Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5565/BTC-TCHQ
V/v thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng điện năng

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được một số phản ánh vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng điện năng. Do mặt hàng điện năng có tính chất đặc thù riêng nên Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện một số nội dung sau:

1. Đăng ký tờ khai hải quan:

Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng điện năng thống nhất lựa chọn một ngày trong tháng làm thời điểm xác nhận chỉ số công tơ đồng hồ đo điện và trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm xác nhận chỉ số công tơ phải đăng ký tờ khai hải quan, Chi cục Hải quan quản lý có trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp cùng doanh nghiệp kiểm tra, giám sát và ký xác nhận bằng biên bản chỉ số công tơ đồng hồ đo điện tại thời điểm xác nhận. Thời điểm xác nhận chỉ số công tơ đồng hồ đo điện sẽ là căn cứ để tính lượng điện từ thời điểm đó đến thời điểm xác nhận chỉ số công tơ đồng hồ đo điện tiếp theo. Trường hợp không thể thực hiện được việc xác nhận chỉ số công tơ đồng hồ đo điện vào thời điểm đã đăng ký với cơ quan Hải quan thì doanh nghiệp phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do để được xem xét thay đổi thời điểm xác nhận.

2. Thời điểm, căn cứ, phương pháp tính thuế và nộp thuế:

Cơ quan hải quan và doanh nghiệp xác định số lượng điện dựa trên chỉ số công tơ đồng hồ đo điện đã xác nhận làm căn cứ để tính thuế và nộp thuế theo quy định tại Điều 92; 98 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

3. Khai bổ sung:

Khai bổ sung hồ sơ hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế; Điều 10 Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012; Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 và Điều 11 Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính. Trường hợp xảy ra sự cố bất thường thì doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính ngay bằng văn bản để được xem xét, hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể.

4. Quản lý và kiểm tra đồng hồ đo công tơ điện:

Đồng hồ đo công tơ điện phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường nhà nước kiểm tra, xác nhận, niêm phong và được kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cơ quan Hải quan có nghi ngờ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc kiểm tra thực tế, giám định đồng hồ đo chỉ số công tơ điện. Kết quả giám định là căn cứ ghi kết quả kiểm tra. Đơn vị giám định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ. Trường hợp không thống nhất được thì cơ quan Hải quan sẽ chỉ định đơn vị giám định là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

5. Công tác giám sát:

- Đảm bảo đường dây dẫn điện được giám sát bằng đồng hồ công tơ đo lượng điện đặt tại bên cung cấp (xuất khẩu) và bên tiêu thụ (nhập khẩu); đồng hồ công tơ phải được niêm phong với sự có mặt của cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan;

- Lập biên bản xác nhận chỉ số của đồng hồ đo khi trước và sau khi xác nhận chỉ số công tơ đồng hồ đo điện hàng tháng.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị báo cáo kịp thời Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để được giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tập Đoàn Điện lực Việt Nam;
- Lưu: VT, TCHQ (43).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn