Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6842/BKHĐT-TH
V/v phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước;
- Tập đoàn điện lực Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 499/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, hướng dẫn một số nội dung:

1. Dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn điện lực Việt Nam, các ngân hàng: Phát triển Việt Nam, Chính sách xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) tại Phụ lục số I kèm theo.

2. Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và mức vốn dự kiến tại Phụ lục số II kèm theo.

Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 theo các nội dung sau:

I. NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ PHÂN BỔ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG (NSTW) NĂM 2021

1. Nguyên tắc chung

- Thực hiện các mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phù hợp với quy hoạch quốc gia; phù hợp với dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Gắn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 với định hướng cơ cấu lại đầu tư công đến năm 2025.

- Thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật NSNN, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021.

- Việc phân bổ vốn phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch đầu tư năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn NSNN theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

2. Nguyên tắc, tiêu chí cụ thể phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 cho các dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương

Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 phải đảm bảo nguyên tắc chung tại điểm 1 nêu trên và thứ tự ưu tiên như sau:

- Bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có);

- Bố trí vốn để thu hồi số vốn ứng trước nguồn NSTW theo mức vốn thông báo tại Phụ lục số I kèm theo văn bản này, trong đó có toàn bộ số vốn đã ứng trước nguồn NSTW dự kiến thu trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi;

- Bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.

- Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ thực hiện dự án và theo các quyết định được phê duyệt.

- Bố trí đủ vốn NSNN năm 2021 cho các dự án hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư; các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định của giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 phải tập trung bố trí vốn hoàn thành trong năm 2021, hạn chế tối đa việc báo cáo cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án này.

- Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021 theo tiến độ đồng thời bảo đảm thời gian bố trí vốn của dự án theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Đầu tư công (dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 04 năm và nhóm C không quá 3 năm).

- Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, trong đó ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục, được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, dự án thực hiện các mục tiêu chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số... phục vụ và góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành quốc gia; tiếp đến là các dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông có tính chất kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, quốc phòng, an ninh, dự án cấp bách phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu,...

Do các dự án khởi công mới năm 2021 chưa có trong kế hoạch đầu tư trung hạn nên việc khởi công mới phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lưu ý bảo đảm sau khi thực hiện phân bổ vốn đúng theo nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí nếu còn vốn mới đề xuất khởi công mới. Khi đề xuất khởi công mới, đề nghị làm rõ tính cần thiết, cấp bách, tiến độ hoàn thành thủ tục và bảo đảm giải ngân được trong năm 2021.

- Đối với vốn nước ngoài, trong điều kiện nguồn vốn ODA giảm, với mức ưu đãi thấp hơn trước cần phải rà soát chặt chẽ, thận trọng kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo các nguyên tắc sau:

Các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ năm 2021 theo thứ tự ưu tiên: dự án kết thúc Hiệp định trong năm 2021 không có khả năng gia hạn Hiệp định; dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021; dự án mới đã ký Hiệp định; dự án chuẩn bị ký Hiệp định trong năm 2020 và có khả năng giải ngân trong năm 2021.

Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.

Đối với các dự án Ô có cơ cấu hỗn hợp (bao gồm dự án thành phần ở trung ương do các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan chủ quản quản lý, thực hiện và dự án thành phần ở địa phương do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản quản lý, thực hiện), cơ quan chủ quản dự án Ô (bộ, cơ quan trung ương) rà soát, phân khai nguồn vốn nước ngoài theo tiến độ; cơ quan chủ quản dự án thành phần/địa phương cân đối trong dự toán ngân sách địa phương năm 2021 phù hợp với khả năng giải ngân của dự án.

3. Đối với số vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững tại Phụ lục số II kèm theo:

a) Đối với các dự án chuyển tiếp: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bố trí vốn cho các dự án này không thấp hơn mức vốn được thông báo tại phụ lục số II kèm theo.

b) Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc khởi công mới trong năm 2021, việc bố trí kế hoạch năm 2021 cho các dự án này phải bảo đảm:

- Phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

- Có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Đối với các dự án do địa phương quản lý, khi phê duyệt dự án phải bảo đảm có sự đóng góp từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án. NSTW ưu tiên hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và thiết bị được tạm tính theo quy định tại Quyết định số 44/QĐ-BXD ngày 14/01/2020 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình và chi phí chuẩn bị đầu tư; các địa phương chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ còn lại như giải phóng mặt bằng, chi phí khác.

II. DỰ KIẾN DANH MỤC DỰ ÁN VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NSTW NĂM 2021

Căn cứ các nguyên tắc, tổng mức vốn thông báo nêu trên, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 với các nội dung sau:

1. Dự kiến danh mục và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW cho từng dự án theo ngành, lĩnh vực; trường hợp dự kiến bố trí vốn NSTW kế hoạch năm 2021 cho dự án quá thời gian bố trí vốn theo quy định, tách thành phụ lục riêng và giải trình rõ lý do không bố trí đủ vốn cho các dự án này theo tiến độ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn NSTW.

2. Đối với danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững:

- Bố trí vốn không thấp hơn mức dự kiến tại phụ lục kèm theo đối với danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng; trường bố trí vốn cho các dự án này thấp hơn mức vốn được thông báo, đề nghị giải trình rõ lý do để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Tùy theo tính chất, mục tiêu của từng dự án, bộ, cơ quan trung ương và địa phương sắp xếp dự án vào ngành, lĩnh vực phù hợp để tổng hợp báo cáo.

3. Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2021 chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện các bước lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 10 tháng 12 năm 2020. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư hoặc quyết định đầu tư điều chỉnh dự án thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư công hiện hành tại thời điểm quyết định, trong đó lưu ý điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 101 Luật Đầu tư công số 39/2020/QH14.

4. Chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo đúng quy định, lựa chọn dự án bảo đảm thủ tục đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn có thể triển khai ngay, khắc phục tình trạng dự án giao vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu thì không được bố trí vốn.

5. Dự kiến các kết quả đạt được của phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021.

6. Các tồn tại, hạn chế trong phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn năm 2021.

7. Các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 được giao.

Lưu ý: Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 bám sát các nguyên tắc, tiêu chí nêu trên. Năm 2021, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giao danh mục và mức vốn NSTW kế hoạch năm 2021 cho các dự án, nhiệm vụ mới (chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020) của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó, đối với các dự án khởi công mới, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 10 tháng 12 năm 2020, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao danh mục và mức vốn NSTW kế hoạch năm 2021 đối với các dự án này trước 31 tháng 12 năm 2020.

Năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, cũng là năm đầu tiên thực hiện khoản 4 Điều 44 Nghị định 40/2020/NĐ-CP[1], đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư vốn NSNN năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

III. TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Theo quy định của Luật Đầu tư công, trước ngày 30 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2021 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị báo cáo theo các nội dung hướng dẫn trên đây; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 trước ngày 25 tháng 10 năm 2020. Đồng thời, đề nghị sử dụng tài khoản đã được cấp trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước (https://dautucong.mpi.gov.vn) để báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 (gửi báo cáo bằng văn bản đối với các dự án có tính chất mật, tối mật, tuyệt mật).

2. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về danh mục dự án, tính chính xác và thống nhất về thông tin, số liệu giữa báo cáo trên Hệ thống và văn bản báo cáo; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về sự chậm trễ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp báo cáo gửi chậm so với thời gian quy định.

3. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các cấp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chi, chỉ cho phép giải ngân đối với các dự án bảo đảm đủ thủ tục đầu tư và đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp phát hiện trường hợp bố trí kế hoạch vốn chưa đúng quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịp thời thông báo cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan và Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để có sự điều chỉnh cần thiết, bảo đảm công tác giải ngân đúng quy định pháp luật. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ KHĐT: Lãnh đạo Bộ, các đơn vị liên quan (theo danh sách);
- Sở KHĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT, Vụ TH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

 



[1] Trường hợp đến ngày 31 tháng 01 năm sau năm kế hoạch, bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công được giao hằng năm, không có các trường hợp bất khả kháng được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định tại Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.