BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 635/BKHĐT-KTĐN | Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2017 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được công văn của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh: Hà Giang (số 2586/UBND-TH ngày 04/08/2016, số 2745/UBND-TH), Cao Bằng (số 2248/UBND-TH ngày 16/8/2016, số 2117/UBND-TH ngày 05/8/2016), Bắc Kạn (số 3654/UBND-TH ngày 26/8/2016), Lạng Sơn (số 800/UBND-KTN ngày 18/08/2016, số 802/UBND-KTN ngày 18/8/2016) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án "Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn" vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến như sau:
1. Dự án "Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn" phù hợp với định hướng ưu tiên sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Dự án nằm trong danh mục các dự án ADB dự kiến tài trợ cho Việt Nam tài khóa 2017.
2. Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) chuẩn bị dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 30/12/2015.
3. Căn cứ Khoản 3, Điều 13, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quy định về trình tự, thủ tục đề xuất và lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, đề xuất dự án cần được các cơ quan liên quan góp ý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Cơ quan chủ quản dự án lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
II. Tóm tắt về dự án
1. Tên dự án và nhà tài trợ: Dự án "Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn" do ADB tài trợ.
2. Cơ quan chủ quản: UBND các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn
3. Mục tiêu, phạm vi:
3.1. Mục tiêu: Cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao tính kết nối giữa bốn tỉnh vùng Đông Bắc thông qua phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống cấp nước nông thôn đáp ứng cung cấp nước sạch cho người dân, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn, tăng cường năng lực và tính chủ động trong việc lập kế hoạch đầu tư và quản lý phát triển của các tỉnh.
3.2. Phạm vi thực hiện: Các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
4. Các dự án thành phần và kết quả dự kiến:
4.1. Dự án thành phần tỉnh Cao Bằng
Gồm 03 hợp phần chính:
a) Hợp phần 1: Hệ thống đường giao thông liên kết vùng
Xây dựng, cải tạo nâng cấp một số tuyến đường nhằm tăng cường kết nối, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải của địa phương, của tỉnh bạn cũng như nhu cầu vận tải thương mại biên giới; phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch:
- Đường Tỉnh 211, đoạn Trà Lĩnh - Trùng Khánh (khoảng 28 km).
- Đường tỉnh 206 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) - Cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang) (khoảng 27 km).
- Đường giao thông Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) - Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) (khoảng 29 km).
b) Hợp phần 2: Cấp nước sinh hoạt và sản xuất
Đầu tư hệ thống cấp nước, cải thiện điều kiện và nâng cao dịch vụ cấp nước cho người dân và nhất là người dân ở vùng nông thôn, người nghèo để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, du lịch tại các địa bàn:
- Thị trấn Xuân Hòa và xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: Cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 7.468 người với công suất 2.000m3/ngày đêm.
- Thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng: Dự trữ, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5.400 người với công suất 1.500m3/ngày đêm.
c) Hợp phần 3: Quản lý dự án
Bảng 1: Chi tiết phân bổ vốn dự kiến - tỉnh Cao Bằng:
Đơn vị: triệu USD
STT | Các hợp phần | Vốn ADF/COL | Vốn đối ứng | Tổng vốn |
1 | Hệ thống giao thông liên kết vùng | 28,75 | 3,73 | 32,48 |
2 | Cấp nước sinh hoạt và sản xuất | 5 | 0,90 | 5,90 |
3 | Quản lý dự án | - | 1,25 | 1,25 |
| Tổng | 33,75 | 5,88 | 39,63 |
Phương án phân bổ vốn trên là dự kiến, sẽ được xác định rõ trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4.2. Dự án thành phần tỉnh Bắc Kạn
Gồm 03 hợp phần chính:
a) Hợp phần 1: Hệ thống đường giao thông liên kết vùng:
Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường:
- Đường kết nối từ trung tâm huyện Pác Nặm tỉnh Bắc Kạn với Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng (khoảng 24,2 km).
- Đường kết nối từ trung tâm huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn với huyện Bình Gia và huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn (khoảng 20,47 km).
- Đường kết nối từ trung tâm xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn với xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng (khoảng 10,50 km).
b) Hợp phần 2: Cấp nước sinh hoạt và sản xuất
Đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước tại các địa bàn:
- Xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, cung cấp nước chủ động cho khoảng 1.072 hộ tiêu thụ với 3.962 nhân khẩu.
- Xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.170 hộ tiêu thụ với 4.200 nhân khẩu.
- Huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.500 hộ tiêu thụ.
c) Hợp phần 3: Quản lý dự án
Bảng 2: Chi tiết phân bổ vốn dự kiến - tỉnh Bắc Kạn
Đơn vị: triệu USD
STT | Các hợp phần | Vốn ADF/COL | Đối ứng | Tổng vốn |
1 | Hệ thống giao thông liên kết vùng | 28,75 | 4,45 | 33,2 |
2 | Cấp nước sinh hoạt và sản xuất | 5,0 | 0,8 | 5,8 |
3 | Quản lý dự án | - | 0,7 | 0,7 |
| Tổng | 33,75 | 5,95 | 39,7 |
Phương án phân bổ vốn trên là dự kiến, sẽ được xác định rõ trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4.3. Dự án thành phần tỉnh Hà Giang
Gồm 03 hợp phần chính:
a) Hợp phần 1: Hệ thống đường giao thông liên kết vùng
Hợp phần bao gồm 04 tuyến đường:
- Nâng cấp, cải tạo đường từ xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang đến xã Ngọc Linh huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
- Nâng cấp, cải tạo đường từ thành phố Hà Giang đến khu công nghiệp Bình Vàng.
- Nâng cấp, cải tạo tuyến đường Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc.
- Mở mới tuyến đường từ xã Quyết Tiến - Lùng Khúy - Đông Hà.
b) Hợp phần 2: Cấp nước sinh hoạt và sản xuất
Đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước tại các địa bàn:
- Thị trấn Vinh Quang và các xã Tụ Nhân và Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
- Thị trấn Cốc Pài và các xã lân cận Nấm Dẩn, Bản Ngò, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
c) Hợp phần 3: Quản lý dự án
Bảng 3: Chi tiết phân bổ vốn dự kiến - tỉnh Hà Giang
Đơn vị: triệu USD
STT | Các hợp phần | Vốn ADF/COL | Đối ứng | Tổng vốn |
1 | Hệ thống giao thông liên kết vùng | 28,97 | 4,54 | 33,51 |
2 | Cấp nước sinh hoạt và sản xuất | 4,78 | 0,84 | 5,62 |
3 | Quản lý dự án | - | 0,5 | 0,5 |
| Tổng | 33,75 | 5,88 | 39,63 |
Phương án phân bổ vốn trên là dự kiến, sẽ được xác định rõ trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4.4. Dự án thành phần tỉnh Lạng Sơn
Gồm 05 hợp phần:
a) Hợp phần 1: Hệ thống giao thông liên kết vùng
Xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường:
- Đường Hoa Thám - Quý Hòa - Vĩnh Yên, huyện Bình Gia (khoảng 23 km);
- Đường Thị trấn - Pắc Kéo - Vĩnh Lại, huyện Văn Quan (khoảng 9,8 km);
- Đường Tân Văn - Bình La - Việt Yên, huyện Bình Gia và Văn Quan (khoảng 11,3 km);
- Đường Khau Bân - Còn Quan - Nà Lừa, huyện Đình Lập (khoảng 16,3 km).
b) Hợp phần 2: Cấp nước sinh hoạt và sản xuất
Xây dựng các hệ thống cấp nước cho các địa bàn:
- Xã Tân Văn, huyện Bình Gia, cấp nước sạch cho trên 500 hộ dân;
- Liên xã Cường Lợi và thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, cung cấp nước sạch cho khoảng 5.000 nhân khẩu;
- Xã Mẫu Sơn, cung cấp nước sạch cho khoảng 1.000 hộ dân và 1,6 triệu khách du lịch (tại Khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái núi tuyết Mẫu Sơn).
c) Hợp phần 3: Cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị nông nghiệp
Dự kiến gồm 04 hạng mục cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp (ARVC) quan trọng đã được xác định, bao gồm:
- Hỗ trợ hạ tầng cho chuỗi giá trị hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù và tiềm năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;
- Hỗ trợ hạ tầng cho các vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap;
- Hỗ trợ phát triển vùng trồng và chế biến dược liệu...
d) Hợp phần 4: Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn.
UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất vay 50 triệu USD vốn OCR nhằm phát triển cơ sở hạ tầng phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn; phát huy thế mạnh trung tâm giao lưu thương mại - du lịch - kinh tế cửa khẩu của thành phố Lạng Sơn, tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Bao gồm các hạng mục:
- Phát triển hệ mạng lưới đường giao thông kết nối tới các cửa khẩu và quốc lộ 1, đường cao tốc mới;
- Phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch thông qua việc cải tạo và kè hồ Nà Chuông;
- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm thúc đẩy, mở rộng không gian xanh, ổn định dân cư khu vực phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn.
- Các hoạt động thúc đẩy đầu tư của khối tư nhân nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, dịch vụ du lịch...
e) Hợp phần 5: Quản lý dự án
Bảng 4: Chi tiết phân bổ vốn dự kiến - tỉnh Lạng Sơn
Đơn vị: triệu USD
STT | Các hợp phần | Vốn vay ADB | Đối ứng | Tổng vốn | |
Vốn ADF/COL | Vốn OCR/MOL | ||||
1 | Hệ thống giao thông liên kết vùng | 29,5 |
| 7,83 | 37,33 |
2 | Cấp nước sinh hoạt và sản xuất | 4,25 |
| 0,75 | 5,0 |
3 | CSHT cho chuỗi giá trị nông nghiệp | 15,0 |
|
| 15,0 |
4 | Phát triển CSHT kết nối phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn. |
| 50,00 | 8,92 | 58,92 |
| Tổng | 48,75 | 50,0 | 17,5 | 166,25 |
Phương án phân bổ vốn trên là dự kiến, sẽ được xác định rõ trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4. Dự kiến tổng vốn, thời gian thực hiện:
4.1. Tổng vốn dự kiến: 235,21 triệu USD (tương đương 5.245.183 triệu VND), trong đó:
- Vốn vay ADB: 200 triệu USD (tương đương 4.460.000 triệu VND):
+ Vốn ADF/COL: 150 triệu USD (tương đương 3.345.000 triệu VND).
+ Vốn OCR/MOL (hợp phần 5 - Lạng Sơn): 50 triệu USD (tương đương 1.115.000 triệu VND).
- Vốn đối ứng: 35,21 triệu USD (tương đương 785.183 triệu VND).
(Tỷ giá tạm tính 01 USD = 22.300 VND)
Bảng 5: Tổng hợp chi tiết phân bổ vốn dự kiến các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn.
Đơn vị: Triệu USD
STT | Nguồn vốn | Lạng Sơn | Hà Giang | Cao Bằng | Bắc Kạn | Tổng |
1 | ADF/COL | 48,75 | 33,75 | 33,75 | 33,75 | 150 |
2 | OCR/MOL | 50 | - | - | - | 50 |
3 | Vốn đối ứng | 17,5 | 5,88 | 5,88 | 5,95 | 35,21 |
| Tổng | 116,25 | 39,63 | 39,63 | 39,7 | 235,21 |
Phương án phân bổ vốn trên là dự kiến, sẽ được xác định rõ trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
4.2. Thời gian thực hiện: 05 năm, kể từ ngày ký Hiệp định (dự kiến năm 2017).
5. Đề xuất cơ chế tài chính trong nước:
- Áp dụng cơ chế cấp phát một phần, vay lại một phần vốn vay ADB cho dự án theo quy định của pháp luật về cho vay lại chính quyền địa phương.
- Điều kiện vay lại: Căn cứ vào quy định tại Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ, UBND các tỉnh tham gia dự án vay lại nguồn vốn vay ADB với các điều kiện bằng các điều kiện Chính phủ vay từ ADB
- Vốn đối ứng: UBND các tỉnh tham gia tự đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
III. Ý kiến của các Cơ quan liên quan
Trên cơ sở đề xuất dự án của UBND các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 5571/BKHĐT-KTĐT ngày 15/7/2016 xin ý kiến và đã nhận được góp ý của các cơ quan liên quan. Về cơ bản, các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết của dự án và có ý kiến cụ thể như sau:
1. Bộ Tài chính (công văn số 17304/BTC-QLN ngày 05/12/2016):
1.1. Góp ý chung:
Nhất trí sự cần thiết của việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh:
- Rà soát, đánh giá tác động của việc triển khai dự án tới việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn của từng tỉnh cũng như tác động đến kế hoạch đầu tư công của cả nước.
- Rà soát lại các hạng mục đầu tư tại các hợp phần của dự án đảm bảo tính liên kết và tập trung của các hạng mục tránh việc đầu tư dàn trải không phát huy được việc phát triển toàn diện các tỉnh.
- Chỉ sử dụng vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho hoạt động hành chính sự nghiệp.
- Rà soát, đảm bảo nợ vay lại của chính quyền địa phương cùng với các khoản vay khác đảm bảo trong hạn mức vay của chính quyền địa phương.
- Làm rõ việc tiêu chí lựa chọn đầu tư các công trình và tính kết nối của các hạng mục xây dựng, trách nhiệm duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư để đảm bảo đầu tư bền vững.
1.2. Góp ý cụ thể
a) Về văn kiện đề xuất dự án:
- Đề nghị thống nhất tên gọi của các hợp phần và bổ sung dự kiến mức vốn và nguồn vốn đầu tư cho từng hợp phần.
