BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5373/TCT-DNNCN | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, vừa chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (hạn hán, mưa đá, lụt lội, xâm nhập mặn trên diện rộng). Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là đối với các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống...; số lượng người nộp thuế tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô tăng; thu nhập của người dân giảm sút, kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội cần phải xử lý khẩn trương và đồng bộ. Để hỗ trợ nền kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, đảm bảo “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Đặc biệt đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh, ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản[1] yêu cầu Cục Thuế các tỉnh thành phố căn cứ theo các quy định hiện hành chủ động tuyên truyền, tham mưu, báo cáo với Ủy ban nhân dân các cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan theo thẩm quyền: xác định số tiền thuế khoán được giảm theo thực tế số tháng ngừng/nghỉ giải quyết gặp khó khăn đối với các hộ kinh doanh không tiếp tục hoạt động kinh doanh và có thông báo ngừng/nghỉ kinh doanh; xác định lại doanh thu khoán cho các hộ kinh doanh theo thực tế sản xuất, kinh doanh đặc biệt là các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Đến nay tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đồng thời, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn duy trì ổn định, đảm bảo. Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021; để triển khai, kiểm soát việc lập Bộ thuế khoán đầu năm 2021 tại các Chi cục Thuế; tăng cường quản lý hộ kinh doanh trong năm 2021, hỗ trợ nền kinh tế, giải quyết khó khăn cho hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo công khai, minh bạch, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nội dung như sau:
1. Các cơ quan thuế tiếp tục chủ động tuyên truyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, vận động hộ kinh doanh ổn định, an tâm kinh doanh, tránh gây bức xúc cho người nộp thuế, đảm bảo ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
2. Cục Thuế tăng cường chỉ đạo, giám sát các Chi cục Thuế căn cứ thông tin tại cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh do từng Chi cục Thuế xây dựng, từng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn kinh doanh; từ thực tế kinh doanh năm 2020 và dự báo tình hình phục hồi kinh tế, chỉ số giá; kết quả thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước, tác động của chính sách đến thu NSNN... để xác định doanh thu và mức thuế khoán năm 2021. Doanh thu và mức thuế khoán của hộ kinh doanh năm 2021 phải đảm bảo đúng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh, phù hợp, công bằng, giữa các hộ kinh doanh cùng quy mô, cùng địa bàn, phù hợp với tình hình một số ngành nghề, địa phương bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, thiên tai... Việc xác định doanh thu và mức thuế khoán phải được công khai, lấy ý kiến hộ kinh doanh, người dân và các cơ quan liên quan theo đúng các quy định về quản lý thuế, đảm bảo mức thuế khoán năm 2021 đúng thực tế, đồng thời hỗ trợ các hộ kinh doanh yên tâm sản xuất kinh doanh, góp phần từng bước khôi phục hoạt động của hộ kinh doanh nói riêng, của toàn bộ người nộp thuế nói chung. Trường hợp doanh thu và mức thuế khoán năm 2021 còn chưa thống nhất, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo về các trường hợp và lý do liên quan đến việc lập bộ, tính thuế để các cơ quan liên quan và người dân nắm được, giám sát.
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục Thuế biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
[1] Công văn số 869/TCT-DNNCN ngày 03/3/2020 về việc tăng cường hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; công văn số 5310/BTC-TCT ngày 29/4/2020 về việc yêu cầu các cơ quan thuế chủ động tuyên truyền, tiếp nhận và giải quyết các thông báo ngừng/nghỉ của CNKD không phụ thuộc vào thời gian gửi thông báo ngừng/nghỉ kinh doanh đến cơ quan thuế.
- 1 Công văn số 5321/TCT-CS về việc hướng dẫn quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 1784/TCT-CC năm 2015 về quản lý thuế hộ kinh doanh do Tổng cục Thuế ban hành
- 3 Công văn 2697/TCT-TNCN năm 2016 về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trông giữ xe do Tổng cục Thuế ban hành
- 4 Công văn 2327/TCT-KK năm 2020 hướng dẫn nội dung về quản lý thuế đối với sắp xếp địa bàn hành chính cấp huyện, xã do Tổng cục Thuế ban hành