Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5582/VKSTC-V15
V/v thực hiện chế độ đối với HĐLĐ theo Nghị định 68

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSNDTC (Văn phòng, Cơ quan điều tra, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh);
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ (Nghị định 161) và Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư 03); căn cứ Công văn số 4169/BNV-CCVC ngày 13/8/2020 của Bộ Nội vụ trả lời về nội dung liên quan đến thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, VKSND tối cao hướng dẫn thực hiện Điểm 1, Điểm 2 Điều 4 Thông tư 03 như sau:

1. Đối với cá nhân ký HĐLĐ mới làm công việc quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP, khoản 1 Điều 3 Nghị định 161 kể từ ngày 01/01/2021 thì mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (hiện nay là Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ).

2. Đối với cá nhân đang thực hiện HĐLĐ 68 áp dụng bảng lương theo Nghị định 204 thì chuyển sang thực hiện ký HĐLĐ mới theo Nghị định 161. Căn cứ để xác định mức lương trong hợp đồng mới bằng tổng thu nhập hiện hưởng gồm hệ số lương hiện hưởng cộng với phụ cấp công vụ, được quy đổi ra số tiền, cụ thể như sau:

- Nếu mức lương trong hợp đồng mới thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì được điều chỉnh lên bằng mức lương tối thiểu vùng.

- Nếu mức lương trong hợp đồng mới cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì bằng tổng thu nhập hiện hưởng của người lao động.

Khuyến khích VKSND địa phương, đơn vị khi ký lại HĐLĐ và ký mới HĐLĐ có thể ký với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

3. Để đảm bảo tính công bằng giữa người mới vào làm việc với những người đã có thời gian làm việc khi ký lại HĐLĐ, về nguyên tắc xác định mức lương trong HĐLĐ mới như tại điểm 2, tuy nhiên để bảo đảm tính công bằng có thể xem xét áp dụng 03 mức lương dự kiến như sau:

- Mức 1 thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Áp dụng đối với các trường hợp ký HĐLĐ mới kể từ ngày 01/01/2021.

- Mức 2 = mức lương tối thiểu vùng 600.000đ. Áp dụng đối với ngạch Nhân viên lái xe có thời gian làm việc đủ 04 năm trở lên; Nhân viên bảo vệ, Nhân viên kỹ thuật có thời gian làm việc đủ 06 năm trở lên; Nhân viên phục vụ có thời gian làm việc đủ 10 năm trở lên khi ký lại HĐLĐ mà tổng thu nhập hiện hưởng của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Mức 3 = mức lương tối thiểu vùng 1.000.000đ. Áp dụng đối với ngạch Nhân viên lái xe có thời gian làm việc đủ 08 năm trở lên; Nhân viên bảo vệ, Nhân viên kỹ thuật có thời gian làm việc từ 10 năm trở lên; Nhân viên phục vụ có thời gian làm việc đủ 15 năm trở lên khi ký lại HĐLĐ mà tổng thu nhập hiện hưởng của người lao động thấp hơn mức 2.

Ví dụ 1: Nhân viên lái xe có thời gian công tác 4 năm tại VKSND tối cao, với mức lương hiện hưởng 2.41, có tổng thu nhập là 4.490.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp lương mức 2.

Ví dụ 2: Nhân viên bảo vệ có thời gian công tác 6 năm tại VKSND thành phố Hà Nội, với mức lương hiện hưởng 2.04, có tổng thu nhập là 3.800.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp lương mức 2.

Ví dụ 3: Nhân viên phục vụ có thời gian công tác 10 năm tại VKSND thành phố Hà Nội, với mức lương hiện hưởng 1.90, có tổng thu nhập là 3.538.000đ khi ký lại HĐLĐ thì có thể xếp mức lương mức 2.

4. Khi ký HĐLĐ mới thì không quy định về thời gian nâng lương và mức tăng, chỉ điều chỉnh tỷ lệ % tiền lương tăng thêm đối với HĐLĐ khi Chính phủ ban hành Nghị định về mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ điều chỉnh.

5. Về mức đóng BHXH: theo quy định hiện hành thì mức đóng BHXH của người lao động là 10.5% (gồm 8% BHXH, 1.5% BHYT, 1% BHTN) và người sử dụng lao động đóng 21.5%, khi ký lại HĐLĐ thì mức đóng BHXH, BHTN đối với người lao động thực hiện như hiện nay (10.5%).

6. Thời gian thực hiện ký lại HĐLĐ kể từ ngày 01/01/2021.

Đề nghị đồng chí Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung nêu trên. Nếu có vấn đề gì vướng mắc thì trao đổi về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, giải quyết.

(Kèm theo Công văn này là Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Các đ/c PVT VKSNDTC (để phối hợp);
- Cục 3 (để biết và thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ 15.

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN
TRƯỞNG




Nguyễn Hải Trâm

 

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG

(Theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động)

VÙNG

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG

I

4.420.000 đồng/tháng

II

3.920.000 đồng/tháng

III

3.430.000 đồng/tháng

IV

3.070.000 đồng/tháng