TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6705/CT-TTHT | TP.HCM, ngày 5 tháng 9 năm 2012 |
Kính gửi: | Công ty TNHH hàng hải Wallem Việt Nam. |
Trả lời văn bản số 08/07/2012-WSV ngày 05/07/2012 của Công ty về lập hoá đơn theo phiếu chuyển số 658/PC-TCT ngày 19/07/2012 của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 3, Điều 4 và Điều 15 Nghị Định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính Phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
“1. Hoá đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Tạo hoá đơn là hoạt động làm ra hoá đơn để sử dụng cho mục đích bán hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; gồm: tự in từ các máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp; đặt các doanh nghiệp đủ điều kiện in hoá đơn; khởi tạo hoá đơn điện tử theo Luật Giao dịch điện tử.
3. Lập hoá đơn là việc ghi đầy đủ nội dung của hoá đơn theo quy định khi bán hàng hoá, dịch vụ.”
“Hoá đơn phải có cá nội dung sau:
a) Tên hoá đơn, ký hiệu hoá đơn, số hoá đơn, tên liên hoá đơn. Đối với hoá đơn đặt in còn phải ghi tên tổ chức đã nhận in hoá đơn;
b) Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán;
c) Tên, địa chỉ, mã số thuế người mua;
....”
“Khi bán hàng hoá, dịch vụ người bán phải lập hoá đơn. Khi lập hoá đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này”.
Trường hợp Công ty là đại lý cho hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam thì khi thu hộ các khoản cước vận tải, phí xếp dỡ tại Việt Nam....Công ty phải lập hoá đơn ghi đầy đủ thông tin của người thuê cung cấp dịch vụ vào chỉ tiêu: tên, địa chỉ, mã số thuế người mua. Việc khách hàng của Công ty đề nghị Công ty lập hoá đơn giao cho bên thứ 3 không phải là người thuê cung cấp dịch vụ thể hiện trên vận đơn đường biển, không có quan hệ giao dịch kinh tế với hãng tàu là không đúng quy định.
Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
Nơi nhận: | TUQ. CỤC TRƯỞNG |