Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6220/BTC-CST
V/v thuế nhập khẩu mặt hàng đá granit dạng khối

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Hiệp hội Khai thác và Chế biến Đá Bình Định.

Bộ Tài chính nhận được công văn số 926/UBND-KTN ngày 17/3/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định kiến nghị về việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đá granit chưa qua chế biến. Về việc này Bộ Tài chính xin trao đổi với các Bộ ngành, Hiệp hội như sau:

I. Nội dung công văn số 926/UBND-KTN ngày 17/3/2014:

Trong những năm qua ngành công nghiệp chế biến đá ốp lát của tỉnh Bình Định đã phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001- 2011 đạt 20,4%/năm, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp sản xuất chế biến đá với tổng công suất chế biến 3,1triệu m3/năm. Tuy nhiên do không đủ nguyên liệu sản xuất nên chỉ đạt khoảng 40-50%/công suất. Trong năm 2013 các doanh nghiệp chỉ sản xuất được khoảng 900.000m3, bằng 30% công suất, do vậy việc nhập khẩu nguyên liệu để duy trì phát triển ngành sản xuất chế biến đá xuất khẩu của tỉnh là cần thiết.

Theo quy định tại Biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, mặt hàng đá granite được chia thành hai loại như sau:

- 2516.11.00: Đá granit thô hoặc đã đẽo thô, thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

- 2516.12: Đá granit mới chỉ cắt, bằng cưa hoặc cách khác, thành khối hoặc tấm hình chữ nhật (kể cả hình vuông), thuế suất nhập khẩu 3%.

Theo báo cáo của Sở Công Thương và các sở ngành liên quan, quy định trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đá để chế biến hàng xuất khẩu.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến đá duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đá dạng khối (mã hàng 2516.12,10) từ 3% xuống 0% và giữ nguyên mức thuế suất đá nguyên liệu dạng tấm (mã hàng 2516.12.20) là 3%.

II. Ý kiến của Bộ Tài chính

Theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 thì thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng đá granit dạng khối, tấm thuộc phân nhóm 2516.12 mới được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3%. Khung thuế suất do UBTVQH quy định là 0-10%, cam kết WTO là 10%. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định FTA: ATIGA là 0%; ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc, ASEAN-Nhật bản, ASEAN- úc-Niudilân là 5%; Việt Nam - Nhật bản là 5,5%.

Tham khảo số liệu của TCHQ thì kim ngạch nhập khẩu năm 2013 của mặt hàng đá granit dạng khối đạt 17 triệu USD, dạng tấm đạt 393 ngàn USD; năm 2012 kim ngạch mặt hàng đá granit dạng khối đạt 12,8 triệu USD, rạng tấm đạt 200 ngàn USD. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ ấn Độ, Brazil, Pakistan, Campuchia, Phần Lan, Na Uy, Trung Quốc.... Như vậy doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu mặt hàng đá granit dạng khối về để chế biến sản xuất thành sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu,

Theo Thông tư số 04/2012/BKHĐT ngày 13/8/2012 ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được, mặt hàng đá khối, đá tấm granit trong nước đã sản xuất được (số thứ tự 8 Phụ lục II - Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được, Thông tư 04/2012/BKHĐT).

Trong quá trình ban hành Thông tư 164/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã gửi xin ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với đá granit dạng khối, tấm từ 0% lên 3%. Việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu do đây là mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013, cần tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích doanh nghiệp tăng tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên, theo giải trình tại công văn số 926/UBND-KTN ngày 17/3/2014 của UBND tỉnh Bình Định thì hiện nay các doanh nghiệp không đủ nguyên liệu để sản xuất do chủ trương tạm thời chưa cấp phép khai thác đá granit và các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án khai thác mỏ nên sản lượng khai thác không đáp ứng nhu cầu chế biến. Ngoài ra, trên thực tế công nghệ khai thác đá tại Việt Nam và các nước tiên tiến như Italia, Tây Ban Nha, ấn Độ...sử dụng thiết bị khai thác như máy cắt dây kim cương, kích thủy lực... để tạo ra khối đá thay thế cho việc nổ mìn, do vậy khối được tạo ra sau khai thác tại mỏ đá có hình dạng vuông vắn, bề mặt phẳng (sử dụng máy cắt dây kim cương) hoặc bề mặt thô (sử dụng mũi khoan), nên quan sát rất giống với sản phẩm đá đã được chế biến tại nhà máy (qua cưa, cắt, xẻ...). Các doanh nghiệp chế biến đá của tỉnh chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu dạng này vì dễ vận chuyển, thuận tiện trong chế biến. Như vậy, đá granit dạng khối thực chất là đá mới qua khâu khai thác, chưa qua chế biến.

Căn cứ giải trình của UBND tỉnh Bình Định, theo Bộ Tài chính kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định là có cơ sở. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gia công chế biến sản xuất đá granit, Bộ Tài chính giảm thuế suất của dòng thuế đá granit dạng khối, thuộc mã hàng 2516.12.10 từ 3% xuống 0% và giữ nguyên thuế suất dòng thuế đá granit dạng tấm, mã hàng 2516.12.20 là 3%.

Bộ Tài chính dự thảo Thông tư điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng đá granit dạng khối, mã hàng 2516.12.10 từ 3% xuống 0%. Kính đề nghị các đơn vị có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính trước ngày /5/2014 để hoàn chỉnh văn bản trước khi ban hành.

Trân trọng sự phối hợp công tác của Quí cơ quan.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai