Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 6305/TCHQ-GSQL
V/v hướng dẫn thủ tục điều chỉnh bản khai hàng hóa (manifest)

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2010

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh;
- Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật mạng SIEMENS VIỆT NAM
(Tầng 8 - Tòa nhà Ocean Park - Số 1 Đào Duy Anh - Hà Nội)

 

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 91NSN ngày 04/10/2010, công văn số 02NSN ngày 17/10/2010 của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật mạng SIEMENS VIỆT NAM về việc hướng dẫn điều chỉnh bản khai hàng hóa. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Theo trình bày tại các công văn trên, hãng NOKIA SIEMENS Networks Oy (trụ sở tại Phần Lan) có gửi cho phía đối tác tại Việt Nam là Công ty dịch vụ thông tin di động - VMS một số lô hàng theo các vận đơn số: 550933070, JEA0033022, CPE10050041, CPE10050034, JEA0030887, JEA0030859, JEA0030867, JEA0031165, MUC05106251, MUC05112698, HEL0013641. Tuy nhiên phía Công ty VMS từ chối nhận hàng do hợp đồng giữa hai bên chưa có hiệu lực, vì vậy số hàng trên đang lưu lại cảng Cát Lái và kho hàng sân bay Tân Sơn Nhất - TP. Hồ Chí Minh. Hãng NOKIA SIEMENS Networks Oy đã có thư đề nghị Cơ quan Hải quan Việt Nam và hãng tàu cho phép chuyển toàn bộ lô hàng trên sang Singapore, đồng thời ủy quyền cho Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật mạng SIEMENS VIỆT NAM thay mặt hãng thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển lô hàng sang Singapore. Công ty đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn trong trường hợp này có cần thiết phải sửa đổi, điều chỉnh bản khai hàng hóa (manifest) hay không, hay chỉ làm các thủ tục cần thiết để vận chuyển lô hàng ra khỏi Việt Nam.

Qua xem xét trình bày của công ty cho thấy:

- Về quyền định đoạt hàng hóa:

Căn cứ quy định tại Điều 92 Bộ luật Hàng hải thì “Người gửi hàng có quyền định đoạt hàng hóa cho đến khi hàng được trả cho người nhận hàng hợp pháp, nếu chưa giao quyền này cho người khác; có quyền yêu cầu dỡ hàng trước khi tàu biển bắt đầu chuyến đi, thay đổi người nhận hàng hoặc cảng trả hàng sau khi chuyển đi đã bắt đầu …”.

Như vậy với trường hợp trên thì quyền định đoạt hàng hóa (sở hữu hàng hóa ... thương mại quốc tế thì hãng có quyền làm các thủ tục nhập khẩu, chuyển nhượng, vận chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc bất kỳ quyền nào khác có liên quan đến lô hàng.

- Về sửa chữa, điều chỉnh bản khai:

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1, Điều 87, Mục 4, phần IV, Chương 3 Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra; giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thì “Việc sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hóa phải xuất phát từ việc sửa chữa, điều chỉnh vận tải đơn (B/L), trên cơ sở của người gửi hàng đối với người vận tải (chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu). Yêu cầu sửa chữa, điều chỉnh bản vận tải đơn dẫn đến việc sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hóa thường có các nội dung: sửa chữa tên người nhận hàng; tên hàng; lượng hàng; số seal hàng tàu; số hiệu container; tên cảng đích ghi trên vận tải đơn”.

Trong trường hợp này, nếu phải điều chỉnh vận tải đơn thì nội dung điều chỉnh sẽ là tên người nhận hàng (do người nhận hàng là Công ty VMS từ chối nhận hàng). Tuy nhiên vì lô hàng sẽ không được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, vì vậy không cần thiết phải sửa đổi vận tải đơn, dẫn đến không phải sửa chữa, điều chỉnh bản khai hàng hóa.

Như vậy, trường hợp công ty nêu, đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra tình trạng lô hàng của các vận đơn nêu trên, nếu không có vấn đề khác phát sinh thì chấp nhận không phải sửa đổi, điều chỉnh bản khai hàng hóa. Công ty có quyền định đoạt hàng hóa theo quyền sở hữu của mình để đưa lô hàng ra khỏi Việt Nam.

Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh