Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5371/BGTVT-KCHT
V/v: Thành lập đường ngang tại Km 404 + 898, bãi bỏ đường ngang tại 405 + 061 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2013

 

Kính gửi: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải nhận được công văn số 1049/ĐS – CSHT ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cho phép cải tạo, dịch chuyển đường ngang có người gác tại Km 405 + 061 đến vị trí tại Km 404 + 898 tuyến đường sắt Hà Nội – tp Hồ Chí Minh; các văn bản có liên quan gồm có: Quyết định số 4149/QĐ – BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải duyệt điều chỉnh dự án “ Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh”; Quyết định số 1018/QĐ – ĐS ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Đường sắt Việt Nam về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu xây lắp số 1 (CP1) thi công xây dựng 17 cầu, đường dẫn 2 đầu cầu và các công trình liên quan gồm: Các đường ngang, cống hộp, đường chui dưới cầu thuộc phạm vi đường 2 đầu cầu – Dự án 44C; công văn số 664/RPMU – PD1 ngày 09 tháng 4 năm 2013 về việc thành lập đường ngang cấp III có người gác tại Km 404 + 898 tuyến đường sắt Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh của Ban quản lý các dự án Đường sắt; Mặt bằng đường ngang tại Km 404 + 898 tuyến đường sắt Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh; biên bản kiểm tra hiện trường ngày 25 tháng 5 năm 2013. Sau khi nghiên cứu, xem xét, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

1. Trong dự án: “ Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh (dự án 44 cầu)” có đầu tư xây dựng cầu Tân Đức là 01 cầu trong 44 cầu. Đường ngang có người gác tại Km 405 + 061 (lý trình đường sắt) là giao cắt giữa đường sắt tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh với tuyến đường bộ liên xã và mỏ đá La Khê thuộc địa phận xã Hương Hóa huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Đường ngang này nằm cách mố cầu phía Bắc của cầu Tân Đức là 40,9m (nhỏ hơn 100m) vi phạm Điểm b Khoản 1 Điều 13 của Thông tư quy định về Đường ngang. Vì vậy, để thực hiện theo quy định của Thông tư nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi đi qua tuyến đường này, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho phép thành lập đường ngang cấp III phòng vệ bằng cần chắn tại Km 404 + 898 tuyến đường sắt Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh, đồng thời bãi bỏ đường ngang tại Km 405 + 061 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.

2. Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét hồ sơ đề nghị cấp phép, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế các yếu tố không bảo đảm theo quy định của Thông tư quy định về đường ngang và ra quyết định cho phép thành lập đường ngang cấp III phòng vệ bằng cần chắn tại Km 404 + 898 tuyến đường sắt Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh, đồng thời bãi bỏ đường ngang tại Km 405 + 061 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.

3. Kinh phí khảo sát, thiết kế, xây dựng đường ngang mới tại Km 404 + 898, giải phóng mặt bằng và tháo dỡ đường ngang cũ tại Km 405 + 061, chuyển giao thông sang khu vực đường ngang mới tại Km 404 + 898 do Ban quản lý Các dự án Đường sắt chi trả cho đơn vị thực hiện từ nguồn kinh phí trong dự án: “ Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – tp. Hồ Chí Minh”.

4. Kinh phí quản lý, bảo trì đường ngang và tổ chức phòng vệ đường ngang tại Km 404 + 898 do Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh và Công ty TNHH MTV TTTH đường sắt Vinh thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo kế hoạch nhà nước cân đối hàng năm cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phối hợp thực hiện việc cải tạo, dịch chuyển đường ngang nói trên để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Đinh La Thăng (để báo cáo);
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Ban quản lý các dự án Đường sắt;
- Công ty TNHH MTV QLĐS Nghệ Tĩnh;
- Công ty TNHH MTV TTTH Đường sắt Vinh,
- Lưu: VT, KCHTGT (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông