Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5964/BTC-CST
V/v thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2012

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số ngân hàng và cục thuế địa phương đề nghị hướng dẫn chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ. Về vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

1. Về việc bù trừ chênh lệch (âm, dương) giữa các hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý:

Tại điểm 2.2, Mục III, Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT có quy định:

“Giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ được xác định bằng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ (-) giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng.

… Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, giá trị gia tăng là số chênh lệch giữa doanh số bán ra vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ trừ (-) giá vốn của vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ bán ra”.

Theo hướng dẫn tại mẫu kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT (mẫu số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính) thì đối với hàng hóa có cùng thuế suất thì doanh nghiệp khai và tính thuế GTGT phải nộp trên cùng một tờ khai 03/GTGT nêu trên.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, trong kỳ kê khai thuế tháng, cơ sở kinh doanh được bù trừ GTGT (âm hoặc dương) giữa ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý với nhau khi xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp.

2. Về việc kết chuyển GTGT âm sang kỳ sau:

Tại khoản 4, Điều 10 Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/2/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ về khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng có quy định: Người nộp thuế không được kết chuyển giá trị gia tăng âm sang kỳ kê khai thuế của tháng tiếp theo.

Tại tiết a, khoản 2, Điều 13 Thông tư 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ có quy định: “Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau. Cơ sở kinh doanh khai thuế GTGT theo tờ khai 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này”.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên:

Từ ngày 01/07/2011 đến trước ngày 01/3/2012: Trong tháng ngân hàng có phát sinh phần GTGT âm (-) của hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ thì không được kết chuyển sang tháng sau.

Từ ngày 01/3/2012 trở đi: Thực hiện theo tiết a, khoản 2, Điều 13 Thông tư 06/2012/TT-BTC.

Bộ Tài chính hướng dẫn để cục thuế địa phương biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Hiệp hội ngân hàng;
- Ngân hàng: Phương Đông, Việt Á;
- TCT, Vụ PC;
- Lưu: VT, CST.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai