Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5540/SYT-VP
V/v tăng cường truyền thông về sự cần thiết và hiệu quả của tiêm vc xin phòng COVID-19 ở trẻ em

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi:

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức;
- Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố;
- Trung tâm Y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức;
- Bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu gia tăng trở lại, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã triển khai Kế hoạch số 2649/KH-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2022 về tổ chức tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hơn 01 tuần triển khai tháng cao điểm, số trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi được tiêm chủng có cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nằm trong danh sách các tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ thấp nhất so với tỷ lệ trung bình cả nước. Điều này thực sự đáng lo ngại khi số ca mắc mới tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có khuynh hướng tăng cao trở lại. Một trong những nguyên nhân chính của tình hình tiêm chủng trẻ em trên địa bàn Thành phố còn thấp, đó là: nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cho trẻ em ở một bộ phận phụ huynh học sinh chưa cao, trong đó công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân Thành phố đã triển khai tin nhắn đến từng người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố để kêu gọi người dân đi tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, Sở Y tế và Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp triển khai gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về ý nghĩa và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. Theo đó, Ngành y tế chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung tin nhắn, Sở Giáo dục chịu trách nhiệm triển khai nhắn tin qua kênh thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh sẵn có của các trường học.

Nhằm tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông, vận động phụ huynh tích cực đưa con em đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại, Sở Y tế đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

- Các cơ quan thông tin, truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, trang mạng xã hội tăng cường công tác truyền thông về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai và kiểm tra việc thực hiện nhắn tin (do Sở Y tế biên soạn về ý nghĩa và lợi ích của tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi) đến từng phụ huynh học sinh, cả phụ huynh đã đồng thuận và chưa đồng thuận việc tiêm vắc xin cho trẻ em; triển khai nhắn tin qua kênh thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh sẵn có của các trường học. Tăng cường hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai tin nhắn đến phụ huynh học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chịu trách nhiệm giới thiệu nội dung tương ứng với từng phương thức truyền thông để các cơ sở y tế tham khảo, chọn lựa cho phù hợp với đặc điểm và loại hình của từng cơ sở. Tiếp tục tham khảo, chọn lọc và chuyển tải sang tiếng Việt các đồ họa thông tin (Infographic) của Tổ chức Y tế Thế giới về hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 để giới thiệu và hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện.

- Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, phòng khám...) trên địa bàn có trách nhiệm triển khai hoạt động truyền thông về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến người bệnh, thân nhân người bệnh.

Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ triển khai công tác truyền thông trên địa bàn, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ em, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin ở trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực UBND TP (để báo cáo);
- Sở Thông tin và Truyền thông (để phối hợp);
- Các cơ quan báo đài;
- Ban Giám đốc Sở;
- Phòng Y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức.
- Lưu: VT, VPS (TPTT)

GIÁM ĐỐC




Tăng Chí Thượng