Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5407/UBND-KT
V/v tăng cường phối hợp, hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo.

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2015

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội;
- Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội;
- Các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng;
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã;
- Cục thi hành án dân sự Hà Nội.

Ngày 28 tháng 7 năm 2015, Lãnh đạo UBND Thành phố và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2015 và công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2013; ý kiến kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” (Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến như sau:

1. Đánh giá cao những cố gắng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và các TCTD trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội trong việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD, giải quyết nợ quá hạn, nợ xấu. Kết quả đạt được cho thấy có sự cải thiện: tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng tốt hơn; đã có giải pháp để giải quyết nợ xấu, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng; góp phần củng cố, ổn định, phát triển hệ thống các TCTD trên địa bàn Thành phố. .

2. Việc tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu: Do cơ chế, chính sách vẫn còn tồn tại, bất cập, nhiều nội dung phải vận dụng để thực hiện; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành liên quan, đặc biệt Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực, chủ động phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội xử lý các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trên nguyên tắc vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hiện có; trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xem xét, chỉ đạo theo thẩm quyền.

3. Việc xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đòi hỏi sự tập trung, quyết liệt hơn nữa của các TCTD, đồng thời với sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn Thành phố. Để việc xử lý nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản đạt kết quả tích cực, yêu cầu:

- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương; Các sở, ngành: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội; Và đề nghị các cơ quan thuộc khối nội chính (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an thành phố Hà Nội): hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho các TCTD trong việc xử lý tài sản đảm bảo; tăng cường phối hợp, tạo điều kiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trong thời gian sớm nhất; tích cực, xem xét xử lý các kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và các TCTD để xử lý các vấn đề liên quan đến thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm (tài sản đảm bảo là bất động sản; tài sản đảm bảo khi không có mặt chủ sở hữu; tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu chây ì, trì hoãn không chuyển giao; tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải,...) để thu hồi nợ vay cho các TCTD nhanh chóng, kịp thời theo quy định.

- Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tạo điều kiện cho các TCTD và bên mua tài sản khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng tài sản, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đảm bảo sau khi được các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

- Sở Tư pháp tăng cường nhân lực, vật lực, nâng cấp các tổ chức bán đấu giá tài sản để hỗ trợ các TCTD xử lý tài sản đảm bảo đấu giá kịp thời.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các TCTD trên địa bàn Thành phố chủ động liên hệ các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn, phối hợp xử lý tài sản đảm bảo; đồng thời nâng cao chất lượng thẩm định các khoản vay, đặc biệt các khoản vay có tài sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định để hạn chế tối đa nợ xấu, cũng như các khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản đảm bảo sau này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như đề gửi;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- PCT Vũ Hồng Khanh; Lê Hồng Sơn; Nguyễn Văn Sửu;
- VPUB: CVP, PCVP Kỳ, Hoạt, KT, TN, NC, TH;
- Lưu: VT, KT (hạnh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu