BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 659/BTP-PBGDPL | Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2015 |
Kính gửi: | Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Quảng Bình, Thái Bình và thành phố Hồ Chí Minh. |
Để tiếp tục triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã) trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4793/VPCP-PL ngày 27/6/2014, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Quảng Bình, Thái Bình và thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, tập huấn nghiệp vụ và tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật theo các văn bản của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và việc triển khai làm thử đánh giá địa phương tiếp cận pháp luật1.
2. Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm qua 01 năm triển khai làm thử đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương để đề ra giải pháp thực hiện trong năm 2015 cũng như các giải pháp cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho kỳ đánh giá năm 2015 đạt kết quả, đảm bảo thời hạn và chất lượng đánh giá theo quy định.
3. Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu, điều kiện thực tế ở địa bàn lựa chọn một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật để tập trung hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, đánh giá tính phù hợp/không phù hợp của các chỉ tiêu, tiêu chí, qua đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung các Tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tốt việc thẩm tra Hồ sơ tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện quy trình đánh giá.
4. Tổ chức đánh giá, công nhận, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật năm 2015, cụ thể như sau:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đánh giá địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật;
b) Tổ chức tự đánh giá tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
c) Xem xét, cấp Giấy chứng nhận các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2015; xem xét, tặng Bằng khen đối với các xã, phường, thị trấn tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh;
d) Lựa chọn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp biểu dương 01 xã, phường, thị trấn và 01 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc (nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn gửi kèm theo Công văn này).
Thời điểm đánh giá tính từ 01/7/2014 đến 30/6/2015.
Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận, khen thưởng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật thực hiện theo Phần 2 của Hướng dẫn về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; quy trình đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn và biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật ban hành kèm theo Công văn số 3175/BTP-PBGDPL ngày 18/7/2014 của Bộ Tư pháp.
Thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục như sau: ở cấp xã bắt đầu thực hiện từ ngày 01/7/2015 và kết thúc trước ngày 31/7/2015; ở cấp huyện bắt đầu thực hiện từ ngày 01/8/2015 và kết thúc trước ngày 20/8/2015; ở cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ ngày 21/8/2015 và kết thúc trước ngày 20/9/2015. Hồ sơ đánh giá tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/9/2015.
5. Tổng kết 2 năm (2014 và 2015) triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã). Báo cáo kết quả gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2015 (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật). Báo cáo cần nêu rõ những hoạt động đã được triển khai, những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh, đề xuất cụ thể giải pháp khắc phục và hướng sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; các giải pháp cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật tại địa phương; sáng kiến, kinh nghiệm trong xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Quảng Bình, Thái Bình và thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của Bộ Tư pháp để tổ chức thực hiện cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số điện thoại 04.62739469) để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
XÁC ĐỊNH VÀ LỰA CHỌN ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ NGHỊ BIỂU DƯƠNG TIÊU BIỂU VỀ TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TOÀN QUỐC
(Ban hành kèm theo Công văn số 659/BTP-PBGDPL ngày 9/3/2015 của Bộ Tư pháp)
1. Điều kiện xã, phường, thị trấn được xem xét, đề nghị biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc
Xã, phường, thị trấn được xem xét, đề nghị biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc khi có đủ các điều kiện sau:
1.1. Được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 và năm 2015;
1.2. Không có cán bộ, công chức cấp xã bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên vì sai phạm trong việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong năm đánh giá;
1.3. Đạt trên 40 điểm so với điểm chuẩn của năm đánh giá.
Điểm chuẩn của năm đánh giá được xác định theo số điểm tương ứng với loại xã, phường, thị trấn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quy định). Ví dụ: xã A là xã của thành phố thuộc tỉnh. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Quy định thì để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xã A phải không có tiêu chí nào đạt dưới 50% số điểm tối đa và có số điểm chuẩn đạt từ 800 điểm trở lên. Như vậy, để được xem xét biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc, trong năm 2015, ngoài đạt được các điều kiện nêu tại điểm 1.1, điểm 1.2 của Hướng dẫn này, xã A phải đạt trên 840 điểm.
Việc đánh giá, lựa chọn 01 xã, phường, thị trấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc theo thứ tự ưu tiên tính trong phạm vi tỉnh, thành phố như sau:
- Điểm chuẩn cao;
- Tính đại diện cho đơn vị hành chính tỉnh, thành phố cao;
- Tính đại diện cho vùng, miền cao;
- Sự nỗ lực, vượt khó cao.
2. Điều kiện quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được xem xét, đề nghị biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc
Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được xem xét, đề nghị biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc khi có đủ các điều kiện sau:
1.1. Được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2014 và năm 2015;
1.2. Năm 2015 có trên 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc đánh giá, lựa chọn 01 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc theo thứ tự ưu tiên tính trong phạm vi tỉnh, thành phố như sau:
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đề nghị biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc cao;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh cao;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao;
- Điểm trung bình của các xã, phường, thị trấn cao.
1 Quyết định số 2143/QĐ-BTP ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai làm thử việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm (2014-2016); Công văn số 7730/BTP-PBGDPL ngày 18/11/2013 hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ; Công văn số 3120/BTP-PBGDPL ngày 15/7/2014 hướng dẫn triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tiếp cận pháp luật.
- 1 Quyết định 2143/QĐ-BTP năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 09/2013/QĐ-TTg và ý kiến chỉ đạo triển khai làm thử việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 02 năm (2014 - 2016) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Công văn 3175/BTP-PBGDPL năm 2014 hướng dẫn về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; quy trình đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn và biểu dương tiêu biểu về tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Công văn 3120/BTP-PBGDPL năm 2014 hướng dẫn thực hiện chỉ đạo về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp
- 4 Công văn 2961/BTP-PBGDPL năm 2014 xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở năm 2015 do Bộ Tư pháp ban hành
- 5 Công văn 4793/VPCP-PL năm 2014 tạm dừng đánh giá tiếp cận pháp luật theo Quyết định 09/2013/QĐ-TTg do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Công văn 7730/BTP-PBGDPL năm 2013 triển khai Quyết định 09/2013/QĐ-TTg về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành
- 7 Quyết định 09/2013/QĐ-TTg về Quy định chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành