Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 54/TANDTC-KHTC
V/v hướng dẫn triển khai các dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư và khởi công 2020

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2020

 

Kính gửi:

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Chủ đầu tư dự án xây dựng trụ sở làm việc Tòa án nhân dân các cấp.

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các văn bản liên quan khác về quản lý xây dựng cơ bản;

Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 23/6/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao;

Quyết định số 676/2016/TANDTC-KHTC ngày 23/9/2016 về việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc Tòa án nhân dân địa phương,

Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn triển khai các dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư, khởi công năm 2020, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến khởi công năm 2020 và 2021, bảo đảm việc thực hiện các dự án tuân theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu.

- Tăng cường công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

- Triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình giai đoạn 2020-2025 đã được Chính phủ phê duyệt.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Tòa án nhân dân tối cao đối với công tác quản lý dự án của Chủ đầu tư các dự án thuộc hệ thống Tòa án nhân dân.

II. Nội dung

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư các dự án thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các dự án dự kiến khởi công năm 2020

Khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các công việc sau:

- Trên cơ sở định hướng thiết kế (đính kèm công văn này), chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế, tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc và gửi phương án đã được lựa chọn trình Cục Kế hoạch-Tài chính cho ý kiến.

- Sau khi hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai các công việc tiếp theo đúng quy định.

- Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán tuân thủ theo các quy định của Luật Xây dựng, các Nghị định hướng dẫn, Quyết định phân cấp và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

- Đối với các dự án chỉ lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư thực hiện theo Công văn số 342/TANDTC-KHTC ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn quản lý dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp.

2. Các dự án chuẩn bị đầu tư

Khi có quyết định phê duyệt dự toán giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư làm thủ tục đăng ký cấp mã số quan hệ ngân sách cho dự án, lập tài khoản tại kho bạc nhà nước và triển khai thực hiện các công việc đã được phê duyệt theo quy định.

3. Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Thực hiện Công văn số 17/TANDTC-KHTC ngày 04/02/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư các dự án thuộc hệ thống Tòa án nhân dân nghiêm túc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh thực hiện trong năm 2020, 2021 theo lộ trình sau:

STT

Loại gói thầu

Giá gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng

Năm 2020

Năm 2021

1

Các gói thầu thuộc lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn, tư vấn, mua sắm hàng hóa

≤ 5 tỷ đồng

≤ 10 tỷ đồng

2

Các gói thầu xây lắp

≤ 10 tỷ đồng

≤ 20 tỷ đồng

3

Tỷ lệ tối thiểu số lượng gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng

60%

70%

4

Tỷ lệ tối thiểu giá trị gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng

25%

35%

III. Tổ chức thực hiện

1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư các dự án do Tòa án nhân dân tối cao quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện hướng dẫn này.

2. Cục Kế hoạch-Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, đóng góp ý kiến đối với các nội dung của chủ đầu tư trình và tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

Trên đây là hướng dẫn triển khai các dự án trong năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao. Đề nghị chủ đầu tư các dự án thuộc đối tượng nêu trên nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách Nhà nước và hướng dẫn này của Tòa án nhân dân tối cao.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Lưu VP, KHTC.

TL. CHÁNH ÁN
CỤC TRƯỞNG
CỤC KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH





Lương Văn Việt

 

ĐỊNH HƯỚNG THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
TRỤ SỞ TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN
(VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG)
(Ban hành kèm
theo Văn bản số 54/TANDTC-KHTC ngày 06/3/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

- Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;

- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;

- Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;

- Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13;

- Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14;

- Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4601:2012 - Công sở cơ quan hành chính Nhà nước

- Yêu cầu thiết kế;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCTK 355-2005 - Tiêu chuẩn thiết kế nhà hát - Phòng khán giả - Yêu cầu kỹ thuật;

- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình;

- Thông tư số 09/2007/TT-BNV ngày 26/11/2007 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về kho lưu trữ chuyên dụng;

- Văn bản số 287/LTNN-KH ngày 03/7/2000 của Cục lưu trữ Nhà nước về việc hướng dẫn lập dự án và kế hoạch đầu tư xây dựng cải tạo kho lưu trữ;

- Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/07/2017 của Tòa án nhân dân tối cao Quy định về phòng xử án;

- Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên;

- Nghị Quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của nhà nước; bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát;

- Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương về việc luân chuyển cán bộ công chức;

- Văn bản số 13/TANDTC-PC ngày 24/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn bố trí trang thiết bị cần thiết cho Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

II. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mục đích

- Định hướng thiết kế kiến trúc trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (và tương đương) bảo đảm công năng, diện tích phù hợp theo yêu cầu của pháp luật tố tụng và các quy định đặc thù của hệ thống Tòa án nhân dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài.

- Làm cơ sở để Chủ đầu tư dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân phê duyệt nhiệm vụ thiết kế.

2. Đối tượng áp dụng

- Tài liệu này áp dụng với tất cả các trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (và tương đương) thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, trừ các Tòa án thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trường hợp có yêu cầu đặc biệt về thiết kế kiến trúc do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

III. CÁC YÊU CẦU VỀ QUY MÔ, QUY HOẠCH TỔNG MẶT BẰNG VÀ KIẾN TRÚC, CÔNG NĂNG CÔNG TRÌNH

1. Yêu cầu chung

Công trình trụ Sở làm việc phải được thiết kế hợp lý về quy hoạch, hình thức kiến trúc thể hiện sự uy nghiêm của luật pháp; dây chuyền công năng tối ưu; giao thông mạch lạc; trang thiết bị tiên tiến, hợp chuẩn; gắn bó hài hoà với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh.

2. Yêu cầu về quy mô

- Đối với công trình trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quy mô diện tích ô đất khoảng từ 10.000 m2 đến, tổng diện tích sàn từ 9.000m2 đến 11.000m2, chiều cao công trình 05 tầng và 01 tầng kỹ thuật, phục vụ cho 80 - 120 cán bộ, công chức, người lao động.

- Đối với công trình trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện có quy mô diện tích ô đất khoảng 5.000m2, tổng diện tích sàn từ 2.500m2 đến 4.500m2, chiều cao trung bình khoảng 03 tầng và 01 tầng kỹ thuật, phục vụ cho 30 - 60 cán bộ, công chức, người lao động.

- Các hạng mục phụ trợ chủ yếu bao gồm: Cổng chính, cổng phụ, nhà bảo vệ, sân đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

- Công trình trụ sở làm việc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nên tách thành hai khối (khối làm việc và khối xét xử).

3. Yêu cầu về Quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình

3.1. Quy hoạch tổng mặt bằng

- Công trình xây dựng phải đáp ứng được quy mô và yêu cầu sử dụng phù hợp với hình dáng, vị trí và kích thước khu đất và các chỉ tiêu quy hoạch chung của Đồ án quy hoạch được phê duyệt.

- Giải pháp quy hoạch được xác định cụ thể, phân khu chức năng rõ ràng, mạch lạc; các khu chức năng liên hệ với nhau chặt chẽ, có khoảng cách ly an toàn về cháy nổ.

- Quy hoạch tổng mặt bằng phải được dựa trên mặt bằng hiện trạng khu đất, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có để làm cơ sở nghiên cứu, bố cục không gian kiến trúc phù hợp, tạo sự hài hoà với cảnh quan kiến trúc khu vực, kết nối với các không gian mở.

- Tổng mặt bằng cần bố trí các hạng mục công trình sau: Nhà làm việc, nhà xét xử, nhà công vụ, nhà thường trực, tiếp dân, nhà vệ sinh bên ngoài công trình chính, cổng chính, cổng phụ, nhà xe 2 bánh (đối với cấp huyện), bể nước PCCC và sinh hoạt, hệ thống thoát nước ngoài nhà, hàng rào xây hoặc hàng rào thép, sân đường nội bộ. Diện tích đất còn lại bố trí đất cây xanh và dự phòng.

3.2. Kiến trúc công trình

- Công trình phải có phong cách kiến trúc bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, thích ứng khí hậu vùng miền (tận dụng thông gió, lấy sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí vận hành) và phải thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp. Hình khối nhà làm việc theo kiểu kiến trúc đăng đối, tạo cảm giác cân bằng, ổn định và vững chãi.

- Mặt bằng công năng khu làm việc và khu xét xử phải được bố cục mạch lạc, có hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, phân khu rõ ràng, các khu chức năng liên hệ với nhau thuận lợi.

- Giao thông độc lập giữa hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng, công an dẫn giải, người dân tham gia phiên tòa. Nếu khối làm việc và khối xét xử tách riêng phải được kết nối với nhau bằng hệ thống nhà cầu.

4. Về cơ cấu công năng công trình

4.1. Khối nhà làm việc

Việc xây dựng, bố trí diện tích làm việc của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân phải bảo đảm đáp ứng cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện (được quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân).

- Diện tích các phòng làm việc theo chức danh và diện tích dùng chung được tính toán trên cơ sở theo Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ.

- Diện tích bãi để xe và gra xe (xe đạp, xe máy, ô tô) được tính toán trên cơ sở sau: Số chỗ để xe của cán bộ, công chức, người lao động tương đương khoảng 85% đến 95% tổng số biên chế và hợp đồng trong cơ quan, số lượng xe của khách đến liên hệ công việc tương đương khoảng 15% đến 25% tổng số chỗ để xe của cơ quan.

4.2. Khối nhà xử án

Theo đặc thù xét xử của Tòa án nhân dân, diện tích khối nhà xử án cần bố trí diện tích các không gian đặc thù sau:

- Diện tích dành cho phòng xử án;

- Diện tích cho các phòng chức năng phục vụ phòng xử án bao gồm: Phòng nghị án, phòng luật sư, phòng đại diện Viện kiểm sát, phòng Hội thẩm nhân dân, phòng Công an hỗ trợ tư pháp, phòng tạm giam, phòng cách ly, phòng lấy lời khai...

- Diện tích dành cho một số phòng đặc thù khác: Phòng theo dõi phiên toà, phòng truyền thông (báo chí), phòng tố tụng...

- Diện tích hành lang dẫn giải dành riêng cho nghi phạm, phạm nhân;

Ngoài ra còn diện tích chiếm chỗ của hành lang, cầu thang, tường, cột,...

4.2.1. Phòng xử án

- Phòng xử án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động bao gồm các không gian dành cho Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng và người tham gia phiên tòa. Trong đó:

Diện tích dành cho Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng có kích thước tối thiểu chiều ngang từ 8m đến 10, sâu 12m đến 15m (Theo Thông tư 01/2017/TT- TANDTC);

Diện tích dành cho người tham dự phiên tòa là 0,8m2/người * số người (Phụ lục B, TCVN4601:2012).

- Phòng xử án gia đình và người chưa thành niên: Hội đồng xét xử ngồi cùng mặt bằng với người tham gia tố tụng và tố tụng khác trong hội trường (Theo Thông tư 02/TT-TANDTC).

4.2.2. Hội trường trên 100 chỗ (Đối với TAND tỉnh)

Tòa án nhân dân tỉnh hàng năm thực hiện công tác tổng kết rút kinh nghiệm, hội thảo chuyên đề xét xử, kỷ niệm các ngày lễ của ngành, tổ chức các hội thi, tổng kết năm... nên cần có một hội trường đủ tiêu chuẩn để thực hiện các công việc trên.

4.2.3. Phòng nghị án

Mỗi phòng xử án cần có một phòng nghị án đi kèm. Phòng nghị án được bố trí để Hội đồng xét xử họp và đưa ra các phán quyết, bản án. Phòng nghị án cần bố trí một bàn họp 5 chỗ cùng phòng vệ sinh khép kín.

4.2.4. Phòng cho Hội thẩm nhân dân

Một Hội đồng xét xử sơ thẩm thường có sự tham gia của 2 Hội thẩm nhân dân; các Hội thẩm nhân dân sẽ cần có phòng để thảo luận chuyên môn, diện tích phòng phải bảo đảm kê được 1 bộ bàn ghế.

4.2.5. Phòng cho Luật sư

Theo thống kê thực tế mỗi phiên tòa thường có từ 2 đến 3 luật sư tham gia, cá biệt một số phiên tòa có trên 20 luật sư. Mỗi phòng xử án phải có một phòng luật sư.

4.2.6. Phòng cho đại diện Viện Kiểm sát

Một Hội đồng xét xử sẽ có sự tham gia của 2 Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên cần có phòng để thảo luận chuyên môn, diện tích phòng phải bảo đảm kê được 1 bộ bàn ghế họp.

4.2.7. Phòng cho nhân chứng

Phòng nhân chứng phải có diện tích phù hợp, bố trí bàn, ghế để phục vụ từ 5 người đến 10 người.

4.2.8. Phòng công an và buồng tạm giam

Mỗi khu xử án hình sự cần bố trí một phòng công an quản lý hai buồng tạm giam (một buồng nam, một buồng nữ). Buồng tạm giam phải có sức chứa từ 5 đến 10 nghi phạm và có phòng vệ sinh gắn liền, mỗi một nghi phạm có hai công an dẫn giải.

4.2.9. Phòng kỹ thuật theo dõi phiên toà

Trong phòng kỹ thuật theo dõi phiên toà cần trang bị một màn hình lớn, một bộ bàn ghế họp cho lãnh đạo, Thẩm phán liên quan và đại diện các cơ quan hữu quan.

4.2.10. Phòng thông tin truyền thông

Mỗi khu xét xử nên bố trí một phòng thông tin truyền thông để họp báo khi cần thiết. Diện tích phòng có sức chứa tối thiểu 30 người.

