Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 665/UBDT-CSDT
V/v trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2017

 

Kính gửi:

Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận

Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 971/TTKQH-GS ngày 19/6/2017 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuyển chất vấn của Đại biểu Quốc hội; sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc xin trả lời như sau:

Vấn đề thứ nhất: ''Qua giám sát về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa...(đối tượng được hưởng chính sách). Phản ánh cho thấy, có một số chính sách được ban hành còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực hiện của địa phương có nguồn thu ngân sách thấp, còn được Trung ương cấp bù ngân sách. Theo đó, có một số chính sách được Chính phủ giao cho địa phương chủ động bố trí ngân sách, nguồn lực của địa phương để thực hiện, việc này rất khó khăn để triển khai thực hiện dẫn đến việc chậm và không thể thực hiện đảm bảo theo yêu cầu, gây thiệt thòi cho các đối tượng được hưởng chính sách; làm giảm tính hiệu quả của chính sách đối với người nghèo, giảm tính hiệu lực pháp lý. Cụ thể như: Chính sách đặc thù hỗ trợ về đất ở được quy định tại điểm b, Điều 3 của Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Chính phủ quyết định phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Với bất cập như đã nêu, xin phép được hỏi Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực có biện pháp xử lý như thế nào để khắc phục những hạn chế, bất cập như đã nêu?

Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo như sau:

Ý kiến của Đại biểu là đúng với thực tế. Đối với những tỉnh nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, việc cân đối kinh phí để thực hiện các chính sách dân tộc Trung ương giao cho ngân sách địa phương bố trí gặp nhiều khó khăn.

Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 quy định: “Ngân sách địa phương bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, ngân sách Trung ương bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các chính sách còn lại”, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ ngành Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; ngày 20/6/2017 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6374/VPCP-KTTH giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành đề xuất nguồn vốn (xin gửi kèm theo văn bản trên để đại biểu nghiên cứu).

Vấn đề thứ hai: “Một số chính sách được ban hành rất thấp, thật sự không giải quyết được gì cho đi tượng theo mục tiêu. Cụ thể tại Điều 3 của Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, theo đó mức hỗ trợ được quy định cho các đối tượng chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/người/khẩu/năm. Với quy định này, thật sự không giải quyết được gì cho bà con. Xin phép được hỏi Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực với mức quy định như đã nêu có thật sự góp phần giải quyết được mục tiêu của Nghị quyết, theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết: “Hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn; Hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao” hay không?; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực có biện pháp nào để cải thiện chính sách nhằm để thực hiện đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết?

Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo như sau:

Qua sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg cho thấy: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã góp phần cùng với các chính sách khác của Nhà nước giải quyết những khó khăn, bức xúc về đời sống của đồng bào, bổ sung nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo thêm động lực cho hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Các địa phương đã chủ động trong việc quyết định lựa chọn hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện chính sách đã phát sinh nhiều bất cập do định mức hỗ trợ quá thấp, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ cho sản xuất, chưa khuyến khích người dân phát triển sản xuất tăng thu nhập; danh mục quy định về mặt hàng hỗ trợ chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở một số địa phương; chưa có cơ chế lồng ghép vốn với các chương trình, chính sách khác nên chưa thể tập trung nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Trước tình hình trên, năm 2014 Ủy ban Dân tộc đã tham mưu dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng định mức, và giao quyền cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định danh mục các mặt hàng hỗ trợ cho phù hợp. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo (tại văn bản số 132/VPCP-V.III ngày 08/01/2014 của Văn phòng Chính phủ) tiếp tục thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg năm 2014 và các năm tiếp theo; việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 102/2009/QĐ-TTg sẽ được thực hiện sau khi Quốc hội có Báo cáo kết quả giám sát chương trình giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Từ năm 2015 đến nay, ngân sách trung ương vẫn hỗ trợ bố trí vốn trong cân đối ngân sách địa phương để thực hiện chính sách. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo giao các Bộ liên quan chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất, tích hợp chính sách này vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Vấn đề thứ ba: Theo quy định của Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, thì hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước hỗ trợ về tín dụng để bà con trồng rừng, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, được phản ánh các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định chưa được tiếp cận chính sách tín dụng của nhà nước theo quy định của Nghị định, vì các cơ quan tín dụng chỉ cho các hộ gia đình được vay vốn, còn đối với cộng đồng dân cư thôn chưa được xem xét, hỗ trợ tín dụng, lý do là không có tư cách pháp nhân, không có tài sản bảo đảm.

Xin phép được hỏi với quy định như đã nêu, nhưng thực tiễn không tổ chức triển khai thực hiện được, thì liệu có đảm bảo về tính hiệu lực pháp lý, hiệu quả của chính sách được Chính phủ ban hành không? Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực của Chính phủ có biện pháp xử lý nào để đảm bảo các chính sách của Chính phủ được triển khai thực hiện nghiêm túc hay không?

Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo như sau:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ thì chỉ có hộ gia đình được hưởng chính sách cho vay để trồng rừng sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ và cho vay phát triển chăn nuôi; không quy định cộng đồng dân cư thôn được hưởng chính sách tín dụng. Vì vậy, cộng đồng dân cư chưa được xem xét hỗ trợ tín dụng là đúng quy định của chính sách tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Vấn đề thứ tư: Thời gian qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Chính phủ đã có tổ chức kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức triển khai thực hiện nguồn vốn của Nhà nước được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách và các tổ chức tín dụng có liên quan để thực hiện đảm bảo các chính sách của Chính phủ cho các đối tượng được hưởng chính sách hay chưa?

Tình hình và kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách và các tổ chức tín dụng có liên quan như thế nào? Có thực hiện cho vay đảm bảo các quy định về đối tượng, mức vay, lãi suất vay theo quy định không?.

Để đảm bảo khắc phục những hạn chế, thực hiện đảm bảo chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng thì Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Phó Thủ tướng Thường trực của Chính phủ làm gì?

Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo như sau:

Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nguồn vốn của Nhà nước ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng có liên quan do nhiều cơ quan thực hiện (Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra các cấp, thanh tra của các Bộ ngành liên quan). Đối với Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đã ban hành kế hoạch thanh tra năm 2017, thanh tra một số địa phương về thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số do Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý, đồng thời sẽ thực hiện công tác kiểm tra tại tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo phân công của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, năm 2016 doanh số cho vay đạt 55.150 tỷ đồng, tăng 5.733 tỷ đồng so với năm 2015, với trên 2.297 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 40.127 tỷ đồng, tăng 3.990 tỷ so với năm 2015 và bằng 73% doanh số cho vay. Các chính sách được ban hành có quy định cụ thể về đối tượng, mức vay, lãi suất vay, đồng thời khi triển khai thực hiện chính sách, đều tiến hành bình xét tại thôn, bản, vì vậy các chính sách triển khai cho vay cơ bản đảm bảo đúng về đối tượng, mức vay và lãi suất theo quy định.

Tuy vậy, qua chất vấn của Đại biểu, Ủy ban Dân tộc sẽ chủ động, tăng cường các cuộc thanh tra liên quan đến việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đối tượng, mức vay, lãi suất vay... hạn chế sai sót có thể xảy ra.

Trên đây là ý kiến trả lời của Ủy ban Dân tộc về nội dung chất vấn của đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.

Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban thường vụ QH (b/cáo);
- Phó Thủ tướng TT Trương Hòa Bình (b/cáo);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận;
- Vụ phục vụ hoạt động giám sát VPQH;
- UBND tỉnh Ninh Thuận;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến