BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5463/BTP-TGPL | Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2013 |
Kính gửi: | Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Trong những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về nhiều mặt, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách khác trong xã hội. Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được hình thành, củng cố, phát triển và hướng về cơ sở, góp phần đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý tại chỗ của người được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý ở một số địa phương đã gặp những khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Chi nhánh). Một số địa phương thành lập Chi nhánh phù hợp với tình hình thực tế, căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, có Trưởng Chi nhánh là Trợ giúp viên pháp lý, có kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm. Nhìn chung, các Chi nhánh này hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, một số địa phương thành lập Chi nhánh dàn trải ở nhiều huyện, dẫn đến tình trạng thiếu biên chế, cơ sở vật chất và hoạt động kém hiệu quả, thậm chí hình thức.
Thứ hai, một số địa phương thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý nhưng chỉ căn cứ vào nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình 135 giai đoạn II, Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005 - 2009”… mà chưa xuất phát từ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, năng lực tổ chức triển khai thực hiện của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm) dẫn đến hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý chưa cao.
Thứ ba, mức kinh phí ngân sách địa phương cấp cho các Trung tâm không đồng đều, một số địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, do đó mức kinh phí cấp cho Trung tâm còn hạn chế, chưa bảo đảm cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm (như trợ giúp pháp lý lưu động, cử Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng…), cơ sở vật chất còn thiếu thốn (chưa có phòng tiếp dân tại tầng 1, ô tô phục vụ trợ giúp pháp lý lưu động). Cần nhấn mạnh rằng, từ khi thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý đến trước năm 2010, hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã nhận được nguồn kinh phí khá lớn từ nguồn vốn ODA. Bắt đầu vào năm 2010, nguồn hỗ trợ này chấm dứt vì Việt Nam đã chuyển từ nhóm các nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình và nguồn vốn ODA không còn nữa. Trong khi đó, kinh phí cấp cho Trung tâm vẫn theo định mức biên chế sự nghiệp như các đơn vị sự nghiệp có thu khác mà chưa tính đến đặc thù, tính chất miễn phí, không có thu của hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì vậy, hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khá khó khăn.
Xuất phát từ tình hình nêu trên, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để đề xuất những điều chỉnh cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện một số việc sau đây:
1. Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn các Chi nhánh đã thành lập tại địa phương theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Đối với các Chi nhánh thành lập không đúng quy định, không căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có Trợ giúp viên pháp lý, Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh cho phù hợp theo hướng thành lập Tổ cộng tác viên theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30/7/2012 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Chỉ thành lập mới Chi nhánh, nếu có nhu cầu cao về trợ giúp pháp lý ở địa bàn, có nguồn lực cán bộ (Trợ giúp viên pháp lý), đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất.
2. Yêu cầu Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, củng cố, kiện toàn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã thành lập; không nhất thiết thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở tất cả các
xã, phường, thị trấn mà phải trên cơ sở đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân. Khi thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 cũng cần lưu ý đến nhu cầu trợ giúp pháp lý, đánh giá tính khả thi bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
3. Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tăng mức kinh phí bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý, kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, đặc biệt 05 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách địa phương do ngân sách Trung ương hỗ trợ và không được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo (Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Long)[1]; bổ sung kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của địa phương liên quan đến giảm nghèo và các đối tượng trợ giúp pháp lý.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của đồng chí./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 1534/QĐ-BTP năm 2020 về Kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 kèm theo Quyết định 749/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Quyết định 1543/QĐ-BTP năm 2015 về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Quyết định 59/2012/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 07/2012/TT-BTP hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 5 Công văn số 711/BTP-TGPL về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý năm 2008 do Bộ Tư pháp ban hành
- 6 Nghị định 07/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý
- 7 Luật trợ giúp pháp lý 2006
- 1 Công văn số 711/BTP-TGPL về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý năm 2008 do Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Công văn số 664/TTg-QHQT về việc dự án "Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam-giai đoạn IV" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 1324/TTg-QHQT về thỏa thuận dự án Tăng cường trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2010 – 2013 do Thụy Sĩ tài trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1543/QĐ-BTP năm 2015 về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 5 Quyết định 1534/QĐ-BTP năm 2020 về Kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 kèm theo Quyết định 749/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành