BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5875/TCT-DNNCN | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn.
Trả lời Công văn số 2113/CTBCA-TTHT ngày 31/10/2024 của Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn vướng mắc về việc xác định các khoản phụ cấp và trợ cấp được trừ khi tính thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 quy định về thu nhập từ tiền lương, tiền công:
“Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:
1. Khoản 2 và khoản 5 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ”.
- Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định về thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động:
“Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 3 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế như sau:
... 3. Sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 3 như sau:
“b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
... - Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang;
... Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế quy định tại Điểm này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.
- Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu nhập từ tiền lương, tiền công:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
...2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
... b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
... Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể…”.
- Tại khoản 1 Điều 23 và Điều 27 Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội quy định về thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân và quy định về dân quân tự vệ:
“Điều 23. Thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân
1. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ
…
Điều 27. Dân quân tự vệ
1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước ở địa phương, cơ sở; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự; an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
…
3. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
- Tại Điều 2, Điều 17 và Điều 19 Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 ngày 22/11/2019 của Quốc hội giải thích về từ ngữ và quy định về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ:
“ “Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau;
1. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ
...
Điều 17. Điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp
Doanh nghiệp được xem xét quyết định thành lập đơn vị tự vệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện;
2. Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đề án, kế hoạch tổ chức Dân quân tự vệ của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động và phù hợp với tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
3. Đã hoạt động từ đủ 24 tháng trở lên;
4. Có số lượng người lao động đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ để tổ chức ít nhất 01 tiểu đội tự vệ...
Điều 19. Chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
1. Các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức bao gồm:
a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên;
b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó.
2. Các chức vụ chỉ huy của đơn vị Dân quân tự vệ bao gồm:
a) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn, Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn;
b) Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội, Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội;
c) Trung đội trưởng;
d) Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng;
đ) Thôn đội trưởng kiêm chỉ huy đơn vị dân quân tại chỗ”.
- Tại Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ đã quy định về chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ:
“Điều 7. Chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ
1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:
a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng;
b) Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng;...”.
- Tại điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ quy định về chế độ lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định về chế độ phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh:
“Điều 6. Các chế độ phụ cấp lương
...8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc:
... đ) Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh:
Áp dụng đối với các đối tượng không thuộc diện xếp lương theo bảng 6 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu...”.
Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, về nguyên tắc khoản phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ. Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.
Đề nghị Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn trao đổi với Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ chỉ huy Quân sự, Sở Lao động thương binh xã hội,...) căn cứ các quy định hiện hành nêu trên và thực tế hồ sơ hướng dẫn người nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn được biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |