Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 541/BXD-KTXD
V/v kiến nghị của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Đấu thầu

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1188/VPCP-ĐMDN ngày 13/02/2019 của Văn phòng Chính phủ đề nghị trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Đấu thầu Việt Nam. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Vấn đề số 1: Một số vấn đề liên quan tới công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng:

Câu hỏi số 01:

Định mức dự toán công tác lợp mái, che tường bằng fibro xi măng, tôn tráng kẽm, tấm nhựa mã hiệu AK.12000 tại Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng chưa bao gồm hao phí để làm tấm úp nóc.

Câu hỏi số 02:

Chi phí quản lý dự án quy định tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng thì xác định theo định mức tỷ lệ đã bao gồm chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư.

Theo Quyết định số 79/QĐ-BXD, chi phí quản lý dự án được tính trên cơ sở chi phí xây dựng và thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) nhân với định mức quy định. Trường hợp chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án thì chi phí quản lý dự án trong hợp đồng tư vấn được tính thuế giá trị gia tăng.

Câu hỏi số 03:

Đối với Dự án chỉ cải tạo, sửa chữa đơn thuần (không có mở rộng và tính toán kết nối với công trình hiện có...), thì chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không được điều chỉnh với hệ số k=1,15 như các dự án cải tạo, sửa chữa mở rộng có tính toán kết nối với công trình hiện có.

Câu hỏi số 4:

Công tác thiết kế xây dựng thực hiện theo nhiệm vụ thiết kế được duyệt. Chi phí thiết kế xây dựng xác định theo Quyết định số 79/QĐ-BXD để hoàn thành các công việc thiết kế gồm: thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, lập dự toán xây dựng, lập chỉ dẫn kỹ thuật, lập quy trình bảo trì công trình, giám sát tác giả và mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Trường hợp khi áp dụng định mức tỷ lệ chi phí thiết kế xây dựng hướng dẫn tại mục IV Quyết định số 79/QĐ-BXD không phù hợp hoặc có một số công việc không cần thực hiện thì chi phí thiết kế xây dựng xác định bằng cách lập dự toán theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Câu hỏi số 5:

Đối với dự án có nhiều loại, cấp công trình khác nhau khi phê duyệt dự án người quyết định đầu tư căn cứ loại, cấp công trình cao nhất của dự án để phê duyệt. Do đó, khi triển khai các bước tiếp theo cần xác định lại từng loại, cấp công trình trong dự án theo hướng dẫn Thông tư số 03/2016/TT-BXD để lập và quản lý chi phí.

Câu hỏi số 6:

Tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định về thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng. Thẩm quyền phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư của Người quyết định đầu tư hoặc người được ủy quyền; đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phê duyệt. Người quyết định đầu tư có thể ủy quyền cho chủ đầu tư phê duyệt; trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư thì Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phê duyệt.

Câu hỏi số 7:

Theo quy định về hợp đồng xây dựng liên quan đến giá hợp đồng tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết hợp đồng xây dựng:

“- Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng..., trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện.

- Giá hợp đồng theo đơn giá cố định được xác định trên cơ sở đơn giá cố định cho các công việc ...là đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng...”

Đơn giá dự thầu của đơn vị trúng thầu phù hợp với nội dung hồ sơ mời thầu (hồ sơ dự thầu), do đó không được điều chỉnh hao phí vật liệu (cấp phối) bê tông xi măng cũng như bê tông nhựa theo thực tế.

Câu hỏi số 8:

Mục 5.12 phần Hướng dẫn về đo bóc công tác xây dựng cụ thể Quyết định số 451/QĐ-BXD ngày 23/5/2017 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng công bố Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình quy định “ ...Chiều dài của các bộ phận gỗ được đo là tổng chiều dài không trừ mối nối và mối ghép...”, do đó khi xác định khối lượng công tác khuôn cửa gỗ không cần trừ chỗ giao nhau giữa thanh ngang và thanh đứng.

Câu hỏi số 9:

Việc áp dụng, vận dụng định mức phải đảm bảo phù hợp với hướng dẫn, quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phù hợp với điều kiện thi công, tính chất của công tác thi công. Việc áp dụng mã định mức cho các công tác, khối lượng hạng mục nằm dưới cốt +0.00 theo định mức phần móng tùy thuộc vào từng công việc cụ thể phù hợp (như: đáy bể phốt, giằng móng...).

Câu hỏi số 10:

Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1129/QĐ-BXD ngày 07/12/2009 của Bộ Xây dựng về công bố định mức dự toán xây dựng công trình - phần sửa chữa chỉ áp dụng đối với công trình có quy mô nhỏ (chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật). Ngày 09/11/2017 Bộ Xây dựng công bố định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng kèm Quyết định số 1149/QĐ-BXD thay thế Quyết định số 1129/QĐ-BXD. Trường hợp công trình cải tạo, sửa chữa và bảo dưỡng có quy mô lớn phải lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì không áp dụng định mức này mà áp dụng định mức dự toán sửa chữa công trình xây dựng công bố kèm công văn số 1778/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng.

2. Vấn đề số 04: Một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình:

Câu hỏi số 11:

Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ và Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định nhà thầu thi công phải lập nhật ký thi công xây dựng nhưng không quy định bắt buộc lập bằng hình thức sổ nhật ký. Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu thi công về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD. Tuy nhiên, nội dung nhật ký thi công xây dựng phải bao gồm các thông tin chủ yếu theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 26/2016/TT-BXD.

Câu hỏi số 12:

Theo quy định tại Điều 148 Luật Xây dựng 2014khoản 2 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, các cá nhân tham gia giám sát thi công xây dựng công trình và ký các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát thi công xây dựng theo quy định tại Điều 120 Luật Xây dựng 2014, Điều 26 Nghị định số 46/2015/NĐ-CPĐiều 7 Thông tư số 26/2016/TT-BXD phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định. Trường hợp Tư vấn giám sát trưởng không có chứng chỉ hành nghề phù hợp với loại công trình là vi phạm quy định, phải xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

Câu hỏi số 13:

Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Thông tư số 26/2016/TT-BXD không có quy định đơn vị thí nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm xây dựng phải độc lập, khách quan với nhà thầu thi công xây dựng. Tuy nhiên, đơn vị thí nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm xây dựng phải đáp ứng các điều kiện năng lực theo quy định.

Câu hỏi số 14:

Việc đưa ra các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu để lựa chọn được nhà thầu có năng lực phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu do bên mời thầu quyết định và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu. Nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng thì phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và được cấp chứng chỉ năng lực đối với các lĩnh vực theo quy định tại Điều này.

Trường hợp nhà thầu được lựa chọn khi tham gia hoạt động xây dựng không có chứng chỉ năng lực hoặc có chứng chỉ năng lực với lĩnh vực, hạng không phù hợp thì bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Câu hỏi số 15:

- Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ “2. Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:

+ Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

+ Công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).”

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không sử dụng cho mục đích tôn giáo có tổng mức đầu tư đúng bằng 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) không thuộc đối tượng tại quy định điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Theo đó, các dự án này phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Câu hỏi số 16:          

Tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014 quy định “Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư: xây dựng mới, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án”, do đó đối với dự án chỉ mua sắm trang thiết bị máy móc và không có chi phí xây dựng thì không được coi là dự án có cấu phần xây dựng.

Câu hỏi số 17:

Việc chấp thuận của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư trong câu hỏi được thể hiện bằng văn bản. Hình thức việc chấp thuận tùy thuộc quyết định của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư, có thể bằng công văn trả lời hoặc bằng một quyết định cụ thể.

Câu hỏi số 18:

Việc điều chỉnh thiết kế thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 18/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 quy định chi tiết về hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Việc điều chỉnh thiết kế có thể ảnh hưởng đến điều chỉnh hợp đồng bao gồm điều chỉnh giá, điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh tiến độ hợp đồng các bên căn cứ vào nội dung hợp đồng ký kết, văn bản pháp luật liên quan để tiến hành điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp.

Nội dung câu hỏi chưa nêu rõ việc thay đổi thiết kế có thuộc phạm vi Điều 17 Thông tư 18/2016/TT-BXD hay không nên Bộ Xây dựng chưa có cơ sở để hướng dẫn.

Câu hỏi số 19:

Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên, phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, dự án điều chỉnh và các quy định của pháp luật áp dụng cho hợp đồng.

Khi phát sinh công việc mới hợp lý các bên căn cứ quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 thỏa thuận phụ lục hợp đồng trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiến độ thực hiện hợp đồng.

Trường hợp bổ sung phát sinh có giá trị trên 01 tỷ đồng thì vẫn thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, KTXD (Lan).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Phạm Khánh