4.2.11. Phòng dành cho người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự và người giám hộ, phòng dành cho người bị bệnh truyền nhiễm

Mỗi phòng xử án cần bố trí một phòng dành cho người khuyết tật, một phòng dành cho người mất năng lực hành vi dân sự và người giám hộ, một phòng dành cho người bị bệnh có khả năng truyền nhiễm.

4.2.12. Phòng chức năng của Toà gia đình và người chưa thành niên

Theo quy định tố tụng, tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế bảo vệ quyền trẻ em UNICEF cần bố trí các phòng chức năng của Toà gia đình và người chưa thành niên gồm: Phòng hòa giải, phòng chơi trẻ em, phòng theo dõi tâm lý trẻ em, phòng riêng tư, phòng tư vấn đặc biệt và phòng y tế. Trong đó:

- Phòng chơi trẻ em có diện tích khoảng 30m2.

- Phòng y tế cần bố trí đầy đủ các thiết bị y tế cơ bản trong công tác sơ cứu và có giường bệnh.

- Phòng hòa giải, tư vấn đặc biệt, theo dõi tâm lý trẻ và riêng tư có diện tích phù hợp, tối thiểu phải bố trí được một bộ bàn ghế họp.

4.2.13. Phòng tố tụng

Phòng tố tụng là nơi thực hiện các thủ tục tố tụng, được bố trí để các cán bộ, công chức Tòa án làm việc với những người liên quan đến vụ án như bị can, bị hại, luật sư. Tần suất sử dụng của các phòng tố tụng là rất lớn, phục vụ cho tất cả các loại án. Phòng tố tụng được bố trí có bàn để các bên ngồi làm việc.

4.2.14. Phòng họp Ủy ban Thẩm phán (Đối với TAND tỉnh)

Ủy ban Thẩm phán gồm Chánh án, các Phó Chánh án và Thẩm phán là thành
viên. Ủy ban thẩm phán có nhiệm vụ thảo luận về việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, tổng kết kinh nghiệm xét xử, thảo luận, xem xét các quyết định của Chánh án đối với các bản án thực hiện thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm và được họp định kỳ theo tuần.

Phòng họp của Ủy ban thẩm phán có diện tích đảm bảo để phục vụ từ 15 đến 20 Thẩm phán, phòng được bố trí theo mô hình bàn tròn.

4.2.15. Diện tích chiếm chỗ của cột, tường, hộp kỹ thuật, hộp chứa điều hòa, cầu thang và hành lang

Diện tích chiếm chỗ của cột, tường, hộp kỹ thuật, hộp chứa điều hòa; cầu thang, tính bằng 15% tổng diện tích sàn xây dựng (TCVN 4601:2012).

Để bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử và việc dẫn giải nghi phạm thì khối nhà xét xử cần bố trí hành lang riêng cho hoạt động này. Diện tích của hành lang chung và hành lang dành riêng cho Hội đồng xét xử và dẫn giải nghi phạm lấy bằng 20% diện tích chuyên dụng của khối nhà xét xử.

4.3. Các phòng đặc thù khác

4.3.1. Phòng tiếp công dân

Phòng tiếp công dân thường phục vụ trung bình từ 50-100 công dân/ngày, phải được bố trí ở vị trí thuận lợi cho người dân đến liên hệ làm việc.

4.3.2. Trung tâm hoà giải, đối thoại

Trung tâm hoà giải thường có tần suất làm việc cao. Theo thống kê tại một số đơn vị đang thực hiện thí điểm thì trung bình 1 năm trung tâm giải quyết gần 1000 vụ việc trong đó chủ yếu là các tranh chấp dân sự và hôn nhân, gia đình.

Trung tâm hòa giải, đối thoại được bố trí một phòng họp hòa giải lớn, ngoài ra còn có phòng làm việc của người làm đơn, hòa giải viên và khu vực chờ của người đến hòa giải.

4.3.3. Kho chuyên dùng

Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện cần bố trí hệ thống kho lưu trữ chuyên dùng phục vụ việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ các loại án. Trong kho chuyên dùng phải bố trí phòng kỹ thuật quản lý, sao lưu, số hóa bản án.

Diện tích kho chuyên dùng tính toán theo đúng quy định tại Văn bản 287/LTNN-KH ngày 03/7/2000 của Cục Lưu trữ Nhà nước về việc hướng dẫn lập dự án và kế hoạch đầu tư xây dựng cải tạo lưu trữ. Cơ sở tính toán diện tích kho chuyên dùng phụ thuộc vào số lượng án của từng đơn vị thống kê trong 10 năm gần nhất và định hướng phát triển trong giai đoạn 30 năm đến 50 năm tiếp theo.