BIỂU TỔNG HỢP KHỐI LƯỢNG GỖ LOÀI………..TỒN ĐẾN 31.12.2018
(Kèm theo văn bản số: 53/KL-ĐT ngày 28/01/2019 của Cục Kiểm lâm)

STT

Đơn vị

Tổng số cơ sở chế biến, kinh doanh

Gỗ tồn

Ghi chú

Gỗ nhập khẩu

Gỗ sau xử lý tịch thu

Gỗ rừng tự nhiên trong nước

Gỗ rừng trồng trong nước

Tổng gỗ tồn

Tròn (m3)

Xẻ (m3)

Tròn (m3)

Xẻ (m3)

Tròn (m3)

Xẻ (m3)

Tròn (m3)

Xẻ (m3)

Tổng cộng

Gỗ tròn (m3)

Gỗ xẻ (m3)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

I

Huyện A

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hộ kinh doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II

Huyện B

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Doanh nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Hộ kinh doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

……………….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LẬP BIỂU

CHI CỤC TRƯỞNG

 

Ghi chú: Tổng hợp gỗ loài thông thường thành một biểu; gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thành một biểu (bao gồm cả gỗ thuộc các Phụ lục CITES)