BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5782/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2004 |
Kính gửi: - Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố
Căn cứ Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 118/2003/TT/BTC ngày 08/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06/6/2002 của Chính phủ;
Nhằm cụ thể hoá quy trình xác định giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu quy định tại các Điểm 1.1. 2.2 và 1.2, phần A, Mục I, Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố chi tiết một số điểm như sau:
1. Xác định giá tính thuế các lô hàng nhập khẩu theo đúng đối tượng và trình tự các phương pháp hướng dẫn tại công văn số: 5784/TCHQ-KTTT ngày 29 tháng 11 năm 2004 của Tổng cục Hải quan.
1.1. Đối với các phương pháp xác định giá tính thuế
* Phương pháp so sánh với “Danh mục dữ liệu giá”:
- Bước 1: Tra cứu mặt hàng giống hệt, tương tự có sẵn trong “Danh mục dữ liệu giá” do Tổng cục Hải quan cung cấp hoặc do các Cục Hải quan địa phương xây dựng bổ sung.
- Bước 2: So sánh giá thực tế của lô hàng đang xác định trị giá tính thuế với mặt hàng giống hệt, tương tự có trong “Danh mục dữ liệu giá”, nếu giá thực tế của lô hàng đang xác định trị giá đạt từ 90% trở lên so với trị giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong “Danh mục dữ liệu giá” thì chấp nhận giá thực tế để tính thuế. Trường hợp giá thực tế không đạt 90% so với trị giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong “Danh mục dữ liệu giá” thì cơ quan hải quan xác định giá tính thuế theo trị giá mặt hàng giống hệt, tương tự có trong Danh mục dữ liệu giá.
* Phương pháp so sánh với trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, tương tự đã nhập khẩu
- Bước 1: Tra cứu trị giá hàng hoá giống hệt, tương tự đã nhập khẩu có sẵn trong chương trình GTT22 trong vòng 30 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang cần xác định trị giá tính thuế, điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán với lô hàng nhập khẩu. Nếu không tìm được các lô hàng giống hệt hoặc tương tự xuất khẩu trong khoảng thời gian đó thì lựa chọn các lô hàng được xuất khẩu trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang cần xác định trị giá tính thuế.
- Bước 2: So sánh giá thực tế của lô hàng nhập khẩu đang xác định trị giá với trị giá giao dịch của các hàng hoá nhập khẩu giống hệt, tương tự đã tra cứu tại bước 1. Nếu giá thực tế của lô hàng đang xác định trị giá lớn hơn hoặc bằng trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, tương tự thì chấp nhận giá thực tế để tính thuế. Trường hợp giá thực tế thấp hơn trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, tương tự thì cơ quan hải quan xác định giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, tương tự.
Trường hợp có nhiều trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt, tương tự thì lựa chọn trị giá cao nhất để so sánh.
* Phương pháp khác:
Khi sử dụng phương pháp này, cần xem xét đến các yếu tố cấu thành của hàng hoá nhập khẩu như: Nguyên vật liệu, phương pháp chế tạo, tính năng, công dụng,... để từ đó phân tích đánh giá độ tin cậy của giá thực tế do doanh nghiệp khai báo được dùng để xác định giá tính thuế, nếu có nghi ngờ phải chuyển hồ sơ kèm theo các cơ sở nghi ngờ để bộ phận kiểm tra sau thông quan xác minh, làm rõ.
1.2/ Một số điểm lưu ý khi xác định giá tính thuế:
* Đối với các chi phí mua hàng mà người khai hải quan chưa cộng vào trị giá tính thuế thì công chức hải quan phải cộng vào và ghi vào cột “Trị giá tính thuế”, phần “Kiểm tra thuế” trên tờ khai nhập khẩu để tính thuế.
* Loại trừ các lô hàng đã được xác định giá tính thuế theo trị giá giao dịch hoặc giá thực tế trước đó nhưng độ tin cậy không cao khi so sánh với lô hàng đang xác định trị giá cụ thể:
- Các lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ đã chuyển bộ phận tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan nhưng chưa được làm rõ.
- Các lô hàng nhập khẩu không mang tính chất kinh doanh như: Hàng mẫu, hàng nhập thử với số lượng ít, hàng nhập khẩu để góp vốn đầu tư, hàng nhập khẩu của dự án, hàng tạm nhập tái xuất...
* Khái niệm hàng hoá giống hệt, tương tự được áp dụng linh hoạt, mở rộng hơn khi không tìm được hàng hoá giống hệt, tương tự theo quy định tại Thông tư 118/2003/TT/BTC ngày 08/12/2003 của Bộ Tài chính để so sánh và xác định trị giá cụ thể:
- Mặt hàng có nhiều tính năng, công dụng đi kèm có thể chấp nhận làm hàng hoá tương tự để so sánh với mặt hàng cùng loại có một tính năng cơ bản (VD: Ti vi liền đầu Video thì trị giá thực tế không thể thấp hơn trị giá thực tế của Ti vi cùng loại không có chức năng Video).
- Mặt hàng có phẩm cấp, chất lượng cao hơn có thể chấp nhận làm hàng hoá tương tự để so sánh với mặt hàng cùng loại có phẩm cấp chất lượng thấp hơn.
- Mặt hàng có xuất xứ từ các nước, khối nước phát triển có thể chấp nhận làm hàng hoá tương tự để so sánh với mặt hàng cùng loại có xuất xứ từ các nước, khối nước chưa phát triển, đang phát triển.
1.3/ Cơ sở xác định giá tính thuế:
* Khi xác định giá tính thuế, công chức Hải quan phải in và lưu trữ cùng hồ sơ nhập khẩu các cơ sở xác định giá như: bản in thông tin giá từ chương trình GTT22, các nguồn thông tin khác và trình lãnh đạo Chi cục duyệt để tính thuế cho lô hàng nhập khẩu.
* Lập phiếu đề xuất giá (theo mẫu) và gửi về Cục trong vòng 3 ngày kể từ ngày xác định giá tính thuế đối với các lô hàng nhập khẩu được xác định giá tính thuế theo giá thực tế do doanh nghiệp khai báo nhưng không tìm thấy hàng hoá giống hệt, tương tự có sẵn trong “Danh mục dữ liệu giá” hoặc trong hệ thống GTT22 để so sánh, đối chiếu.
2. Nhập dữ liệu các lô hàng nhập khẩu vào hệ thống đa chức năng và hệ thống GTT22.
2.1/ Nhập dữ liệu:
- Nhập dữ liệu tờ khai nhập khẩu, kết quả kiểm hoá đối với các lô hàng không thuộc đối tượng Thông tư số 118/2003/TT/BTC nêu tại công văn này vào chương trình đa chức năng theo đúng hướng dẫn tại quyết định số 1795/TCHQ/KTTT ngày 31/12/2003 của Tổng cục Hải quan.
- Nhập kết quả xác định giá tính thuế đối với lô hàng nhập khẩu tại chương trình GTT22 mục “Xác định giá/ Nhập thông tin xác định giá tính thuế cho hàng nhập khẩu/ xác định giá dùng giá tối thiểu”, không dùng hệ thống xác định giá tính thuế theo GATT. Khi cập nhật kết quả xác định giá tính thuế, phải cập nhật các tiêu thức sau:
+ “Chấp nhận giá khai báo” hoặc “dùng giá khác”. Nếu “chấp nhận giá khai báo”, chương trình sẽ tự động lấy đơn giá khai báo trên tờ khai nhập khẩu đã được cập nhật trước đó để xác định giá tính thuế. Trường hợp “dùng giá khác” thì phải cập nhật trị giá tính thuế vào ô “Đơn giá nguyên tệ”. Trị giá tính thuế khi cập nhật phải được quy đổi theo nguyên tệ ghi trên tờ khai nhập khẩu.
+ Ghi lại kết quả xác định giá của lô hàng
2.2/ Tra cứu dữ liệu và in ấn dữ liệu
- Việc tra cứu dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra xác định trị giá được thực hiện trên chương trình GTT22 tại 2 mục:
+ “Kiểm tra giá/ tra cứu hàng hoá đã nhập khẩu”
+ Tra cứu tại màn hình xác định giá, mục “tra cứu hàng đã nhập khẩu”.
Để thuận tiện cho việc cập nhật kết quả xác định giá tính thuế, nên tiến hành tra cứu các thông tin lô hàng đã nhập khẩu ngay tại màn hình xác định giá tính thuế.
Nguyên tắc, đối tượng và kỹ năng tra cứu, kiểm tra các thông tin tra cứu được thực hiện như đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng của Thông tư số 118/2003/TT/BTC đã tập huấn và hướng dẫn tại các đơn vị.
- In ấn: Khi sử dụng dữ liệu các lô hàng giống hệt/ tương tự đã nhập khẩu được tìm thấy trong chương trình GTT22 để so sánh, xác định giá tính thuế đối với lô hàng nhập khẩu, phải kết xuất các lô hàng được sử dụng làm cơ sở so sánh, xác định giá ra chương trình EXCEL và in ấn, lưu cùng với phiếu đề xuất giá.
II. ĐỐI VỚI CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ
1/ Kiểm tra, rà soát việc xác định giá tính thuế tại các Chi cục thông qua hệ thống GTT22, lập hồ sơ chuyển bộ phận kiểm tra sau thông quan xác minh, làm rõ đối với các trường hợp chấp nhận mức giá thực tế khai báo để tính thuế nhưng nghi ngờ mức giá thực tế do doanh nghiệp khai báo.
2/ Xây dựng quy trình chi tiết và hướng dẫn cụ thể Chi cục xác định giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá nhưng hợp đồng không phù hợp theo quy định tại điều 50 Luật Thương mại; Hàng hoá nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hoá như hành lý quá tiêu chuẩn miễn thuế, hàng hoá là quà biếu, tặng vượt định mức miễn thuế, hàng hoá trao đổi của cư dân biên giới,... theo đúng các phương pháp do Tổng cục Hải quan quy định.
3/ Giải quyết các trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ chứng minh tính trung thực khách quan của mức giá thực tế theo hướng dẫn tại công văn số 5784/TCHQ-KTTT ngày 29 tháng 11 năm 2004.
4/ Xây dựng, bổ sung các mặt hàng chưa được quy định giá tính thuế trong “Danh mục dữ liệu giá” do Tổng cục Hải quan cung cấp, điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh các mức giá bất hợp lý, không còn phù hợp trong “ Danh mục dữ liệu giá”. Phương pháp xây dựng, bổ sung các mặt hàng chưa được quy định giá tính thuế trong “Danh mục dữ liệu giá” được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục ban hành kèm theo văn bản này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập hợp và báo cáo Tổng cục Hải quan (Vụ Kiểm tra - Thu thuế XNK) để nghiên cứu giải quyết kịp thời./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÂY DỰNG, BỔ SUNG CÁC MẶT HÀNG CHƯA ĐƯỢC QUY ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ TRONG “DANH MỤC DỮ LIỆU GIÁ” DO TỔNG CỤC HẢI QUAN CUNG CẤP
(Ban hành kèm theo công văn số 5782/TCHQ/KTTT ngày 29 tháng 11 năm 2004)
1. Phạm vi xây dựng, bổ sung “Danh mục dữ liệu giá”
Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố thường xuyên cập nhật, bổ sung các mặt hàng chưa được quy định giá tính thuế trong “Danh mục dữ liệu giá” do Tổng cục Hải quan cung cấp hoặc do đơn vị đã bổ sung trước đó.
2. Nguyên tắc xây dựng, bổ sung “Danh mục dữ liệu giá”
2.1/ Dùng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, tương tự:
- Bước 1: Lựa chọn những lô hàng đã được xác định giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch hoặc giá thực tế có trong hệ thống dữ liệu giá tính thuế GTT22.
- Bước 2: Loại bỏ những lô hàng được chấp nhận trị giá giao dịch hoặc giá thực tế nhưng độ tin cậy không cao cụ thể:
-- Các lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ đã chuyển bộ phận tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan nhưng chưa được làm rõ.
-- Các lô hàng nhập khẩu không mang tính chất kinh doanh thuần tuý như: Hàng mẫu, hàng nhập thử với số lượng ít, hàng nhập khẩu để góp vốn đầu tư, hàng nhập khẩu của dự án, hàng tạm nhập tái xuất...
- Bước 3: So sánh với mặt hàng tương tự đã có trong “Danh mục dữ liệu giá” do Tổng cục Hải quan cung cấp hoặc do đơn vị cập nhật trước đó, nếu có sự chênh lệch lớn thì xem xét, phân tích nguyên nhân do đâu có sự chênh lệch lớn để tránh hiện tượng các mức giá mặt hàng tương tự được quy định trong cùng cơ sở dữ liệu giá lại có sự chênh lệch nhau quá lớn.
- Bước 4: Đề xuất mức giá trình lãnh đạo Cục ban hành bổ sung vào “Danh mục dữ liệu giá”. Trường hợp có nhiều trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt, tương tự thì lựa chọn trị giá cao nhất để đưa vào cơ sở dữ liệu giá.
2.2/ Dùng phương pháp khấu trừ:
Theo nguyên tắc này, mức giá được đưa vào “Danh mục dữ liệu giá” được xác định từ giá bán trên thị trường nội địa trừ đi các chi phí hợp lý phát sinh sau khi nhập khẩu. Cách làm như sau:
- Bước 1: Xác định giá bán trên thị trường nội địa từ các nguồn thông tin sau:
-- Giá chào bán công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, tạp chí, bản tin thị trường trong nước, internet,...
-- Giá bán trong nước do doanh nghiệp cung cấp có xác nhận của cơ quan có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
-- Giá bán trên thị trường do cơ quan hải quan khảo sát được (có mẫu phiếu khảo sát kèm theo).
- Bước 2: Trừ lùi các chi phí phát sinh sau khi nhập khẩu để xác định mức giá theo công thức dưới đây:
Mức giá tính thuế = | Giá bán trong nước - Chi phí chung và lợi nhuận |
(1 + TSNKƯĐ) x (1 +TSGTGT/TSTTĐB) |
Trong đó:
-- TSNKƯĐ: là thuế suất nhập khẩu ưu đãi
-- TSGTGT/TSTTĐB: là thuế suất giá trị gia tăng hoặc tiêu thụ đặc biệt
-- Chi phí chung và lợi nhuận được xác định như sau:
--- Nếu là giá bán ra của người trực tiếp nhập khẩu thì khoản này chiếm 20% giá bán.
--- Nếu là giá bán buôn của người mua trong nước thì khoản này chiếm 25% giá bán.
-- Nếu là giá bán lẻ thì khoản này chiếm 30% giá bán.
Đối với các nhóm hàng khi áp dụng tỷ lệ khấu trừ trên đây mà không hợp lý thì không áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Bước 3: Đề xuất mức giá trình lãnh đạo Cục ban hành bổ sung vào “Danh mục dữ liệu giá”.
2.3/ Dùng phương pháp giá chào bán tại nước xuất khẩu:
- Bước 1: Xác định giá chào bán tại nước nhập khẩu từ các nguồn thông tin trên các tạp chí, sách báo quốc tế, Internet, giá chào bán công khai của người xuất khẩu...
- Bước 2: Dùng công thức:
Mức giá tính thuế = 80% x Giá chào bán + I + F
Trong đó:
F là phí vận chuyển tính bằng 15% giá mua (15% x 80% x Giá chào bán)
I là phí bảo hiểm tính bằng 0,3% giá mua bao gồm cả phí vận chuyển.
Nếu giá chào bán đã bao gồm cả I, F thì không phải cộng thêm các chi phí này.
- Bước 3: Đề xuất mức giá trình lãnh đạo Cục ban hành bổ sung vào “Danh mục dữ liệu giá”.
3. Điều chỉnh các mức giá trong “Danh mục dữ liệu giá”.
- Đối với các mức giá trong “Danh mục dữ liệu giá” do Tổng cục Hải quan cung cấp không còn phù hợp (biến động vượt quá 10%) thì Cục Hải quan địa phương báo cáo và đề xuất mức giá sửa đổi gửi về Tổng cục
- Đối với các mức giá trong “Danh mục dữ liệu giá” do Cục Hải quan địa phương xây dựng bổ sung không còn phù hợp (biến động vượt quá 10%) thì Cục Hải quan địa phương căn cứ tình hình biến động giá của mặt hàng và các thông tin có liên quan để điều chỉnh mức giá tại “Danh mục dữ liệu giá” cho phù hợp.
* Điều kiện điều chỉnh một mặt hàng:
- Có từ 3 lô hàng trở lên được chấp nhận kết quả chứng minh hoặc kết quả tham vấn trong phạm vi 60 ngày có mức giá chênh lệch so với “Danh mục dữ liệu giá”.
- Có đủ cơ sở, căn cứ để khẳng định mức giá xây dựng tại “Danh mục dữ liệu giá” chưa phù hợp do thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác khi xây dựng cơ sở dữ liệu giá chuẩn. Đối với các trường hợp này, Cục Hải quan địa phương phải báo cáo lý do điều chỉnh về Tổng cục trước khi điều chỉnh.
Cục Hải quan.............................
Chi cục Hải quan...........................
Ngày.............. tháng............ năm 200.......
Về việc xác định giá tính thuế
Mặt hàng nhập khẩu cần xác định giá tính thuế:......................................................
Thuộc tờ khai hàng hoá nhập khẩu số........./......... ngày.............tháng........... năm.......
Ngày xuất khẩu:...........................................................................................................
Đơn giá khai báo:........................................................................................................
Mức giá do cơ quan Hải quan xác định:......................................................................
Cơ sở đề xuất:.............................................................................................................
Lãnh đạo Chi cục duyệt | Người đề xuất |
Cục Hải quan.............................
Chi cục Hải quan...........................
Ngày.............. tháng............ năm 200.......
giá bán trên thị trường trong nước
Họ tên công chức thực hiện việc khảo sát giá:
Kết quả khảo sát dưới đây phục vụ cho mục đích:
+ Xây dựng giá kiểm tra
+ Kiểm tra mức giá do doanh nghiệp đưa ra chứng minh tính trung thực của mức giá khai báo
Thời gian khảo sát |
|
|
Tên hàng hoá cần khảo sát |
|
|
Tên hàng hoá khảo sát |
|
|
Đơn giá |
|
|
Cấp độ thương mại |
|
|
Các ghi chép khác:
Công chức khảo sát thứ nhất | Công chức khảo sát thứ hai |
- 1 Công văn 5784/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn xác định giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 87/2004/TT-BTC
- 2 Thông tư 87/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 1795/TCHQ/QĐ/KTTT năm 2003 ban hành quy chế thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu giá tính thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 4 Thông tư 118/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2002/NĐ-CP về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại do Bộ Tài chính ban hành