Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/TANDTC-PC
V/v xét xử tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

Kính gửi:

- Chánh án Tòa án nhân dân các cấp;
- Chánh án Tòa án quân sự các cấp;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt và thực hiện các nội dung sau đây:

1. Trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới được Quốc hội thông qua (như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan) và các văn bản hướng dẫn thi hành của Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành trung ương; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng bảo đảm nghiêm khắc.

2. Ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án cần thụ lý, giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21-09-2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong quá trình xét xử, cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.

3. Chủ động phối hợp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến của vụ án, từ đó lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử, bảo đảm kịp thời và đúng thời hạn luật định.

4. Báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em để Tòa án nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành trung ương hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Ngay khi nhận được Công văn này yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc trong cơ quan, đơn vị mình./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Chánh án TANDTC
- Các đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN





Nguyễn Trí Tuệ