Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 669/CP-KTTH

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2003

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 669/CP-KTTH NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 2003 VỀ VIỆC TRIỂN KHAI HIỆP ĐỊNH DỆT MAY VIỆT NAM - HOA KỲ

Kính gửi:

- Bộ Thương mại,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Bộ Công nghiệp,
- Bộ Tài chính,
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
- Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Xét đề nghị của Bộ Thương mại tại Công văn số 1044/TM-XNK ngày 13 tháng 5 năm 2003 về việc triển khai Hiệp định dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Yêu cầu Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính (kể cả Tổng cục Hải quan), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tích cực xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ theo các phương châm cơ bản đã nêu ra trong Công văn số 625/VPCP-QHQT ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

Để tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị kế hoạch sản xuất cho năm tới, cơ chế này cần được công bố chậm nhất là ngày 01 tháng 9 năm 2003.

2. Trước mắt, để bảo đảm cho việc xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ không bị gián đoạn, đồng ý với các kiến nghị nêu trong Công văn số 1044/TM-XNK ngày 13 tháng 5 năm 2003 nói trên đã được thỏa thuận giữa các Bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại chủ trì cùng các cơ quan hữu quan xây dựng Thông tư liên bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho mọi doanh nghiệp biết trước khi phân bổ.

3. Ngoài những nội dung trong Công văn số 1044/TM-XNK nêu trên, lưu ý các cơ quan một số việc sau:

- Có cơ chế bảo đảm không xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch;

- Tuyệt đối không giao hạn ngạch cho các doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất hàng dệt, may.

- Tiến hành một đợt kiểm tra tình trạng, hiện tượng gian lận thương mại, nhất là sử dụng sản phẩm sản xuất ở nước khác, sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giả; nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì nhất thiết không phân hạn ngạch, nếu vi phạm nghiêm trọng thì đề xuất chủ trương rút đăng ký kinh doanh hoặc xử lý theo pháp luật.

Đồng ý việc lập Tổ giám sát liên bộ để thực hiện vấn đề này như kiến nghị trong Công văn số 1044/TM-XNK của Bộ Thương mại.

- Bộ trưởng Bộ Thương mại có biện pháp bảo đảm không để xảy ra tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngạch.

- Phí hạn ngạch hàng dệt may nộp ngân sách nhà nước để bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu nhằm hỗ trợ cho các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 57/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Thương mại coi hoạt động xúc tiến thương mại đối với ngành dệt may là một trong những ưu tiên hàng đầu.

4. Các Bộ: Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư bàn với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tổ chức thực hiện cụ thể; phối hợp xử lý các vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành.

 

Vũ Khoan

(Đã ký)