BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 665/BGDĐT-VP | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2010 |
Kính gửi: | - Các Bộ và cơ quan ngang Bộ; |
Từ năm 1988 đến nay, đã qua 10 lần xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo, Nhà nước đã phong tặng Nhà giáo nhân dân cho 356 nhà giáo (Nữ: 17 chiếm 4,47%); danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 5094 nhà giáo (Nữ: 1235 chiếm 24,24%) thuộc các bộ, ngành và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Sau khi thống nhất với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú cấp nhà nước ngày 23 tháng 4 năm 2008 đã ban hành Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục và hồ sơ xét, tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Để đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo lần thứ 11 năm 2010 đạt kết quả tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ và các sở giáo dục và đào tạo, các trường học, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực hiện một số công việc sau:
1. Chỉ đạo và tổ chức xét chọn danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 11 theo đúng tinh thần Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo đúng đối tượng và đúng tiêu chuẩn, trong đó cần lưu ý:
- Triển khai nội dung Thông tư 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008 đến toàn thể nhà giáo (kể cả các nhà giáo đã nghỉ hưu) để nghiên cứu, nắm vững đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét chọn.
- Quan tâm đến các nhà giáo trực tiếp giảng dạy, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các nhà giáo là người dân tộc ít người và các nhà giáo nữ.
- Khi xét chọn danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho các nhà giáo đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đủ 6 năm trở lên, cần đảm bảo đủ các tiêu chuẩn Nhà giáo nhân dân đồng thời phải tiếp tục giữ vững, phát huy ảnh hưởng của nhà giáo ưu tú, là giáo viên tiêu biểu có uy tín lớn, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội.
2. Quy trình xét chọn danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 11 phải đảm bảo nguyên tắc: Công khai, khách quan, phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ, giáo viên trong việc giới thiệu và xét chọn danh hiệu vinh dự nhà giáo.
3. Đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu vinh dự nhà giáo phải nộp về đơn vị công tác trước khi nghỉ hưu và thực hiện qua đầy đủ quy trình 04 bước, đủ số phiếu tín nhiệm và đủ số phiếu tán thành như quy định tại Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 4 năm 2008 thì Hội đồng cấp dưới mới trình Hội đồng cấp trên. Đối với các nhà giáo lão thành trên 70 tuổi có công lao to lớn, tiêu biểu được xã hội tôn vinh, được giáo giới trong ngành tín nhiệm được đề nghị xét đặc cách danh hiệu NGND, NGƯT, do quá trình công tác và thời gian công tác trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước có thể bị thất lạc hồ sơ, không đủ các thủ tục hành chính để chứng minh thời gian trực tiếp giảng dạy cũng như thời gian công tác trong ngành hoặc có nhưng chưa hội tụ đủ một số tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú như quy định tại Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT , nhưng được địa phương tôn vinh, được giáo giới trong ngành tín nhiệm, tuyến nộp hồ sơ đúng như các nhà giáo đã nghỉ hưu và qua đầy đủ quy trình 04 bước, đủ số phiếu tín nhiệm và tán thành như quy định thì Hội đồng cấp dưới trình Hội đồng cấp trên kèm theo thuyết minh cụ thể về đặc cách tiêu chuẩn nào cho từng trường hợp. Trong mỗi bộ hồ sơ riêng có thêm dòng chữ “Đề nghị xét đặc cách” tại góc phải phía trên trang đầu của hồ sơ.
4. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến của một số đơn vị giáo dục tại đợt phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý mẫu 1.1 và 2.1 phần ghi họ và tên cần ghi rõ học hàm, học vị (nếu có); mẫu 3.1 và 3.2 bỏ phần ý kiến xác nhận về việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương.
5. Để kịp trình Chính phủ (qua Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) xét, trình Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự nhà giáo, công bố vào trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010. Việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 11 năm 2010 của các địa phương, các bộ, ngành phải đảm bảo thời gian là:
- Ngày 5/5/2010 là thời hạn cuối cùng các Hội đồng tỉnh, đơn vị và trường trực thuộc Bộ nộp hồ sơ lên Hội đồng cấp Bộ.
- Ngày 5/6/2010 là thời hạn cuối cùng các Hội đồng cấp Bộ, Hội đồng cấp ĐHQG nộp hồ sơ lên Hội đồng cấp nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào tạo, các trường, các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 11 năm 2010 đạt kết quả tốt và đủ thời gian quy định trên.
Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc hoặc phát sinh, xin liên hệ với thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành giáo dục và đào tạo (Phòng Thi đua, Khen thưởng – Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo) qua số máy 043.869.2013 hoặc 091306559 để được giải đáp.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 639/BGDĐT-VP triển khai xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 13 năm 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Thông tư 22/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Nghị định 121/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng và Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi
- 4 Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005
- 5 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003