BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 633/TB-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2020 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÁC ĐƠN VỊ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 NGÀY 25/02/2020
Ngày 25/02/2020, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc với các đồng chí Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ về tình hình và kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Sau khi nghe Thủ trưởng các đơn vị báo cáo về tình hình và phương án ứng phó với dịch bệnh Covid-19 liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị, ý kiến phát biểu của các đồng chí Thứ trưởng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kết luận như sau:
1. Yêu cầu chung
- Quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19.
- Tập trung phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đồng thời phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực quản lý của Ngành nhằm góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.
- Các đơn vị theo lĩnh vực được giao phụ trách cần đề cao tính chủ động, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để tham mưu, xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Phối hợp với các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí của Ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ đạo, điều hành của Bộ liên quan tới việc phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đạt hiệu quả cao nhất, xuyên suốt.
2. Về các lĩnh vực cụ thể
2.1. Về vấn đề lao động trong nước
- Tiếp tục triển khai các nội dung tại Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 02/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để góp phần ổn định sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống người lao động.
- Phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ lao động đi qua đường mòn, lối mở tại các tỉnh giáp biên giới.
- Về việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc: Xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.
Giao Cục Việc làm tham mưu cho Bộ xây dựng phương án cụ thể về tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, báo cáo Lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt .
2.2. Về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản)
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước, cần có những bài viết chuyên sâu, thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng lao động Việt Nam ở nước ngoài và người dân để khuyến khích sử dụng ứng dụng một cách có hiệu quả.
- Tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
- Các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc đưa người lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.
- Có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm, nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng có dịch khác.
- Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì thực hiện việc tiếp nhận, cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất cấp có thẩm quyền có phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực đúng tâm dịch.
2.3. Về vấn đề chính sách lao động
- Giao Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh,…
- Giao Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế căn cứ các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội để hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo theo đúng quy định.
2.4. Về trở lại học của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Căn cứ tình hình hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 02/3/2020.
- Quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh, sinh viên yên tâm quay trở lại học.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện nghiêm việc vệ sinh khử trùng, diệt khuẩn trường, lớp; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp giám sát sức khỏe cho giáo viên, học sinh, sinh viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về y tế.
2.5. Đối với các Trung tâm điều dưỡng người có công, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy
- Thực hiện nghiệm việc vệ sinh khử trùng, diệt khuẩn; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp giám sát sức khỏe cho các đối tượng thuộc trung tâm, cơ sở theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
- Không tổ chức các hoạt động có quy mô lớn; không tổ chức việc trị liệu tập trung đông người; hạn chế việc thăm gặp đối tượng tại trung tâm, cơ sở.
- Các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội chú trọng kiểm soát đối với đối tượng tiếp nhận mới.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông báo 203/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 182/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 177/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2020 về đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Công điện 01/CĐ-LĐTBXH năm 2020 về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội ban hành
- 1 Thông báo 177/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 182/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 203/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành