BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6170/BNN-TCTL | Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2018 |
TÌNH HÌNH LŨ NĂM 2018 Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Do ảnh hưởng của mưa lớn ở thượng nguồn và ảnh hưởng sự cố vỡ đập ở Lào, từ cuối tháng 7/2018 đến nay, lũ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế lên nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình lũ năm 2018 ở khu vực ĐBSCL và các giải pháp phòng, chống, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
1. Diễn biến lũ từ cuối tháng 7/2018
Từ khoảng tuần cuối tháng 7/2018, ở Lào đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-1000mm, một số điểm cao hơn 1000mm; sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xenam Noy và gia tăng xả lũ của các hồ chứa thủy điện tại Lào làm lũ ở sông Cửu Long tăng nhanh, mực nước tại 2 trạm đầu nguồn sông Cửu Long là Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) tăng trung bình từ 68 cm/ngày. Thực tế, mực nước ngày 12/8/2018 tại Tân Châu cao nhất đạt 3,67m, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,75m; tại Châu Đốc đạt 3,12m, cao hơn TBNN khoảng 0,45m.
2. Nhận định diễn biến lũ trong thời gian tới
a) Đặc điểm lũ ở ĐBSCL
Thông thường trong một năm, lũ ở ĐBSCL có 2 lần lên cao gọi là lũ đầu vụ và lũ chính vụ, cụ thể như sau:
- Lũ đầu vụ: Thường đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 8, sau đó biến đổi chậm hoặc xuống nhẹ và tiếp tục lên vào khoảng đầu hoặc giữa tháng 9. Lũ đầu vụ nếu lên cao hoặc về sớm có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu ở ĐBSCL, nhất là vùng ngoài đê bao, đê bao lửng hoặc không khép kín.
- Lũ chính vụ: Thường đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 10. Thực tế, nếu đỉnh lũ ở mức gần BĐ3 (tương đương với mực nước ở Tân Châu khoảng 4,3m, tại Châu Đốc khoảng 3,8m), thì hệ thống đê bao, bờ bao ở ĐBSCL bị uy hiếp và sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
b) Nhận định lũ năm 2018
- Lũ đầu vụ: Theo dự báo của Trung tâm Dụ báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (TTDB KTTV QG), lũ đầu vụ vẫn đang lên, đến khoảng cuối tháng 8/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,00m (mức BĐ2); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,40m (dưới BĐ2 0,10m). Trong trường hợp xấu nhất, mưa do cơn bão số 4 ảnh hưởng mạnh đến Lào thì mực nước sẽ gia tăng thêm so với mức dự báo trên khoảng 10-20cm.
- Lũ chính vụ: Theo TTDB KTTV QG, đỉnh lũ chính vụ năm 2018 ở mức BĐ2 (Tân Châu: 4,0m, Châu Đốc 3,5m) và trên BĐ2, thời gian xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Tuy nhiên, do tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ cao hơn dự báo, lên mức BĐ3 (Tân Châu: 4,5m, Châu Đốc 4,0m).
c) Tác động của lũ đến sản xuất và dân sinh
- Tác động đến trồng trọt:
Vụ Hè Thu 2018: Diện tích lúa Hè Thu 2018 toàn vùng ĐBSCL hiện đã thu hoạch đạt 850.000/1.601.500 ha (đạt 53%). Diện tích chưa thu hoạch ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi ngập lũ (thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang) còn lại tổng cộng 194.900 ha; trong đó, có 187.700ha sẽ thu hoạch xong trước ngày 15/8 (bảo đảm không bị thiệt hại do lũ). Có khoảng 7.200 ha sẽ bị ảnh hưởng nếu lũ đầu nguồn sông Cửu Long vượt BĐ2 (tại Tân Châu 4,0m, Châu Đốc 3,5m), ở các địa phương: Long An 3.200ha, An Giang 4.000ha.
Vụ Thu Đông 2018: Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông 2018 trong vùng khoảng 745.000 ha, giảm khoảng 30.000 ha so với năm 2017; đến nay, đã xuống giống được 389.400/745.000 ha (đạt gần 53% so với với kế hoạch). Hầu hết diện tích xuống giống theo kế hoạch nằm trong vùng đê bao triệt để, bảo đảm không ảnh hưởng nếu lũ chính vụ ở mức như dự báo, trừ khoảng 34.600ha ở các tỉnh: Long An 18.200ha, An Giang 13.000ha, Đồng Tháp 3.400ha có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt BĐ2.
- Tác động đến thủy sản:
Đối với sản xuất thủy sản, lũ hầu hết mang lại nguồn lợi, như: bổ sung nguồn giống tự nhiên đối với các đối tượng di cư, tăng nguồn lợi thủy sản khai thác tự nhiên; cung cấp dinh dưỡng cho vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), bổ sung nguồn nước ngọt cho NTTS, đặc biệt những vùng nuôi tôm nước lợ, giúp tăng năng suất, sản lượng và làm sạch môi trường cho các vùng NTTS, tạo sự cân bằng về hệ sinh thái vùng NTTS đặc biệt vùng hạ lưu của ĐBSCL.
Đề phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện các công việc sau:
- Trên cơ sở thông tin lũ thượng nguồn sông Mê Kông do Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế cung cấp và thông tin lũ sông Cửu Long của TTDB KTTV QG, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thực hiện việc dự báo lũ nội đồng ĐBSCL, xác định cụ thể từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ để chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do lũ gây ra;
- Tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng ảnh hưởng của ngập lũ; tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở;
- Thực hiện khẩn cấp các giải pháp bảo vệ các diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng của lũ đầu vụ; tổ chức thu hoạch sớm diện tích lúa có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ;
- Chỉ tổ chức xuống giống lúa vụ Thu Đông ở các vùng đê bao triệt để, khép kín, có khả năng chống chịu được lũ chính vụ; theo đó, kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2018 giảm khoảng 30.000 ha so với năm 2017 để bảo đảm toàn bộ diện tích gieo trồng không bị ảnh hưởng của lũ.
Theo thông tin dự báo đến thời điểm hiện tại và các giải pháp đã thực hiện, lũ năm 2018 ở ĐBSCL sẽ không có tác động lớn đến sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, cần đề phòng lũ cao hơn dự báo nếu có diễn biến thời tiết xấu và điều tiết bất lợi của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông. Để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống lũ, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác dự báo lũ ở sông Cửu Long, nhất là dự báo dài hạn, kịp thời cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và cơ quan liên quan để triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông báo 489/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 480/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công điện 439/CĐ-BGDĐT năm 2014 chủ động khẩn trương đối phó với tình hình mưa, lũ do Bộ Giáo dục và Đào tạo điện
- 1 Công điện 439/CĐ-BGDĐT năm 2014 chủ động khẩn trương đối phó với tình hình mưa, lũ do Bộ Giáo dục và Đào tạo điện
- 2 Thông báo 480/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 489/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành