Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
CỤC CON NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 543/CCN-PL&QLCNTN
V/v quán triệt công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2019

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Kể từ khi Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành đến nay, công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước trên toàn quốc đã được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước trong thời gian qua cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Một số hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi chưa hợp lệ và chưa đầy đủ, thiếu một số giấy tờ theo quy định tại Điều 17, khoản 1 Điều 18 của Luật nuôi con nuôi như Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi hoặc Giấy khai sinh của trẻ em được nhận làm con nuôi.

- Vẫn còn một số trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch chưa tiến hành thủ tục lấy ý kiến của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi hoặc có lấy ý kiến nhưng không bảo đảm thời hạn thay đổi ý kiến theo quy định; chưa kiểm tra kỹ mục đích của việc nuôi con nuôi, dẫn đến vẫn còn một số trường hợp đăng ký việc nuôi con nuôi nhằm hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trả lại trẻ em đã được nhận làm con nuôi.

- Việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 23 của Luật nuôi con nuôi chưa được thực hiện nghiêm túc;

- Việc lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi chưa được quan tâm;

- Vẫn còn tình trạng người dân tự ý mang trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng mà không đăng ký khai sinh và đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền; tình trạng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài thường trú tại Việt Nam mà chưa được ưu tiên tìm gia đình thay thế trong nước.

Để khắc phục tình trạng trên đây, Cục Con nuôi đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nghiêm túc thực hiện những nội dung sau đây:

1. Về hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi:

- Chỉ đăng ký việc nuôi con nuôi khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 17 và khoản 1 Điều 18 của Luật nuôi con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi là một cặp vợ chồng thì phải có đủ giấy tờ của cả bên vợ và bên chồng.

- Trường hợp công dân xuất trình bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm đối chiếu, ký và ghi rõ họ tên để xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

2. Về thủ tục và thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi

- Khi đăng ký việc nuôi con nuôi, công chức tư pháp - hộ tịch phải kiểm tra mục đích của việc nuôi con nuôi để bảo đảm mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm con nuôi được chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình theo quy định tại Điều 2 của Luật nuôi con nuôi;

- Trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi có cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ thì công chức tư pháp - hộ tịch phải lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi. Sau khi lấy ý kiến, công chức tư pháp - hộ tịch phải đợi hết 15 ngày kể từ ngày lấy ý kiến mà những người liên quan không thay đổi ý kiến thì mới trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

3. Về công tác lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi

Hồ sơ lưu trữ gồm các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 17, khoản 1 Điều 18 của Luật nuôi con nuôi, Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, Biên bản giao nhận con nuôi và 06 báo cáo tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi. Giấy tờ trong hồ sơ phải được sắp xếp theo thứ tự quy định tại Điều 17 và khoản 1 Điều 18 của Luật nuôi con nuôi. Hồ sơ phải được bảo quản an toàn để tránh thất lạc, hư hỏng, ẩm ướt, mối mọt.

4. Về tình trạng người dân tự ý mang trẻ em về nuôi dưỡng

Việc người dân tự ý đem trẻ em về nuôi dưỡng khi không có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao chăm sóc thay thế, chăm sóc tạm thời hoặc chưa đăng ký việc nuôi con nuôi là thực tiễn trái quy định pháp luật về trẻ em, hộ tịch và nuôi con nuôi, tiềm ẩn nguy cơ mua bán trẻ em. Vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã cần chủ động rà soát các trường hợp người dân tự ý đem trẻ em về nuôi dưỡng, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký khai sinh, nếu đủ điều kiện thì đăng ký nuôi con nuôi theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo lợi ích của trẻ em. Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi phải được xác minh kỹ lưỡng.

Ngoài việc chỉ đạo thực hiện những nội dung trên đây, Sở Tư pháp cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai sót và có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền để tránh xảy ra những sai sót tương tự và hạn chế tình trạng người dân tự ý nhận trẻ em về nuôi dưỡng mà không đăng ký việc nuôi con nuôi.

5. Về đối tượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài thường trú tại Việt Nam

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật nuôi con nuôi, trẻ em Việt Nam được ưu tiên giải quyết cho làm con nuôi của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước trước khi được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Vì vậy, Sở Tư pháp chỉ tiếp nhận hồ sơ của người nước ngoài thường trú tại Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi khi trẻ em đã được thông báo tìm gia đình thay thế trên toàn quốc nhưng chưa có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi.

Trên đây là hướng dẫn của Cục Con nuôi nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước trong thời gian qua. Cục Con nuôi đề nghị Sở Tư pháp nghiêm túc thực hiện và kịp thời báo cáo Cục Con nuôi nếu có phát sinh vướng mắc./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng phụ trách (để báo cáo);
- Lưu: VT, Phòng PL&QLCNTN.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hảo