Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
TRUNG TÂM LÝ LỊCH TƯ PHÁP QUỐC GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 577/TTLLTPQG-HCTH
V/v hướng dẫn nghiệp vụ cấp Phiếu LLTP

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2015

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh An Giang

Trả lời Công văn số 353/STP-HCTP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Sở Tư pháp tỉnh An Giang về việc hướng dẫn nghiệp vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có ý kiến như sau:

1. Về vấn đề áp dụng phương thức nhận yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và trả Phiếu lý lịch tư pháp số 2 qua đường bưu chính đối với trường hợp công dân Việt Nam đang học tập, làm việc và cư trú tại nước ngoài

Theo quy định tại khoản 2 điều 46 Luật Lý lịch tư pháp, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, ngày 09/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (sau đây gọi là Đề án). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch, triển khai Đề án, dự kiến Kế hoạch này sẽ được ban hành vào đầu tháng 6/2015.

Theo Đề án, một trong những phương thức cấp Phiếu mới được áp dụng thí điểm là nhận hồ sơ và trả Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính. Phương thức cấp Phiếu này được áp dụng đối với cả 02 loại Phiếu lý lịch tư pháp: Phiếu số 1 và Phiếu số 2. Cũng theo Đề án, ngoài Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 11 Sở Tư pháp chọn điểm, tùy thuộc vào điều kiện, thực tế của địa phương, các Sở Tư pháp khác có thể báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp để thực hiện thí điểm phương thức cấp Phiếu mới này.

Nếu Sở Tư pháp có nhu cầu tiếp nhận hồ sơ và trả Phiếu lý lịch tư pháp số 2 qua dịch vụ bưu chính, đề nghị Quý Sở có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp để triển khai thực hiện thí điểm. Việc thí điểm các phương thức cấp Phiếu mới được thực hiện theo các bước đã nêu tại Đề án thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Về vấn đề giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người chưa thành niên

Theo quy định, tại Điều 18 và khoản 1 các điều 141, 144 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì cha, mẹ, người giám hộ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngày 11/11/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp, theo đó một trong những biểu mẫu được sửa đổi là biểu mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dùng cho cá nhân trong trường hợp ủy quyền (Mẫu số 04/2011/TT-BTP). Biểu mẫu được sửa đổi đã xác định cụ thể đối tượng dùng biểu mẫu là cá nhân trong trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cá nhân là cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 (Mẫu số 04/2013/TT-LLTP).

Do vậy trường hợp người chưa thành niên có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (cả Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2) thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên sẽ là người thực hiện yêu cầu cấp Phiếu và Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được sử dụng theo mẫu số 04/2013/TT-BTP.

3. Về vấn đề cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố hoặc cư trú không liên tục tại Việt Nam

a) Về thời điểm xác nhận thời gian cư trú tại Việt Nam của người nước ngoài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư phápĐiều 19 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, một trong những giấy tờ phải có trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trường hợp người nước ngoài có thời gian cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố hoặc cư trú không liên tục tại Việt Nam thì chỉ cần có giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam do Cơ quan Công an cấp tại thời điểm yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

b) Về thẩm quyền xác nhận thời gian cư trú tại Việt Nam của người nước ngoài

Theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì: “Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi cơ cơ sở lưu trú”. Vì vậy, trường hợp người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì trong hồ sơ yêu cầu cấp  Phiếu lý lịch tư pháp phải có giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.

Theo quy định tại khoản 15 điều 3 và khoản 3 điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì: “Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”; “Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trường hợp người nước ngoài sử dụng giấy xác nhận về thời gian cư trú ở Việt Nam do Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp thay vì giấy chứng nhận thường trú hoặc xác nhận tạm trú được cấp bởi Công an cấp xã nơi người nước ngoài cư trú cấp thì cũng được chấp nhận.

c) Về tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Để có đầy đủ thông tin phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, ngoài việc tra cứu, xác minh thông tin có từ ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực pháp luật (từ ngày 01/7/2010) tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 47 Luật Lý lịch tư phápkhoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT), Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia còn phải phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan để tra cứu, xác minh thông tin có trước ngày 01/7/2010.

Việc phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan để tra cứu, xác minh đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010 được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 56 Luật Lý lịch tư pháp, Chương III Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 và Điều 20, 21, 22 Thông tư liên tịch số 04/2012.

Đối với trường hợp đã được xác định không có án tích trước ngày 01/7/2010 hoặc Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã lập Lý lịch tư pháp của người đó, thì Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia không bắt buộc phải tra cứu thông tin tại cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan theo quy định tại Chương III Nghị định số 111/2010/NĐ-CP (Điều 28 Nghị định số 111/2010/NĐ-CPkhoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2012).

Như vậy, trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại nhiều tỉnh thành phố hoặc cư trú không liên tục tại Viẹt Nam, ngoài việc tra cứu thông tin có từ ngày 01/7/2010 tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp khoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2010), Sở Tư pháp cần phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan để tra cứu, xác minh thông tin có trước ngày 01/7/2010 (trừ trường hợp quy định tại Điều 28 Nghị định số 111/2010/NĐ-CPkhoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2012).

Trên đây là ý kiến của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hướng dẫn thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xin gửi tới Sở Tư pháp tỉnh An Giang để thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền (để b/c);
- Các Phó Giám đốc Trung tâm (để biết);
- Lưu: VT, HCTH.

GIÁM ĐỐC




Hoàng Quốc Hùng