Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5309/TCHQ-GSQL
V/v giải quyết vướng mắc đưa hàng về bảo quản

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp phản ánh vướng mắc trong việc thực hiện công văn số 2845/TCHQ-GSQL4289/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc đưa hàng về bảo quản.

Vấn đề quản lý hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành sẽ được đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong thời gian chờ Thông tư mới ban hành, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị tạm thời xử lý các vướng mắc phát sinh trên thực tế như sau:

1. Đối với hàng hóa phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt (không thể bảo quản được tại cửa khẩu):

Doanh nghiệp thuộc diện không được mang hàng về bảo quản, nếu nhập khẩu hàng hóa phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt, có thể được đưa hàng hóa về bảo quản nếu thỏa mãn 02 điều kiện sau:

a) Hàng hóa, hoặc kho bảo quản hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan bằng biện pháp niêm phong hải quan;

b) Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu có đủ nhân lực để triển khai biện pháp niêm phong hải quan khi đưa hàng hóa về bảo quản.

Doanh nghiệp nhập khẩu có văn bản đề nghị, Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu căn cứ nhân lực hiện có để bố trí công chức thực hiện niêm phong hải quan và giải quyết cho doanh nghiệp mang hàng về bảo quản theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan đến khi hàng hóa được xác nhận thông quan, trường hợp không đủ điều kiện nhân lực để triển khai thì trả lời cho doanh nghiệp biết để doanh nghiệp có biện pháp tự khắc phục.

2. Đối với hàng hóa phải đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra (không thể kiểm tra được tại cửa khẩu):

Doanh nghiệp thuộc diện không được mang hàng về bảo quản, nếu nhập khẩu hàng hóa phải đưa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành mới thực hiện kiểm tra được, thì được đưa hàng hóa về địa điểm kiểm tra chuyên ngành nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành đồng ý tiếp nhận việc giám sát, quản lý hàng hóa tại địa điểm kiểm tra đến khi có kết quả kiểm tra.

Trên cơ sở doanh nghiệp đề nghị bằng văn bản, được cơ quan kiểm tra chuyên ngành đồng ý, xác nhận, Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu lô hàng thực hiện bàn giao lô hàng cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo mẫu kèm theo công văn này.

Hàng hóa vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục nhập khẩu về địa điểm kiểm tra phải được niêm phong hải quan, trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được thì ghi rõ trên biên bản bàn giao. Khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành đạt yêu cầu nhập khẩu thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận vào biên bản gửi cho cơ quan hải quan để hoàn thành thông quan lô hàng, đồng thời cho doanh nghiệp đưa hàng hóa ra lưu thông.

3. Việc cập nhập đưa vào Danh sách doanh nghiệp không được mang hàng về bảo quản (gọi tắt là Danh sách), hoặc đưa ra khỏi Danh sách này:

a) Khi đưa doanh nghiệp vào Danh sách cần phải có đủ căn cứ doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm: không nộp đúng thời hạn chứng từ hồ sơ hải quan, hoặc vi phạm về bảo quản hàng hóa chờ thông quan (đã xử phạt, hoặc chưa xử phạt). Không đưa doanh nghiệp vào Danh sách nếu không xác định rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

b) Khi đưa doanh nghiệp ra khỏi Danh sách, cần có đủ các căn cứ sau:

- Đối với doanh nghiệp bị đưa nhầm vào Danh sách do lỗi của cơ quan hải quan: công chức hải quan được phân công theo dõi có trách nhiệm lập báo cáo giải trình và đề xuất đưa doanh nghiệp ra khỏi Danh sách, lãnh đạo Chi cục Hải quan phê duyệt chuyển Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét ra thông báo đưa doanh nghiệp ra khỏi Danh sách. Báo cáo giải trình lưu theo hồ sơ ban hành công văn của Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

- Đối với doanh nghiệp nộp chậm kết quả kiểm tra chuyên ngành do nguyên nhân khách quan:

Doanh nghiệp có văn bản giải trình nêu rõ trình tự sự việc, nguyên nhân nộp chậm hồ sơ (không phải do lỗi của doanh nghiệp), cam kết sự việc giải trình là đúng và đề nghị đưa doanh nghiệp ra khỏi Danh sách.

Cơ quan kiểm tra chuyên ngành có văn bản xác nhận nguyên nhân cụ thể phải kéo dài thời gian kiểm tra, hoặc kéo dài thời gian ra kết luận kiểm tra dẫn đến ra thông báo kết luận kiểm tra chậm (do nguyên nhân khách quan).

Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ thể hiện rõ việc chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành do nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi của doanh nghiệp, thì giải quyết không xử phạt vi phạm hành chính và có văn bản đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông báo đưa doanh nghiệp ra khỏi Danh sách. Trường hợp hồ sơ không đủ căn cứ giải quyết thì thông báo cho doanh nghiệp biết rõ lý do không giải quyết.

Tại công văn thông báo cập nhật Danh sách doanh nghiệp không được mang hàng về bảo quản, các đơn vị cần cung cấp tối thiểu 3 tiêu chí: Tên doanh nghiệp, mã số thuế, lý do đưa vào/đưa ra Danh sách doanh nghiệp.

4. Về thủ tục kiểm tra hàng hóa bảo quản chờ thông quan:

Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Hải quanđiểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư số 01/2012/TT-BTC ngày 03/01/2012 của Bộ Tài chính, Chi cục Hải quan làm thủ tục lập hồ sơ chuyển cho lực lượng điều tra chống buôn lậu để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị thực hiện thống nhất./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c TT. Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Cty TNHH Vithacom Việt Nam (thay trả lời)
(P301, Tòa 24T1, Trung hòa nhân chính, Cầu Giấy, HN);
- Cty TNHH Thế Giới Việt (-nt-)
(KCN Giao Long, An Phướng, Châu Thành, Bến Tre);
- Cty TNHH Nguyên liệu và Thực phẩm Xanh (-nt-)
(P 0602, 151A Nguyển Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội);
- Cty Cổ phần Thương mại NOVA (-nt-)
(307/11, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP. HCM);
- Cty Cổ phần XNK Máy và Phụ tùng (-nt-)
(558 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội);
- Cục Hải quan TP. Hải Phòng;
- Cục Hải quan tỉnh Cà Mau;
- Lưu: VT, GSQL (02).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT, QUẢN LÝ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU CHỜ KẾT QUẢ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

(1) Tên cơ quan bàn giao:

Địa chỉ:

Số điện thoại:

(2) Tên cơ quan nhận bàn giao:

Địa chỉ:

Số điện thoại:

(3) Thực hiện việc bàn giao lô hàng nhập khẩu sau:

- Tên hàng;

- Số, trọng lượng;

- Quy cách đóng gói;

- Tình trạng hàng hóa;

- Tình trạng niêm phong;

(4) Địa điểm hàng hóa được đưa về:

(5) Cơ quan tiếp nhận bàn giao lô hàng có trách nhiệm giám sát, quản lý hàng hóa đến khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhập khẩu.

 

(6) Cơ quan tiếp nhận bàn giao
(ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

(7) Cơ quan bàn giao
(ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

(8) Xác nhận của cơ quan nhận bàn giao
(đã có kết quả kiểm tra chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhập khẩu;
(Tình hình khác, kiến nghị, nếu có)
(ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

(Mẫu này được lập thành 3 bản:

- 01 bản lưu cơ quan hải quan;

- 02 bản giao cho cơ quan tiếp nhận bàn giao (sau khi xác nhận mục 8 chuyển lại cho cơ quan hải quan 01 bản để xác nhận thông quan lô hàng).