Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/BNV-CCVC
V/v xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BNV hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành các thông tư hướng dẫn việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Qua kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương và ý kiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:

I. VỀ XÁC ĐỊNH CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC

Cơ cấu ngạch công chức được tính theo tỷ lệ % số công chức giữ các ngạch công chức trên tổng số công chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức (viết tắt là đơn vị sử dụng), cụ thể:

1. Đối với các đơn vị sử dụng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ), cơ quan thuộc Chính phủ

a) Đối với các tổ chức thực hiện chức năng tham mưu chuyên sâu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực[1]:

- Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa không quá 30%;

- Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Ngạch chuyên viên, cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 20%.

b) Đối với các tổ chức thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp hoặc về công tác quản trị nội bộ[2]:

- Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa không quá 25%;

- Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Ngạch chuyên viên, cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 25%.

2. Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương:

- Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống: Tối đa không quá 50%.

b) Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 40%;

- Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống: Tối đa không quá 60%.

3. Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện[3]

- Ngạch chuyên viên và tương đương: Tối đa không quá 80%;

- Ngạch cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 20%.

II. VỀ XÁC ĐỊNH CƠ CẤU HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC

Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)

- Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4)

- Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;

- Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

III. MỘT SỐ ĐIỂM THỐNG NHẤT TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Cơ cấu tại Mục I và Mục II Công văn này không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý.

2. Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được thành lập theo đúng quy định của pháp luật thì quyết định theo thẩm quyền hoặc căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền thành lập để xác định tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên. Đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc các cơ quan nêu tại Mục I, Mục II Công văn này và tại khoản này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ tỷ lệ phù hợp, bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

3. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ.

4. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ hướng dẫn tại Công văn này để xem xét, quyết định việc áp dụng xác định tỷ lệ cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ (qua Vụ Công chức - Viên chức)[4] và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp, giải đáp theo quy định.

Trên đây là một số nội dung về xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTgCP Trần Lưu Quang (để báo cáo);
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng;
- Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, ngành;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, Vụ CCVC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Thanh Trà

 



[1] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ) thì Vụ là tổ chức thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp hoặc chuyên sâu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của Bộ.

[2] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ… (trong đó có quy định giao Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan thuộc Chính phủ). Theo đó, tại các Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ thì các tổ chức hành chính là các tổ chức giúp việc của cơ quan thuộc Chính phủ.

[3] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ) thì cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương…

[4] Đ/c Hoàng Xuân Đảm, số điện thoại: 0934.267.599 hoặc đ/c Nguyễn Thanh Bình, số điện thoại: 0983.324.675.