- Đối với đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị không sử dụng vốn vay ADB, chỉ sử dụng nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho hợp phần về cải thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và hợp phần quản lý và tăng cường năng lực. Làm rõ các hạng mục sử dụng vốn OCR, ưu tiên phân bổ vốn OCR cho các hạng mục có nguồn thu để đảm bảo hỗ trợ nguồn trả nợ của dự án.
b) Về hạn mức vay của các tỉnh: Theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, hạn mức dư nợ tối đa của ngân sách của các tỉnh được xác định như sau:
Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
- Trong năm 2017: Hạn mức dư nợ vay của ngân sách các tỉnh: Hà Giang là 307,542 tỷ đồng; Cao Bằng 180,582 tỷ đồng; Bắc Kạn 104,266 tỷ đồng; Lạng Sơn 300.900 tỷ đồng. Trong khi dư nợ vay dự kiến của các tỉnh đầu năm 2017: Hà Giang 642,697 tỷ đồng; Cao Bằng 568,255 tỷ đồng; Bắc Kạn 244,520 tỷ đồng; Lạng Sơn 853,306 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ vay vốn của cả 4 tỉnh đã vượt quá hạn (vượt gấp đôi) mức theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn từ 2018 - 2023, dự kiến ngoài việc giải ngân cho các dự án đã phát sinh, các tỉnh còn giải ngân các dự án khác vay vốn WB, ADB, IFAD.
UBND các tỉnh đã có công văn giải trình và cam kết số tiền cân đối trả nợ năm 2017 để đảm bảo hạn mức vay trong ngưỡng cho phép là khá cao và chưa thực sự thuyết phục (Hà Giang là 355 tỷ đồng, Cao Bằng 387 tỷ đồng, Lạng Sơn 552 tỷ đồng, Bắc Kạn 140 tỷ đồng). Mặt khác, việc UBND các tỉnh xác định số thu Ngân sách tính được hưởng qua các năm tăng để làm căn cứ tăng hạn mức vay nợ của địa phương qua các năm là chưa có cơ sở. Do đó, phương án đề xuất về hạn mức vay nợ của UBND các tỉnh chưa thật sự khả thi.
Vì vậy, đề nghị UBND các tỉnh bố trí trả nợ để đảm bảo mức dư nợ nằm trong hạn mức của năm 2017 và các năm tiếp theo, báo cáo các cơ quan liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định vay cho dự án và các thủ tục phê duyệt tiếp theo.
c) Về vốn đối ứng: UBND các tỉnh tham gia tự đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (công văn số 5702/NHNN-HTQT ngày 27/7/2016, số 6892/NHNN-HTQT ngày 14/09/2016):
- Về đề xuất dự án ban đầu sử dụng vốn ưu đãi ADF:
+ Về điều chỉnh vốn vay ADB: Đề nghị các tỉnh nêu rõ lý do về việc phân bổ lại vốn ADF và vốn đối ứng, trao đổi và thống nhất với ADB về việc phân bổ điều chỉnh vốn vay này.
+ Phương án trả nợ: Đề nghị chia theo năm: 5 năm đầu thực hiện dự án (trả lãi) và các năm còn lại (trả nợ gốc và lãi) vì hiện nay chưa xác định chính xác thời điểm bắt đầu triển khai dự án.
- Về đề xuất vay vốn OCR của UBND tỉnh Lạng Sơn: Đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất số vốn đề xuất.
- Về tổng thể đề xuất dự án:
+ Về tỷ giá VND/USD: Đề nghị các tỉnh thống nhất 01 tỷ giá và thời điểm quy đổi duy nhất đối với 4 tỉnh.
+ Đánh giá tác động nợ công: Đề nghị các tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng bổ sung phần đánh giá tác động nợ công để nêu rõ phương án trả nợ theo quy định tại Luật Ngân sách và Nghị định 78/2010/NĐ-CP.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (công văn số 7685/BNN-HTQT ngày 12/09/2016, số 6464/BNN-KH ngày 02/8/2016):
Thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua đề xuất dự án nêu trên và đề nghị:
- Các địa phương lưu ý đảm bảo hợp phần phát triển nông nghiệp phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, ưu tiên theo hướng phát triển bền vững các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
- Bổ sung quy hoạch nước sạch của từng tỉnh làm cơ sở đầu tư, tránh việc đầu tư trùng lắp với các công trình thuộc chương trình nước sạch nông thôn dựa vào kết quả vay vốn WB đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
4. Bộ Giao thông vận tải (công văn số 8796/BGTVT-KHĐT ngày 29/7/2016): Nhất trí việc đầu tư dự án.
5. Giải trình của các địa phương
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 10672/BKHĐT-KTĐN ngày 26/12/2016 đề nghị các tỉnh giải trình và đã nhận được văn bản giải trình của UBND các tỉnh Bắc Kạn (số 5904/UBND-TH ngày 29/12/2016), Hà Giang (số 4769/UBND-TH ngày 29/12/2016), Cao Bằng (số 3893/UBND-TH ngày 29/12/2016), và Lạng Sơn (số 1295/UBND-KTN ngày 29/12/2016) giải trình các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan cho đề xuất dự án. Cụ thể như sau:
- Thống nhất chỉ sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi cho các hạng mục đầu tư phát triển.
- Về việc phân bổ lại vốn ODA và vay ưu đãi, vốn đối ứng: Trong quá trình chuẩn bị dự án, UBND các tỉnh đã phối hợp với ADB và cơ quan liên quan thực hiện rà soát các hạng mục đầu tư để đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khả năng vay trả nợ của tỉnh. Trên cơ sở đó điều chỉnh số vốn vay cho phù hợp. Về vốn đối ứng, thống nhất điều chỉnh tăng (khoảng 15%).
- Về hạn mức vay và phương án trả nợ: Các tỉnh đã làm rõ hạn mức vay và phương án trả nợ của từng tỉnh. Các tỉnh cũng thống nhất rằng Hiệp định dự án sẽ chỉ có hiệu lực khi địa phương đảm bảo được hạn mức vay nợ theo quy định của Chính phủ.
6. Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Việc đầu tư cho dự án "Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn" nhằm hỗ trợ cho 04 tỉnh là cần thiết và được các cơ quan liên quan nhất trí.
- Về hạn mức, khả năng vay và cơ cấu nguồn vốn: UBND các tỉnh đã rà soát quy mô các hạng mục đề xuất đầu tư, đảm bảo việc vay lại nguồn vốn vay ADB phù hợp với tình hình, điều kiện của ngân sách, hạn mức vay của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho các hoạt động đầu tư phát triển, các hoạt động liên quan đến tăng cường năng lực, xây dựng chính sách, quản lý... sẽ được sử dụng từ nguồn vốn đối ứng đúng theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.
- Theo giải trình của UBND các tỉnh, năm 2017 là thời điểm dự kiến Hiệp định vay vốn của dự án được ký kết, hiệu lực vào năm 2018. HĐND các tỉnh đã phê duyệt phương án trả nợ, theo đó tỉnh sẽ tập trung trả nợ các khoản nợ hiện hành để giảm mức dư nợ về mức dư nợ tối đa cho phép làm cơ sở để tiếp nhận khoản vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các tỉnh: (i) tính toán và xác định ưu tiên trong quá trình lựa chọn các tiểu dự án, (ii) rà soát nợ hiện hành của ngân sách địa phương và các khoản nợ có thể phát sinh của các dự án mới sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài mà tỉnh đang chuẩn bị hoặc sắp ký kết để tính toán tổng mức đầu tư của dự án thành phần phù hợp với khả năng trả nợ vay của địa phương và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu do tỉnh rà soát, cung cấp.
Với những ý kiến nếu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Phê duyệt đề xuất dự án "Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn" vay vốn ADB với các nội dung nêu tại Mục II văn bản này.
2. Giao UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, lập Báo cáo chủ trương đầu tư và tiến hành các thủ tục phê duyệt theo đúng quy định, trong đó: Lưu ý không sử dụng vốn vay ADB cho các cấu phần chi hành chính, tăng cường năng lực, đào tạo, tập huấn.... Kinh phí chuẩn bị dự án do cơ quan chủ quản các dự án thành phần tự bố trí.
UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn có trách nhiệm giảm mức dư nợ về mức hạn mức quy định, báo cáo các cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định vay dự án.
3. Cơ chế tài chính: Áp dụng cơ chế vay lại một phần vốn vay ADB cho dự án theo quy định của pháp luật về cho vay lại chính quyền địa phương để thực hiện các tiểu dự án. Tỷ lệ vay lại cụ thể sẽ được xác định tại thời điểm trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 9939/BKHĐT-KTĐN năm 2016 đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
- 3 Quyết định 2509/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn" do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ không hoàn lại của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 40/2015/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2015 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 7 Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Công văn 339/TTg-KTN năm 2014 thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị định 78/2010/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ
- 1 Công văn 339/TTg-KTN năm 2014 thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2015 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 2509/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn" do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ không hoàn lại của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 9939/BKHĐT-KTĐN năm 2016 đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành