Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6619/BTC-NSNN
V/v đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2022 và đề xuất phương án xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2026

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị quyết số 974/2020/UBTVHQ ngày 13/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và các văn bản hướng dẫn, dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, giai đoạn 2026-2030) sẽ được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

(i) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

(ii) Đề xuất phương án xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2026 theo đề cương đính kèm.

Báo cáo đánh giá và kiến nghị đề xuất xin gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15/7/2024 (Đồng gửi File điện tử báo cáo về địa chỉ thư điện tử: nguyenvietanh1@mof.gov.vn).

Bộ Tài chính mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Vụ: HCSN, PC, I;
- Lưu: VT, NSNN (70 b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NSNN NĂM 2022 VÀ ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NSNN NĂM 2026
(Phần dành cho UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương)

1. Đánh giá nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung:

1.1. Kết quả dạt được.

Phân tích rõ những kết quả đạt được của định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2022 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, của Vùng và của cả nước.

1.2. Hạn chế và khó khăn vướng mắc.

Phân tích những hạn chế và khó khăn vướng mắc của định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2022 đối với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, của Vùng và của cả nước.

Về tiêu chí và phương pháp xác định đối với từng lĩnh vực chi theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg. Những bất cập cụ thể của từng lĩnh vực cần bổ sung.

2. Đề xuất phương án xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2026.

Đề xuất những điểm cần sửa đổi, bổ sung, quy định mới về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2026: số lĩnh vực chi cần xây dựng định mức; định mức phân bổ theo tiêu chí dân số, hệ số từng vùng và tiêu chí bổ sung; cách thức tính toán số liệu.

Nguyên tắc bố trí cân đối từ NSĐO, hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP (nếu có) để thực hiện các chế độ, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành sau khi đã ban hành định mức. Đánh giá khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cần kiến nghị nội dung để đưa vào xây dựng định mức mới.

Các kiến nghị khác nếu có về cơ chế bổ sung từ NSTW cho NSĐP để thực hiện các chế độ, chính sách; tập trung theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương thực hiện và giảm sự hỗ trợ từ NSTW./.