VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5917/VPCP-QHQT | Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2021 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Ngoại giao; |
Xét kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5518/BKHĐT-KTĐN ngày 05 tháng 8 năm 2021 về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp như sau:
1. Về thể chế, chính sách
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021-2025 nhằm phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2021.
2. Về công tác kế hoạch vốn
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời điều hòa, điều chỉnh kế hoạch năm 2021 giữa các bộ, ngành không có khả năng giải ngân hết số vốn đã giao cho các đơn vị có nhu cầu và khả năng thực hiện, giải ngân tốt hơn.
- Các cơ quan chủ quản theo dõi sát sao tình hình và khả năng giải ngân của từng dự án trong từng tháng, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao theo quy định; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm 2021, 2022; bố trí đủ để thanh toán cho các cam kết hợp đồng đã ký với nhà thầu; ưu tiên các dự án khẩn cấp, trọng điểm, đang gặp vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn.
- Các Bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch đầu tư công năm 2022 (trong đó có vốn nước ngoài) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đúng hạn theo quy định để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về xử lý các vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
- Về kiến nghị tiếp tục thực hiện theo hiệp định vay đã ký để sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thanh toán tiền thuế, phí cho các dự án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa nội dung này vào quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án.
- Thực hiện nghiêm việc không sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tham quan, khảo sát hoặc mua sắm ô tô.
- Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, về thời gian thẩm định đối với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.
- Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để bảo đảm sử dụng hiệu quả khoản vay nước ngoài.
- Các Bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo kịp thời xử lý các vướng mắc.
- Các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư (thiết kế kỹ thuật, dự toán...); thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán với các hạng mục công trình đã hoàn thành, không để dồn cuối năm; bố trí đủ vốn đối ứng, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục để ký, trao hợp đồng cho các gói thầu.
- Đối với các địa phương có dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các Bộ, ngành triển khai trên địa bàn, địa phương cần xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ.
- Các Bộ, ngành là cơ quan chủ quản của dự án Ô phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các chủ đầu tư dự án thành phần tại các địa phương để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến dự án Ô, nhằm đây nhanh tiến độ thực hiện dự án.
4. Về tăng cường kiểm soát chi và tin học hóa giải ngân
Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thanh toán qua tài khoản đặc biệt; tiếp tục hoàn thiện quá trình thanh toán, giải ngân, bảo đảm đúng thời hạn quy định; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
5. Về công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện dự án và báo cáo
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tăng cường công tác vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt chú trọng vào các dự án có quy mô lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kết nối hạ tầng có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, các dự án về ứng phó và chống biến đổi khí hậu, các khoản hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Các Bộ, ngành và địa phương cần lựa chọn các dự án phải hiệu quả, bảo đảm nằm trong cân đối tổng thể đầu tư công trung hạn và nợ công trung hạn, phù hợp với khả năng vay lại của các địa phương.
- Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA, vay ưu đãi ở các cấp từ cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực và trình độ chuyên môn cao.
- Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |