Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/TCTCCTTHC
V/v triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm từ nay đến hết năm 2023

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm;
- Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc;
- Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn;
- Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu;
- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình;
- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Anh.

Để cải cách thực chất thủ tục hành chính (TTHC) tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) đề nghị các Đồng chí:

1. Quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai có kết quả, sản phẩm cụ thể, bảo đảm chất lượng và tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC tại Phụ lục kèm theo. Phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác để kịp thời thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

2. Tạo điều kiện để Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ được phân công theo dõi, đôn đốc việc triển khai của Bộ, cơ quan, địa phương theo Quy chế hoạt động của Tổ công tác.

3. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC theo nội dung Công văn số 5633/VPCP-KSTT ngày 25 tháng 7 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, đồng thời gửi 01 bản đến Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, PTTg Trần Lưu Quang;
- TCTCCTTHC: Tổ trưởng, các Tổ phó;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị: KSTT, NC, KGVX, PL, TH, QHĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TCTCCTTHC (02b).

TỔ TRƯỞNG




PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Lưu Quang

 

PHỤ LỤC I

NHIỆM VỤ CỦA BỘ CÔNG AN VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Kèm theo Văn bản số: 65/TCTCCTTHC ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)

I. NHIỆM VỤ CỦA BỘ CÔNG AN

1. Nhiệm vụ thường xuyên

- Cắt giảm thực chất các TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đáp ứng hai yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các quy định về TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, đánh giá khả năng phân cấp, phân quyền và cắt giảm, đơn giản hóa các quy định này ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành các quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

- Thực hiện tốt việc đánh giá tác động (lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC và ý kiến thẩm định của cơ quan, đơn vị chức năng) về quy định TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức pháp chế thuộc bộ thẩm định chặt chẽ TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

- Trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nêu rõ: Số lượng TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, tỷ lệ TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa so với hiện hành; những TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành dự kiến ban hành mới và lý do ban hành.

- Tập trung cải cách quy trình, TTHC nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

- Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết TTHC từ trung ương cho địa phương và trong nội bộ Bộ Công an. Bộ cần tập trung vào khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, hạn chế sa vào công việc sự vụ.

- Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; thống kê, cập nhật, công khai các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hằng tháng thống kê đầy đủ những TTHC, quy định liên quan đến kinh doanh được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát việc ban hành và thực thi TTHC.

- Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ,... theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, cắt giảm các thông tin phải khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của bộ.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách TTHC để công khai, minh bạch thủ tục, quy trình giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

- Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát, trong đó tập trung vào việc (1) công khai, minh bạch; (2) tiến độ, kết quả giải quyết; (3) số hóa hồ sơ; (4) cung cấp dịch vụ trực tuyến; (5) mức độ hài lòng.

2. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên cần thực hiện tại Mục 1, Bộ Công an còn phải triển khai các nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2023 như sau:

- Tổ chức rà soát, làm sạch toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; thời hạn hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.

- Thành lập tổ công tác rà soát, cải cách TTHC của bộ, cơ quan ngang bộ bảo đảm thực chất, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 332/TB-VPCP ngày 17 tháng 8 năm 2023.

- Tập trung tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 06, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23 tháng 5 năm 2023 và Thông báo số 238/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 10 năm 2023.

- Thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 25 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp giải quyết 30 TTHC liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ theo các Mục: B.I, C.I Phụ lục I Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát, trình Chính phủ phê duyệt và thực thi phương án đơn giản hóa nhóm quy định, TTHC liên quan đến phòng cháy chữa cháy tại Mục 1 Phụ lục II Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC. Thời gian hoàn thành tháng 12 năm 2023.

- Xử lý dứt điểm 18 phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ./.

II. NHIỆM VỤ CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

1. Tập trung cải cách quy trình, TTHC nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

2. Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết TTHC từ trung ương cho địa phương và trong nội bộ cơ quan.

3. Cập nhật, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; thống kê, cập nhật, công khai các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hằng tháng thống kê đầy đủ những TTHC, quy định liên quan đến kinh doanh được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát việc thực thi TTHC.

4. Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ,... theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, cắt giảm các thông tin phải khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

5. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của bộ.

6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách TTHC để công khai, minh bạch thủ tục, quy trình giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; trọng tâm là triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

7. Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát, trong đó tập trung vào việc (1) công khai, minh bạch; (2) tiến độ, kết quả giải quyết; (3) số hóa hồ sơ; (4) cung cấp dịch vụ trực tuyến; (5) mức độ hài lòng./.

 

PHỤ LỤC II

NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Văn bản số: 65/TCTCCTTHC ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)

1. Thực hiện tốt việc đánh giá tác động (lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC và ý kiến thẩm định của cơ quan, đơn vị chức năng) về quy định TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành các quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định chặt chẽ TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

2. Trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nêu rõ: Số lượng TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, tỷ lệ TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa so với hiện hành; những TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành dự kiến ban hành mới và lý do ban hành.

3. Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hằng tháng thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC.

Rà soát, làm sạch toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Thời hạn hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.

4. Tăng cường rà soát các quy định TTHC hiện nay, kịp thời phát hiện các bất cập, hạn chế và gửi các Bộ (đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ) nghiên cứu, xem xét điều chỉnh.

5. Tập trung cải cách quy trình, TTHC nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết TTHC trong nội bộ các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC. Thời gian hoàn thành tháng 12 năm 2023.

6. Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa hồ sơ,... theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, cắt giảm các thông tin phải khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo. Thời gian hoàn thành tháng 9 năm 2023.

7. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của địa phương.

8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách TTHC để công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 06, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23 tháng 5 năm 2023 và Thông báo số 238/TB-VPCP ngày 22 thang 6 năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 10 năm 2023.

9. Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của địa phương để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát, trong đó tập trung vào việc (1) công khai, minh bạch; (2) tiến độ, kết quả giải quyết; (3) số hóa hồ sơ; (4) cung cấp dịch vụ trực tuyến; (5) mức độ hài lòng./.