Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5684/CT-TTHT
V/v: Xuất hóa đơn điều chỉnh

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 7 năm 2014

 

Kính gửi:

Công ty Cổ phần Unithai Maruzen Logistics Việt Nam
Địa chỉ: 101 Trần Trọng Cung, P. Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM
Mã số thuế: 0305667888

Trả lời văn bản không ghi ngày (Cục Thuế TP nhận ngày 23/6/2014) của Công ty về xuất hóa đơn điều chỉnh, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Tiết c.2 Khoản 5c Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2013 và hồ sơ khai thuế bắt đầu áp dụng cho tất cả các kỳ tính thuế từ ngày 01/1/2014):

“Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung và tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.

Ví dụ 1: Công ty A vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng, thì Công ty A nộp số tiền thuế tăng thêm 100 triệu đồng, đồng thời tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định để nộp vào NSNN.

Hồ sơ Công ty A nộp cho cơ quan thuế:

- Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh làm tăng thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng;

- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014;

- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong tờ khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).

…”

Căn cứ Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

Trường hợp Công ty theo trình bày, từ tháng 6/2012 đến tháng 4/2014 đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho công ty TNHH Fujita Việt Nam kê khai thuế với thuế suất thuế GTGT 0%, nay Công ty phát hiện thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT không đúng quy định (thuế suất đúng là 10%) thì Công ty và khách hàng lập biên bản điều chỉnh hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót đồng thời Công ty xuất hóa đơn ghi điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT cho hóa đơn số …, ký hiệu …, ngày … theo hướng dẫn nêu trên. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, Công ty lập hồ sơ kê khai thuế bổ sung, điều chỉnh theo mẫu số 01/KHBS theo quy định nêu trên, trường hợp việc kê khai bổ sung, điều chỉnh làm tăng số thuế GTGT phải nộp thì Công ty ngoài việc nộp số tiền thuế tăng thêm, phải xác định số tiền chậm nộp để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- P.KT2;
- P.PC;
- Lưu VT; TTHT.
1996_160705 dttchung

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga